Nga nâng cấp 'Thiên nga trắng' Tu-160 bay thêm 1.000 km

RT đưa tin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov cho biết tất cả máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga sẽ được hiện đại hóa sâu. Việc nâng cấp bao gồm lắp đặt động cơ mới để tăng tầm bay đáng kể cho mẫu máy bay Tu-160.

Trong chuyến thăm công ty chế tạo động cơ ở Samara, Nga, ông Borisov nói với báo giới rằng động cơ được trang bị trên Tu-160 tiết kiệm năng lượng hơn thế hệ cũ khoảng 10%. Điều này cho phép Tu-160 bay xa thêm 1.000 km.

"Thiên nga trắng" Tu-160 của Nga. Ảnh: RT

Ngày nay, máy bay tầm xa này có thể bay hơn 12.000 km mà không cần tiếp liệu. Khoảng cách kỷ lục mà nó đạt được là 18.000 km.

Ông Borisov cho biết loạt Tu-160 đầu tiên sẽ được trang bị động cơ mới vào năm 2021. "Chúng tôi sẽ thực hiện hiện đại hóa sâu mẫu chiến đấu cơ đang trong biên chế này, chỉ giữ lại phần thân trong khi toàn bộ các thiết bị điện tử và động cơ sẽ được thay thế" - ông Borisov cho biết. Dự tính quá trình hiện đại hóa sẽ hoàn thành vào năm 2030, ông nói thêm.

Khi quá trình hiện đại hóa hoàn tất, Tu-160 sẽ có khả năng tàng hình tốt hơn nhờ lớp phủ thân máy bay đặc biệt. Nó cũng được tích hợp nhiều loại vũ khí vượt trội so với trước đây.

“Người ta thậm chí không thể so sánh Tu-160 mang các tên lửa X-55, X-555 và X-101 với máy bay này - phương tiện mà chúng tôi hy vọng sản xuất hàng loạt đến năm 2030 với các vũ khí hàng không mới và có tầm hoạt động khá khác biệt” - ông Borisov bình luận về kế hoạch hiện đại hóa Tu-160 của Bộ Quốc phòng Nga. Hiệu quả chiến đấu tổng thể của Tu-160 sau hiện đại hóa được ước tính tăng thêm đến 60% so với hiện nay.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 được người Nga đặt biệt danh "Thiên nga trắng", còn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) định danh "Blackjack". Đây là chiến đấu cơ lớn nhất trên thế giới hiện nay với trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 275 tấn. Quân đội Nga bắt đầu sản xuất lại mẫu máy bay này vào năm 2015 sau hơn một thập niên tạm dừng sản xuất.

Tiêm kích F-15 của Mỹ. Ảnh: Newsweek

Phiên bản Tu-160 hiện đại hóa đầu tiên với động cơ và thiết bị điện tử mới được hoàn tất vào tháng 11-2017. Tháng 1-2018, nó thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga hiện sở hữu 11 chiếc Tu-160 phiên bản cũ và năm chiếc Tu-160 phiên bản nâng cấp. Phiên bản nâng cấp sẽ được sản xuất hàng loạt vào đầu những năm 2020. Bộ Quốc phòng Nga dự tính mua ít nhất 50 chiếc Tu-160 mới để bổ sung cho lực lượng vũ trang.

Không chịu thua Nga, Mỹ cũng lên kế hoạch thử nghiệm tích hợp vũ khí laser năng lượng cao lên chiến đấu cơ F-15 để bắn hạ tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV). Thiết bị thử nghiệm này sẽ có công suất 50 kW, tờJapan Timesngày 19-3 dẫn lời Jeff Stanley, phó trợ lý bộ trưởng Không quân phụ trách về khoa học, công nghệ và công trình.

Một hệ thống vũ khí laser được thử nghiệm trên tàu đổ bộ USS Ponce ngày 15-11-2014. Ảnh: Hải quân Mỹ

“Chúng tôi đã lên kế hoạch thử nghiệm vào mùa hè này và thực hiện các chuyến bay thử vào hè năm sau. Vẫn còn một số thách thức về mặt kỹ thuật mà chúng tôi cần phải vượt qua, chủ yếu tập trung vào kích thước, trọng lượng, sức mạnh của vũ khí này” – ông Stanley cho biết.

Lầu Năm Góc năm ngoái đã ký hợp đồng trị giá 26 triệu USD với nhà thầu Lockheed Martin để triển khai chương trình laser gọi là SHiELD (viết tắt từ Self-protect High Energy Laser Demonstrator). Cuộc thử nghiệm này nằm trong khuôn khổ của chương trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm