Góp ý Luật Quy hoạch đô thị: Thêm nhiều thủ tục mới được lập quy hoạch

Luật Quy hoạch đô thị đã tham khảo rất nhiều các luật liên quan, đảm bảo nguyên tắc không chỏi nhau và không tách rời đất đai và xây dựng” - ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định như trên tại buổi góp ý dự án Luật Quy hoạch đô thị tổ chức tại TP.HCM dành cho các tỉnh phía Nam vào ngày 27-6.

Thêm nhiều loại giấy mới

Ông Trần Ngọc ChínhDự án luật đưa ra những quy định, khái niệm mới. Bên cạnh chứng chỉ quy hoạch vốn đã khá quen thuộc, nay còn có yêu cầu mới về giấy phép quy hoạch. Trước khi tiến hành đầu tư dự án phải xin cấp giấy phép quy hoạch. Giấy phép này được chính quyền cấp căn cứ vào các quy hoạch đô thị được duyệt, là cơ sở để chủ đầu tư dự án tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết. Ông Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng giải thích: “Chứng chỉ quy hoạch bao gồm các thông tin về chức năng sử dụng đất, diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng, chiều cao tối đa, tối thiểu... của thửa đất. Ai muốn biết thông tin thì đều được cung cấp chứng chỉ quy hoạch. Nhưng có được thực hiện dự án trên thửa đất đó hay không thì phải được cấp giấy phép quy hoạch”. Ngoài giấy phép quy hoạch, cơ quan quản lý quy hoạch các cấp phải cung cấp thông tin liên quan đến đồ án quy hoạch được duyệt khi dân có nhu cầu dưới hình thức giải thích quy hoạch. Đại diện UBND thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Kon Tum) đề nghị: “Phải thu phí khi cung cấp thông tin vì nhân lực của cơ quan quản lý quy hoạch không nhiều. Việc thu phí còn nhằm tránh tình trạng bị quấy nhiễu không cần thiết”.

“Để có quy hoạch, chủ đầu tư phải cần quá nhiều giấy” - ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đặt vấn đề. Tương tự là giấy phép phá dỡ công trình mà dự án luật đặt ra: Trước khi phá dỡ công trình hiện có, trừ công trình tạm hoặc có nguy cơ đổ nát, hoặc thuộc đối tượng cưỡng chế, chủ sở hữu công trình phải xin cấp giấy phép phá dỡ. Ông Nguyễn Văn Hiệp nhận xét: “Không cần thủ tục này. Trong giấy phép xây dựng chỉ cần có vài hàng hướng dẫn về việc phá dỡ là đủ”.

Nhà ổ chuột: Chỉ bồi thường tiền?

Quy định đối với các thửa đất và công trình xây dựng trên thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15 m2, nhà nước không bồi thường bằng quỹ đất hoặc công trình mà chỉ bồi thường bằng tiền theo giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm thu hồi đã làm rất nhiều đại biểu băn khoăn.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Cần Thơ cho rằng quy định này không hợp lý: “Thành phố Cần Thơ có nhiều khu nhà ổ chuột nhỏ, người dân sống rất lâu tại đây. Nay mở rộng hẻm hay thực hiện quy hoạch mà chỉ bồi thường một số tiền thì họ sẽ đi đâu?”. Đại diện thành phố Quy Nhơn cũng đồng tình với ý kiến trên. Ông giải thích: Giá bồi thường của nhà nước luôn thấp hơn giá thực tế. Với người có diện tích nhà đất ít như nêu trên, nếu không được bồi thường bằng đất, bằng nhà tái định cư thì người dân sẽ khốn đốn hơn mà hội đồng đền bù cũng sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

“Quên” tiêu chí đồ án quy hoạch tốt

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng đồ án quy hoạch. “Dự án chưa nêu được tiêu chí thế nào là đồ án tốt, dù có chế tài nếu lập quy hoạch tệ, sai” - vị này nói. Theo ông, quy hoạch tốt hay không phụ thuộc đặc biệt vào ý thức trách nhiệm và năng lực của đơn vị tư vấn và cơ quan thẩm định quy hoạch. Việc lấy ý kiến số đông thực chất là làm hài lòng đa số chứ nó không đóng góp nhiều vào chất lượng đồ án. “Hiện nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có cả trăm đơn vị tư vấn và đa số đều cho rằng mình thừa khả năng làm quy hoạch nhưng có đơn vị không có nổi kiến trúc sư chuyên ngành quy hoạch. Năng lực của cơ quan thẩm định cũng chưa tốt, nhất là ở cấp huyện” - đại biểu trên nói tiếp. Do đó, ông đề nghị phải quy định về trách nhiệm, năng lực của đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định quy hoạch vào luật.

Dự kiến dự thảo luật này sẽ trình UBTVQH xem xét vào tháng 8.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm