Dân chủ thắng, tư pháp Mỹ khủng hoảng?

Nhà Trắng bắt đầu “có biến lớn” chỉ vài tiếng sau khi kết quả bầu cử giữa kỳ chính thức được công bố, đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện về tay đảng Dân chủ.

Ngày 7-11, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions phải ra đi ngay lập tức sau khi bị Tổng thống Donald Trump sa thải. Người thông báo tin sa thải cho ông Sessions không phải ông Trump mà là Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Trong bức thư gửi ông Trump, ông Sessions ghi mình đã đệ đơn từ chức “theo yêu cầu của ông”.

Ông Trump chọn người tạm thay thế ông Sessions là Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Mathew Whitaker và cho biết sẽ sớm đề cử người thay thế chính thức.

“Âm mưu rành rành”

Diễn biến này quá bất ngờ dù trước cuộc bầu cử đã có đồn đoán về chuyện ra đi của ông Sessions. Ông Sessions năm nay 71 tuổi, từng là thượng nghị sĩ trước khi nhận chức bộ trưởng tư pháp, là người ủng hộ ông Trump ngay từ khi ông Trump còn chạy đua tổng thống. Sau khi vào Nhà Trắng, so với các thành viên nội các khác, ông Sessions thực hiện rất nhiều chủ trương của ông Trump, đảo ngược hàng loạt chính sách của chính phủ Obama về nhập cư, cải cách hoạt động cảnh sát và nhân quyền.

Dù thế, quan hệ giữa ông Sessions với ông Trump vẫn không suôn sẻ nhiều tháng nay. Hồi tháng 8, ông Trump từng chê bai ông Sessions và ông Sessions đã phản pháo rằng trong thời gian làm bộ trưởng, ông sẽ không để Bộ Tư pháp bị chính trị ảnh hưởng. Theo truyền thông Mỹ, nguyên nhân lớn là vì cuộc điều tra khả năng Nga thông đồng với đội tranh cử của ông Trump can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Trong khi ông Trump cực lực chỉ trích cuộc điều tra này là “cuộc đi săn phù thủy” thì ông Sessions vẫn cho rằng cấp dưới Rosenstein của ông giám sát tốt cuộc điều tra với thái độ chuyên nghiệp, CNN dẫn một nguồn tin thân ông Sessions cho hay.

Đầu tháng 8, ông Trump từng viết trên Twitter là ông Sessions cần chấm dứt cuộc điều tra Nga. Ngay khi có tin ông Sessions bị sa thải, nhiều nhân vật Dân chủ hàng đầu lập tức lên tiếng lo ngại diễn biến này có liên quan cuộc điều tra Nga.

Trên Twitter, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng việc ông Sessions bị sa thải là một “âm mưu rành rành” nhằm hủy hoại cuộc điều tra Nga. Hạ nghị sĩ Dân chủ Jerry Nadler cáo buộc thẳng chuyện ông Sessions bị sa thải là một sự can thiệp của ông Trump với hoạt động của Bộ Tư pháp và với cuộc điều tra Nga. Theo ông Nadler, người dân Mỹ phải có câu trả lời ngay lập tức lý do ông Trump sa thải ông Sessions. Ông Nadler tuyên bố sẽ theo đuổi tìm kiếm giải trình chuyện này một khi trở thành chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào đầu năm 2019.

Ông Eric Holder, Bộ trưởng Tư pháp dưới thời chính phủ Obama, vạch lằn ranh đỏ đối với việc can thiệp cuộc điều tra: “Bất cứ ai cố tình can thiệp hay cản trở cuộc điều tra của ông Muller phải chịu trách nhiệm. Đây là lằn ranh đỏ. Chúng ta là đất nước có luật lệ và quy tắc, không phải tuân theo lợi ích của một người”.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói thời điểm ông Trump sa thải ông Sessions là “rất đáng nghi”. Theo ông Schumer, việc bảo vệ công tố viên đặc biệt Robert Mueller và cuộc điều tra Nga rất quan trọng. Ông cảnh báo sẽ có một cuộc khủng hoảng tư pháp xảy ra nếu việc ông Sessions bị sa thải là bước khởi đầu tiến tới chấm dứt hay cản trở cuộc điều tra Nga. “Liệu sẽ có một cuộc khủng hoảng tư pháp khi các đồng nghiệp Cộng hòa tham gia cùng chúng tôi ngăn cản tổng thống tạo ra khủng hoảng” - ông Schumer nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chủ đề về bầu cử giữa kỳ tại Nhà Trắng ngày 7-11. Ảnh: REUTERS

Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mathew Whitaker (trái) có thể là cơn ác mộng với công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người đang lãnh đạo cuộc điều tra Nga. Ảnh: AP

Ai sẽ giám sát điều tra Nga?

Chiều 7-11, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein được gọi đến Nhà Trắng. Ông Rosenstein là người giám sát cuộc điều tra khả năng đội tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016 mà công tố viên đặc biệt Mueller đang tiến hành. Theo nguồn tin của CNN thì tới đây, ông Rosenstein sẽ phải trao lại quyền giám sát cuộc điều tra Nga cho Quyền Bộ trưởng Tư pháp Whitaker.

Đáng chú ý là ông Whitaker từng công khai chỉ trích ông Mueller và cuộc điều tra. Năm ngoái ông này từng có bài trên CNN cảnh báo ông Mueller sẽ vượt lằn ranh đỏ khi muốn xem xét các hồ sơ tài chính liên quan đến ông Trump, kêu gọi ông Mueller hạn chế quy mô điều tra.

Vì thế ngay sau khi nghe được thông tin này, các nhân vật Dân chủ cấp cao như bà Pelosi, ông Schumer lập tức lên tiếng đề nghị ông Whitaker tránh xa khỏi cuộc điều tra như ông Sessions đã làm. Hạ nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, người được cho sắp tới sẽ trở thành chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cảnh báo ông Whitaker phải bảo vệ cuộc điều tra Nga và sự độc lập của Bộ Tư pháp khỏi sự can thiệp của ông Trump.

Đáng nói, đảng Cộng hòa cũng cùng quan điểm. Nói với CNN, một trợ lý đảng Cộng hòa cho biết quan điểm của các lãnh đạo Cộng hòa là ông Trump không được can thiệp sa thải ông Mueller. Trên Twitter, thượng nghị sĩ Mitt Romney cho rằng “bắt buộc” phải để công việc của ông Mueller được tiếp tục “mà không có cản trở”. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lamar Alexander nói “không một bộ trưởng Tư pháp nào được ngăn chặn cuộc điều tra”.

Sẽ có khủng hoảng?

Ngày 7-11, tại Nhà Trắng, tại cuộc họp báo về chủ đề bầu cử giữa kỳ, ông Trump nói ông đã có “một chiến thắng gần như toàn diện” trong cuộc bầu cử này. Theo CNBC, từ lời lẽ này và qua việc ông Trump sa thải ông Sessions có thể thấy ông Trump biết rõ mình đang gặp khó khăn lớn.

Với quyền kiểm soát của đảng Dân chủ, các ủy ban tại Hạ viện tới đây có thể tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến ông Trump. Ngay trong ngày 7-11, nhiều nghị sĩ Dân chủ đã cảnh báo sẽ mở điều tra về chuyện hồ sơ thuế của ông Trump mà ông từ chối công khai từ khi còn là ứng viên tổng thống. Ngoài ra còn có khả năng có xung đột lợi ích chức vụ, mối liên quan giữa đội tranh cử của ông với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Tới đây, ông Trump sẽ khó khăn hơn nhiều trong theo đuổi các chủ trương đối nội. Đảng Dân chủ cũng sẽ dùng thế đa số của mình đảo ngược một số chính sách đối ngoại của ông Trump và họ sẽ vận động thực hiện đường lối cứng rắn hơn với Nga, Saudi Arabia và Triều Tiên.

Dù sao thì ông Trump cũng hy vọng sẽ có không gian hợp tác giữa ông và đảng Dân chủ như lời ông nói trong cuộc họp báo ngày 7-11 rằng đây là “tình huống lưỡng đảng dễ chịu”. Đó có thể là phát triển hạ tầng, ngăn tăng giá thuốc, thúc đẩy tái lập cân bằng thương mại với Trung Quốc. Ông Trump ngày 7-11 có nói bà Pelosi đã nhất trí sẽ hợp tác với ông, đồng thời cũng nói ông ủng hộ bà Pelosi quay trở lại làm chủ tịch Hạ viện. Phần mình, bà Pelosi cũng nói chủ trương hợp tác với ông Trump nếu có thể.

Tuy nhiên, điều này không làm các nhà quan sát bớt lo ngại sự chia rẽ của Quốc hội cộng với chủ trương mở rộng quyền hành pháp của ông Trump có thể sẽ khiến thế bế tắc trong lập pháp và tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ càng thêm sâu sắc.

Ai sẽ thay thế ông Sessions?

Bên cạnh cuộc điều tra Nga, theo nhận định của Reuters thì việc ông Sessions bị sa thải có thể là diễn biến đầu tiên trong nỗ lực thay đổi nhân sự cấp cao Nhà Trắng của ông Trump nhằm tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Đây sẽ là cuộc bầu cử mà độ khó cho ông Trump tăng lên rất nhiều sau khi Hạ viện thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ.

Trước mắt, ngày 7-11, ông Trump nói vị trí bộ trưởng Tư pháp sẽ tạm thời do Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Whitaker nắm, người thay thế chính thức sẽ được ông đề cử sau. Việc phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện là thuận lợi lớn cho ông Trump thông qua đề cử.

CNN điểm một số cái tên có thể sẽ thay thế ông Sessions, đó là ông Whitaker, Tổng Biện lý Noel Francisco, hạ nghị sĩ Cộng hòa John Ratcliffe, cựu thẩm phán John Michael Luttig, thẩm phán Edith Jones, cựu thẩm phán Janice Rogers Brown, hạ nghị sĩ Cộng hòa Trey Gowdy, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm