Mắt rừng

May thay bên kia đường có cái quán nước nằm dưới một tàng cây lớn. Cả bọn bèn chạy qua đó. Và mỗi đứa “làm” một tô mì tôm cho ấm bụng rồi hỏi tình hình đường lên lâm trường. Dì bán quán tóc đã muối tiêu, nhìn tám đứa chúng tôi một lượt rồi hỏi: “Mấy đứa lên đó mần chi mà đông rứa?”. Tôi đáp: “Dạ, tụi con là tài xế mới ra trường lên nhận công tác ạ!”. Giọng dì chùng xuống: “Từ đây lên đó, hôm ni Chủ nhật chẳng có xe cộ chi mô”. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Ba mươi cây số đường rừng, lại đang mưa gió mà cuốc bộ thì... chắc chết!

Bỗng dì nói lớn: “Tau nhớ ra rồi, sáng ni xe thằng Chuyên trên đó xuống chở cây giống, chắc chiều nó quay lại...”. Cả bọn nghe vậy “ồ” lên một tiếng. Tôi cẩn thận hỏi lại: “Nhưng liệu họ có cho tụi con quá giang không ạ?”. Giọng dì tự tin: “An tâm đi, thằng mô trước khi lên đó cũng dừng xe xuống quán dì uống nước hết. Để dì nói cho”.

Quả như lời dì ấy nói. Chiếc xe chở cây giống vừa đến ngã ba Lâm Bình liền dừng lại. Rồi người lái xe rảo bước vào quán nước. Biết chúng tôi là lái xe mới ra trường, giọng anh hồ hởi: “Ôi, tụi anh đợi các chú lâu lắm rồi! Mấy năm nay lâm trường liên tục gởi công văn xin tài xế, sau đó đợi mòn con mắt”.

Bỗng dưng chúng tôi trở thành khách quý của anh tài xế!

Lúc đó giữa mùa mưa. Xe càng đi sâu vào rừng đường càng lầy lội. Chiếc xe ba cầu bò trườn dốc thấp dốc cao, gầm rú như đánh vật với con đường đất đỏ ba-dan dẻo quánh. Trán người lái xe cũng lấm tấm mồ hôi bởi chiếc xe liên tục bị lọt giữa hai lằn bánh sâu hoắm của những chiếc xe đi trước để lại.

Ngồi trên xe thấy cảnh ấy mà tôi thầm ngao ngán cho thân phận mình. Những tưởng học nghề lái xe sẽ mặc sức tung hoành đây đó, nào ngờ lại tới cung đường lầy lội mưa rừng, gió núi như thế này.

Tin chúng tôi đến lâm trường nhận công tác lan nhanh khu tập thể. Vui nhất là các anh lái xe lâm trường. Như hiểu được tâm trạng người mới đến, các anh đã chớp nhoáng làm một bữa tiệc mừng sơ ngộ. Chỉ vài món thịt rừng, vài chai rượu gạo mà những tài xế trẻ đời non nghề đã ngây ngất...

Cánh tài xế cũ của lâm trường ai cũng đầy ắp tâm tư như mái tóc pha sương của họ. Anh Chuyên lái xe lúc nãy tâm tình: “Mười năm trước anh cũng như các em bây giờ ấy. Mới đầu chưa quen, ở rừng buồn chán lắm...”. Nghỉ một lúc rồi giọng anh sâu lắng hơn: “Cứ mười năm ở đây, nếu cống hiến tốt thì người ta mới cho mình chuyển công tác, các em ạ! Cố lên, khổ chừng nào cũng ráng chịu nghe! Nếu không người ta sẽ ghi vào hồ sơ của mình là thành phần kém năng nổ, khi đó khó có nơi nhận mình đó”. Đêm càng sâu tiếng mưa rơi tí tách qua kẽ lá càng rõ mồn một. Tiếng con mang tìm bạn, tác đâu đó trong rừng nghe buồn đến não ruột.

Mỗi tài xế mới được trên giao cho một đàn anh kèm cặp nghề. Ba đứa được phân về đội khai thác gỗ lái xe reo. Ba đứa về đội trồng rừng lái xe tải. Hai đứa lái máy ủi về đội mở đường. Thầy thì nóng lòng về xuôi nên ra sức truyền hết kinh nghiệm nghề nghiệp cho trò.

Thế rồi cái ngày không mong đợi của cánh tài xế trẻ đã đến. Đó là ngày lớp đàn anh lần lượt về xuôi. Một mùa khô đi qua. Mùa mưa bão lại đến. Sau mấy tuần mưa tầm tã, giám đốc đi thị sát rừng về họp cả ba tổ lái xe lại, oang oang: “Gần hết năm rồi mà chúng ta còn thiếu quá nhiều sản lượng gỗ trên giao. Các anh về bảo dưỡng xe máy ngay để ngày mai vào rừng chở gỗ”. Thằng Sim lái xe reo vốn thẳng tính có ý kiến ngay: “Thưa, mưa gió đã làm đường vào khu vực khai thác gỗ nhão nhoẹt hết rồi. Xin anh cho lùi vài hôm, đợi trời nắng ráo rồi hãy đi ạ!”. Tức thì giám đốc gầm lên: “Ông nói thế là coi thường tôi quá! Ngày mai các ông hãy đưa xe vào rừng chở gỗ cho tôi. Nếu sợ, tôi cho máy ủi hộ tống”.

Biết giám đốc tính nóng như lửa nên không ai dám ý kiến gì nữa.

Trưa hôm sau hai chiếc xe reo đã được chiếc máy ủi hộ tống đến bãi khai thác gỗ. Thú thật, tôi ở đội trồng cây nên giờ mới biết cảnh tượng rừng khai thác gỗ là như thế nào. Cây to bị đốn hạ nằm ngổn ngang, đè rạp cây nhỏ tan hoang như đám rạ sau mùa gặt. Rừng bị san ủi làn dọc làn ngang để làm đường vận chuyển gỗ, mặt đất phô ra bị nước mưa bào mòn nhão nhoẹt, làm con suối dưới chân đồi nước đỏ quạch.

Sau vài giờ nhóm thợ rừng đã tời lên xe đầy những súc gỗ ngoại cỡ. Xe thằng Sim ỳ ạch chuyển bánh trước, leo hết con dốc này đến con dốc khác hướng về bãi gỗ lâm trường. Đến con dốc đổ xuống cao nhất, hắn cho xe dừng lại rồi móc thuốc lá rít liên tục. Giám đốc tới, Sim lấy hết bình tĩnh nói: “Cây cổ thụ nằm trên dốc dùng để móc cáp ghìm xe xuống dốc bị mưa xói trơ gốc như thế này thì nguy hiểm quá anh ơi! Xin anh cho xe tạm dừng ở đây để mai tính ạ!”. Sim lại một lần nữa bị ông giám đốc mắng như tát nước: “Tài xế gì mà nhát như cáy vậy? Nếu sợ, tao cho máy ủi ghìm xe lại cho”.

Thằng Hùng lái chiếc máy ủi C130 luôn là người “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên”. Hắn nhanh nhẩu buộc một đầu cáp vào đuôi xe thằng Sim và một đầu vào máy mình. Trước tình huống đó, Sim miễn cưỡng buộc cáp tời xe mình vào gốc cây cổ thụ duy nhất còn lại ấy để ghìm xe xuống dốc.

Xưa nay cây là bạn, thế mà sau những ngày mưa gió, cây đã thành kẻ phản bội rồi! Xe Sim vừa xuống dốc thì cây cổ thụ rùng mình nghiêng dần về hướng lực kéo. Khi chiếc xe bò xuống được nửa dốc thì... “ục” một tiếng phát ra từ bộ rễ nằm sâu dưới lòng đất. Chiếc xe đột ngột mất lực ghìm còn bị cái cây hích sau đuôi khiến nó trôi loằng ngoằng trên nền đất nhão. Lúc này sợi cáp ghìm từ chiếc máy ủi đứng trên dốc với xe Sim căng như dây dàn. Rồi mặt đất dưới bánh xích máy ủi bỗng rung chuyển. Và... “ầm” một tiếng. Cả mảng đồi to lớn trên dốc đổ ập xuống, đẩy chiếc xe chở gỗ cùng chiếc máy ủi lao ào xuống vực sâu.

Cả lâm trường hãi hùng chứng kiến cảnh hai tài xế trẻ lâm nạn. Ông giám đốc lại quân lệnh: “Mai táng gấp”!

Sau tai nạn, cấp trên có cho điều tra sự việc nhưng chủ yếu xăm xoi đánh giá thiệt hại chiếc xe reo và chiếc máy ủi. Điều làm họ mất thời gian là trầm trồ cây đại thụ bị bật gốc nằm dưới vực. Cây phô ra bộ rễ kết tinh thành một khối nu lớn đến nỗi những thợ rừng nói chưa từng thấy bao giờ.

Sau đó, trước toàn thể công nhân giám đốc lại cao giọng: “Đây là tấm gương an toàn lao động mà các anh chị hãy nhớ cho. Nếu không quý tính mạng mình thì cũng có trách nhiệm với sự nghiệp tập thể chớ. Trên đang xem xét tặng thưởng huân chương cho đơn vị chúng ta, vậy là đã thành con số không rồi”.

Trước tinh thần làm việc của ông giám đốc, những vạt rừng nguyên sinh bị khai thác cứ tiến sâu vào vùng đại ngàn. Rừng nhanh chóng biến mất như ngọn lá dâu trước miệng tằm ăn rỗi. Cùng với việc rừng bị khai thác gỗ đến đâu thì hệ sinh thái động, thực vật của rừng được hình thành hàng ngàn năm qua cũng mất đến đó. Đội trồng rừng phải trồng keo, tràm... để nhanh chóng phủ xanh rừng trọc. Công nhân phải đi làm ngày càng xa. Chiếc xe tải chuyên dùng chở cây giống của tôi phải kiêm thêm việc đưa đón công nhân hằng ngày. Cán bộ chuyên trách cũng được trang bị xe gắn máy để tiện đi lại mỗi khi có công việc vào rừng.

Chiều ấy, trên đường chở công nhân về tôi bỗng nghe tiếng súng nổ đâu đó vọng lại. Chưa hết ngẩn ngơ thì có một chiếc xe gắn máy Minsk lao xuống dốc, hướng ngược lại như bị ma đuổi. Khi đến trước đầu xe tôi, chiếc xe máy bất thần ngoặt trái một phát và lao xuống vực sâu.

Tôi đạp mạnh phanh nhưng chợt nhận ra trên xe chở đầy công nhân, dừng đột ngột giữa dốc thì rất nguy hiểm nên đành cho xe lên hết dốc. Tôi và một số công nhân chạy bộ ngược lại nơi chiếc xe máy vừa rơi xuống vực.

Ôi, nạn nhân là ông giám đốc!

Tối ấy cả lâm trường râm ran sự việc của ông giám đốc. Có thể trùng hợp về thời điểm chăng? Từ ngày giỗ đầu hai bạn tôi thì ông giám đốc có nhiều biểu hiện lạ lắm. Ông hay ra mộ người xấu số thắp nhang rồi về phòng ngồi trầm tư uống rượu. Đang đêm, ông ôm súng ra rừng nằm một mình. Đêm khác, ông nổ hàng loạt súng làm cả lâm trường bừng tỉnh giấc ngủ. Lần đầu ông khẳng định có con mang tác cả đêm bên bờ suối. Lần sau ông cam đoan có bầy trăn khổng lồ lao vào quấn cổ ông. Lần này không biết vì chuyện gì mà ông lại nổ luôn mấy phát súng rồi nhảy lên xe máy phóng như bị ma đuổi.

Mấy ngày sau có tin báo ông giám đốc bị dập tủy cột sống cổ rất nặng.

Tôi không trực tiếp gây tai nạn nhưng cũng gầy rạc người vì lui tới cơ quan điều tra và tới bệnh viện để chăm sóc giám đốc. Theo bác sĩ, bệnh nhân được chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh quá trễ nên không còn cơ hội phục hồi. Đã hơn một năm rồi, dù được kê toa những loại thuốc tốt nhất, đắt đỏ nhất nhưng ông vẫn nằm bất động. Ông bị mất vĩnh viễn cảm giác từ vai xuống chân. Ông có thể nói chậm từng từ. Đầu óc lúc sáng suốt, lúc hoảng loạn...

Anh Việt, đội trưởng trồng cây là đồng hương thân thiết với tôi được thay quyền giám đốc. Anh là cán bộ chuyên trồng rừng nên quý cây rừng lắm. Có lần tôi vui miệng hỏi anh: “Dạo này em thấy lượng gỗ khai thác khá thấp, anh không sợ thiếu chỉ tiêu à?”. Anh cười: “Chỉ tiêu cái con khỉ! Trong hộc bàn giám đốc tớ thấy cả xấp thư riêng của các sếp trên. Đúng là miệng quan có gang có thép, xin gỗ làm nhà riêng mà nói như ra lệnh ấy. Tớ còn thấy nhiều giấy phép khai thác bị nhàu nát, chứng tỏ giám đốc đã sử dụng rất nhiều lần để vận chuyển gỗ của lâm trường ”.

