Tranh chấp hợp đồng mua bán điện: Dân được “gõ cửa” Sở Công Thương

Ngày 13-12-2010, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 40/2010 (quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27-1-2011. Trong bài “Vã mồ hôi nếu “kiện” ngành điện!”, báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26-1 đặt vấn đề nếu yêu cầu người dân có tranh chấp với “ông điện” phải gửi đơn đến Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) thì sẽ gây ra nhiều hao tốn.

Ông Trần Minh Hóa, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: “Lo ngại nêu trên không có cơ sở”.

. Khi khách hàng sử dụng điện có phát sinh tranh chấp về cách tính số kW điện sử dụng hằng tháng bị sai lệch, điện sử dụng chập chờn, cắt điện không báo trước… thì họ phải gửi đơn đến cơ quan nào?

+ Khách hàng có thể gửi đơn yêu cầu đơn vị điện lực nơi mình ký hợp đồng mua bán điện xem xét, giải quyết tranh chấp. Trường hợp không đồng ý với việc giải quyết đó thì khách hàng có thể gửi đơn đến Sở Công Thương. Sở chúng tôi vẫn đảm nhận việc giải quyết các tranh chấphợp đồng mua bán điện giữa đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện như lâu nay.

Tranh chấp hợp đồng mua bán điện: Dân được “gõ cửa” Sở Công Thương ảnh 1

Khách hàng đang giao dịch tại công ty điện lực Chợ Lớn, TP.HCM. Ảnh: HTD

Theo Điều 24 Quyết định 31 ngày 6-9-2006 của bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện, chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Sở Công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra xác minh hoàn thiện hồ sơ, tổ chức hòa giải và ra kết luận giải quyết tranh chấp.

Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết luận của Sở thì có quyền chuyển sang trọng tài thương mại để giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa án.

. Thông tư 40 cũng quy định Cục Điều tiết điện lực được quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện. Vậy đâu là sự khác nhau giữa nhiệm vụ của Sở và Cục?

+ Cục Điều tiết điện lực giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các đơn vị điện lực hoặc giữa các đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện lực. Chẳng hạn, Cục có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trở phát sinh giữa các đơn vị điện lực. Ngoài ra còn có các tranh chấp khác phát sinh trong hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, buôn bán điện, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực v.v…

. Xin cảm ơn ông.

Không có việc thông tư “đá” quyết định

Theo Phòng Pháp chế - Cục Điều tiết điện lực, phạm vi điều chỉnh của Quyết định 31/2006 và Thông tư 40/2010 hoàn toàn khác nhau.

Điều 1 Quyết định 31 nêu: “Quy định này quy định trình tự, thủ tục kiểm tra hoạt động điện lực…, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện và các hoạt động khác có liên quan. Những tranh chấp hợp đồng mua bán điện trong thị trường điện lực cạnh tranh không thuộc phạm vi áp dụng của quy định này”.

Điều 1 Thông tư 40 xác định: “Thông tư này quy định trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên thị trường điện lực”.

Như vậy, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa hai văn bản, càng không có việc Thông tư 40 phủ định Quyết định 31.

KIỀU PHÚ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm