Con đường xuân tình ca đất Việt

Nếu tính từ bài hát Việt Nam ra mắt công chúng đầu tiên vào năm 1938 thì tới nay tân nhạc Việt Nam đã tròn 80 tuổi. Và bài hát đầu tiên được in đĩa nhựa, báo chí, đài phát thanh giới thiệu rầm rộ là bài Một kiếp hoa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên. Ông mất năm 2009, tròn 100 tuổi, trong ngôi nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Mùa xuân đầu của tân nhạc

Bài Một kiếp hoa (sau này được sửa thành Kiếp hoa), được báo Ngày Nay in giới thiệu vào tháng 7-1938, nói về bông hoa chớm nở cuối đông, sau đó bị tan tác theo gió. Bài hát viết “Ôi cảnh tượng biết bao thương hại, thấy bông hoa như giấc sơ mơ màng…”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên cũng là người hát trình diễn bài hát của mình trong chuyến đi giới thiệu dòng âm nhạc cải cách (musique renovée) ra tận Hải Phòng và Hà Nội. Tiếc là công chúng ít quan tâm, nhưng một phần nữa là do giọng thuyết trình và hát của ông Tuyên nặng âm Huế nên nhiều người không hiểu.

Âm nhạc cải cách là cách viết nhạc theo phương Tây mà giới trí thức Việt Nam áp dụng rất sớm cho đời sống sinh hoạt hay văn nghệ. Mặc dù cách ghi nhạc bằng số của Trung Hoa cũng du nhập vào Việt Nam, nhưng do sách vở và sự phổ biến thuận lợi hơn mà cách ghi nhạc bằng nốt đã sớm lan tỏa, thậm chí viết bằng tên nốt mà không cần dòng kẻ.

Nhưng nếu tính vào thời điểm sáng tác các tác phẩm tân nhạc đầu tiên thì tuổi của tân nhạc Việt Nam đã hơn 80. Bài Cùng nhau đi Hồng binh của tác giả Đinh Nhu, viết trong tù, kêu gọi cùng kháng chiến chống nhà cầm quyền Pháp đã có mặt từ năm 1930. Đó là một bài hát sinh hoạt, nhịp dồn và hát theo nhịp vỗ tay. Khi viết bài hát này, nhạc sĩ Đinh Nhu đã dùng lối viết tên nốt kèm lời, chứ không có dòng kẻ và khuôn nhịp.

Thập niên 30 của thế kỷ trước là thời gian tân nhạc xuất hiện dồn dập những ca khúc hay và hoàn chỉnh về học thuật sáng tác. Chẳng hạn như Tiếng sáo chăn trâu của nhạc sĩ Văn Chung (1935), Xuân năm xưa của nhạc sĩ Lê Thương (1936), Nghệ sĩ hành khúc của nhạc sĩ Lê Yên (1937)… Nhưng những sáng tác đó không có cơ hội được quảng bá sớm đến với công chúng như trường hợp Kiếp hoa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên. Một trong những lý do là chương trình giới thiệu tân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, do Thống đốc Nam kỳ Pierre André Michel Pagès (cầm quyền từ năm 1934 đến 1939) tài trợ, cũng như giới thiệu cho in đĩa nhựa. Mặc dù giá trị nghệ thuật từ ba tác phẩm của ông Nguyễn Văn Tuyên không cao, nhưng hoạt động của ông có một giá trị truyền thông quan trọng, thúc đẩy một trào lưu tân nhạc của thập niên 1930 bùng lên. Dĩ nhiên phải nói đến sự ủng hộ nhiệt liệt của các tờ báo tiếng Việt lúc đó như Ngày Nay, Nhạc Việt… mặc dù mục âm nhạc như vậy rất ít độc giả.

Xuân tình ca

80 năm tân nhạc Việt Nam có vô vàn những tâm tình của người Việt được chép lại. Khởi đầu, những bài hát ca ngợi phong cảnh, đời sống đã ngày càng sâu sắc hơn khi mô tả nội tâm con người, hiện thực đời sống, tình yêu đôi lứa và giai tầng xã hội… Nhưng không thể thiếu là những bài hát về mùa xuân.

Tâm hồn người Việt với truyền thống của một dân tộc lớn lên cùng lúa nước, mùa màng… nên mùa xuân là thời khắc hết sức quan trọng. Nó báo hiệu lúc xem lại chuyện làm ăn của năm qua, tạm quên khó nhọc và vui một mùa mới của đời.