Cuối năm ấy tôi chở anh Việt về xuôi thăm ông giám đốc. Biệt phủ của ông không tấp nập như xưa nữa. Ông nằm trên bộ ngựa gỗ nu màu hổ phách lóng lánh như ngọc bích. Biết đó là gốc cây đã làm hai thằng bạn tôi lâm nạn, không kềm được cơn giận tôi nói lớn: “Nằm trên bộ ngựa đẹp như vầy sướng không anh nhỉ?”. Ông không nói gì. Tôi định bồi thêm cho hả dạ nhưng anh Việt đã trừng mắt...

Trên đường về, gần một đời gắn bó với rừng, anh Việt nói với tôi: “Tớ không ngờ ông ấy là người từng trải lại thích nằm trên bộ ngựa gỗ nu được tạo ra từ nhựa cây lim rừng. Theo tớ biết, nhựa lim độc lắm, đã gây ra ảo giác cho ông ấy đó”.

Tôi không tin điều đó. Bởi hôm ở bệnh viện, lúc tỉnh táo ông giám đốc thủng thẳng kể rằng mình bị hai con hổ vờn. Ông bắn mấy phát súng nhưng trượt nên lên xe chạy trốn. Trên đường chạy ông lại bị hai chiếc ô tô lao vào mình nên đã lách tránh!

Ra tết chúng tôi xuống thăm ông giám đốc lần nữa. Ông vẫn nằm trên bộ ngựa và thần sắc có vẻ khá hơn. Điều này làm tôi càng tin ông không phải bị nhựa lim rừng gây ảo giác. Anh Việt thuyết phục ông đừng nằm trên bộ ngựa đó nữa. Đợi anh nói xong, ông ra hiệu thằng con bê hũ rượu để trong tủ ra rồi nói từng tiếng một: “Nọc và mật, các thứ này kết hợp với rượu làm tôi ra nông nỗi này, các chú ơi!”. Hũ rượu còn lưng một nửa. Ngâm đủ loại rắn rết, bò cạp vằn vện xanh đỏ bắt ở rừng. Nhìn giống hũ rượu ông để ở phòng khách trên lâm trường, tôi thốt lên: “Ôi, anh còn ghiền “xơi” của rừng những thứ này nữa à!”.

Không biết vì ân hận hay vì tức câu nói của tôi mà miệng ông giám đốc cứ rung lên không dứt...

* * *

Đó là chuyện xảy ra ở Lâm Bình ba mươi năm về trước. Điều làm tôi nhớ tới câu chuyện này vì vừa theo chân đoàn cứu trợ ra Lâm Bình cứu trợ bà con bị lụt bão cuốn mất nhà cửa. Tôi không ngờ được gặp lại người con trai duy nhất của ông giám đốc trong hoàn cảnh quá bĩ cực. Khuôn mặt lam lũ thất thần, hai tay anh run run nhận túi hàng cứu trợ của chúng tôi với ánh mắt đầy biết ơn...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

Trekking đi tìm món quà vô giá từ rừng

(PLO)- Trải nghiệm những chuyến xuyên rừng ngoạn mục, chinh phục những con dốc “ná thở” và tận hưởng hết hương vị của rừng, cảm giác đó chỉ có trekking mới mang lại được.
Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

Khi dân Sài Gòn khoái ăn… sang

(PLO)- Một khi dân Sài Gòn đã khoái ăn sang thì phải “săn” cho ra những món không chỉ ngon mà còn lạ và chắc chắn không hề rẻ tiền.
Những chuyến tour đàn bà

Những chuyến tour đàn bà

(PLO)- Đã là năm thứ 5 tôi làm phototour, thường được bạn bè gọi vui là “những chuyến xe đàn bà”, được nhiều người biết đến.
Nhớ cầu sắt Đa Kao

Nhớ cầu sắt Đa Kao

(PLO)- Thoáng chốc Dũ nhớ má nay đã gần tuổi chín mươi với mái tóc bạc phơ, trắng như những cụm gòn má nhồi gối mới cho Dũ vào những ngày giáp tết thời tuổi nhỏ.
Ký sự một năm du lịch trong biên giới

Ký sự một năm du lịch trong biên giới

(PLO)- Việc đầu tư vào du lịch nội địa, tập trung vào dịch vụ nghỉ dưỡng và thưởng thức văn hóa địa phương đã và sẽ là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh toàn cầu chưa kết thúc.