Mùa xuân của xứ Việt thường gắn với chuyện cưới hỏi. Bởi làm lụng cả năm, dành dụm tiền bạc rồi mới dám cưới vợ gả chồng. Rồi tháng Giêng được nghỉ dài ngày nên kể như là mùa honey moon tại gia. Nên nhạc xuân mà có hình ảnh đám cưới bao giờ cũng rộn rịp. Đám cưới trên đường quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một bài tiêu biểu như vậy:

“Ơi, bà con đến xem mùa cưới!  Chân hài cong, tay dù hồng. Lâu thật lâu mới thấy được một ngày vui”.

Chuyện cưới hỏi và rước dâu ở miền quê không phải là chuyện vui của hai gia đình, mà như là chuyện vui của cả xóm làng. Nhất là ở miền Nam, đám cưới không đãi theo giờ mà suốt ngày. Rạp dựng lên rồi thì khách đến từ sáng đến chiều, ăn nhậu thả ga. Tới thời nay thì còn hát thả ga.

Thơ mộng hơn thì có Đám cưới đầu xuân của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát là một bức tranh quê đẹp đến mức khó tin. Lẫn trong hình ảnh mùa xuân nao nao lời hát tán tỉnh điệu nghệ “Anh nói em nghe thương em từ lúc hoa chưa mặn mà. Cầu cho mùa xuân nồng nàn trên má em thôi đợi chờ…”.

Dù là một bản nhạc xuân rất đặc biệt của tân nhạc nhưng Ly rượu mừng chỉ mới được cấp phép trở lại trong ba mùa xuân gần đây. Ca sĩ Quang Dũng là giọng ca được chọn để thể hiện Ly rượu mừng đầu tiên trong ngày trở lại.

Xuân nhớ trăm điều

Có lần ngồi trước rất nhiều nhạc sĩ, tôi đặt câu hỏi rằng “Nếu bây giờ viết một bài nhạc xuân thì các anh chị sẽ viết theo khuynh hướng vui hay buồn?”. Hầu hết những người có mặt ngẫm nghĩ rồi cũng nói rằng nhạc xuân vui chỉ là thoáng qua, cái buồn mới nói hết được ý mùa xuân. Họ sẽ viết một bài nhạc xuân không chỉ là chuyện vui.

Quả vậy, có rất nhiều bài hát xuân của người Việt mang những nỗi buồn man mác. Nghe xuân mà bâng khuâng. Nhưng có lẽ vì vậy mà con người Việt Nam luôn ẩn trong nụ cười của mình là những niềm tâm sự không sao nói hết.

Ngay trong bài Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trọn vẹn bài hát là những lời chúc đẹp nhất cho đời, nhưng không hiểu sao trong tiếng nhạc dìu dặt ấy vẫn vang vọng một điều gì đó man mác. Trong mọi ước mơ có cả thương mơ cho mẹ già rơi nước mắt đoàn tụ với con, có cả đau mơ cho một ngày máu xương thôi tuôn rơi trên quê hương… Bài hát như nói về đời người, khó có thể tìm được mọi thứ trọn vẹn, ngoài hy vọng.

Trong cái an nhiên no ấm, người Việt thường được cha ông dạy không quên kẻ khó. Nhất là trên một đất nước đã qua muôn vàn khốn khó, cái tâm ấy vận vào văn chương, thi ca và cả âm nhạc. Nên xuân vui nhưng vẫn khó quên được chuyện đời. Trong Gió mùa xuân tới của nhạc sĩ Hoàng Trọng (1952), từ rất lâu đã viết:

“Cho những kiếp người sống cô đơn

Ước mong mùa xuân rc reo nơi trn thế”

* * *

Năm mới rồi đã đến. Mọi thứ dường như mới hơn, cuộc đời khác hơn, nhưng con người vẫn cần ký ức, cần một nỗi niềm giữ lại cho mai sau. Nên trong 80 năm xuân tình ca đất Việt vẫn có những lời hát nhắc rằng con người có thể có tất cả nhưng đừng đánh mất tình thân, tình nhân loại qua những cuộc bể dâu. Mà chắc nếu trả lời vì sao nhạc xuân vẫn luôn buồn man mác, không gì hơn ngồi lại xuân này, nghe đôi ba câu hát Câu chuyện đầu năm của nhạc sĩ Hoài An, một trong những ông vua nhạc xuân mà bài hát nào cũng không vẹn niềm vui.

Trăm năm sau không chắc xuân có vui hơn không, nhưng nhìn lại 80 năm xuân tình ca trong nhạc Việt, niềm vui chưa bao giờ thôi kề vai với nỗi buồn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm