Nhường đường người trẻ bước đi

Lúc người ta trẻ, mọi thứ cứ quay cuồng với học hành (theo cơn lốc của trường lớp), yêu đương (trong sự vội vàng của thời nông nổi), bù khú (giữa những lộn xộn, không phân biệt được dở hay tốt xấu)… Để đến một ngày nào đó, ở lưng chừng tuổi 30, chợt khựng lại và hoang mang: “Ta đã làm chi đời ta?”.

*

Lúc biết đặt câu hỏi đó thì 99% là mọi sự đã lỡ làng! Cảm giác xấu hổ khi nhận ra sự lạc lối đó đeo đẳng nhiều năm. Nó khiến tôi hình thành một sở thích cá nhân là tìm hiểu, quan sát những người trẻ mà tôi tình cờ gặp.

Nhìn họ, tôi băn khoăn cô cậu ấy đang đúng hay sai trên lộ trình của đời họ? Mười, hai mươi năm sau nữa, liệu họ có hối tiếc như tôi hôm nay? Đó là một cảm giác rất thú vị, nó khiến bạn thấy rất hào hứng!

Tôi có cơ hội phỏng vấn tuyển dụng rất nhiều bạn trẻ mới ra trường. Nhiều hồ sơ làm tôi rất ngạc nhiên trước tốc độ “nhảy việc” của ứng viên. Khi viết bài này, tôi vừa phỏng vấn xong một anh chàng đã làm qua bảy chỗ trong khoảng một năm rưỡi kể từ ngày tốt nghiệp đại học. Trung bình hai tháng một chỗ làm. Chắc là vừa xong thử việc thì nghỉ luôn!

Thông thường, chẳng có nhà tuyển dụng nào liên hệ với một ứng viên có “kỹ năng nhảy” lẫy lừng như vậy. Nhưng tôi tò mò, chẳng lẽ trong bảy công ty thuộc đủ mọi lĩnh vực và quy mô ấy, không chỗ nào có thể phù hợp với một anh chàng hình thức cũng trên trung bình, tốt nghiệp từ trường chính quy, kỹ năng bổ trợ đầy đủ? Tôi quyết định mời cậu ấy đến, tự nhủ có khi cậu ấy quá đặc biệt và đây chính là cơ duyên giúp công ty tôi có một nhân tài.

Sau hai lần xin hoãn gặp vì… bận, rồi người ấy cũng xuất hiện. Ấn tượng đầu tiên là một sự hồn nhiên đến mức ngơ ngác. Chả biết cụ thể công việc đang ứng tuyển là gì; quy mô và lĩnh vực hoạt động của công ty ra sao; hôm nay đến là gặp ai... dù trước khi mời, nhân viên phụ trách đã cung cấp đủ thông tin. Hỏi gì cũng nở nụ cười bối rối trước khi trả lời. Chán quá, tôi đành nói lời cám ơn và kết thúc cuộc gặp khi chưa đầy 10 phút!

Có vẻ như đặc thù xã hội của Việt Nam nhiều năm gần đây khuyến khích sinh đẻ ít con cho nên trẻ con lớn lên được chăm bẵm rất tốt. Tốt đến mức nhiều “đứa trẻ” gần 30 tuổi không biết nấu cơm, không biết giặt quần áo..., nói gì đến tự lập thân, tạo dựng sự nghiệp riêng. Tuổi trẻ bây giờ dường như có rất nhiều bạn không cần biết đến cuộc sống ngoài kia như thế nào. Đi học trường tốt là nhờ cha mẹ “chạy”. Ra trường đi làm cha mẹ cũng bỏ tiền “chạy” sẵn cho chỗ ngon. Rồi kết hôn có khi cũng do cha mẹ chọn sẵn cho chỗ xứng đáng. Đẻ con cũng vứt về cho cha mẹ ẵm bồng, chăm sóc. Hầu như cuộc đời được gói sẵn trong hai lớp bông đóng nhãn “cha” và “mẹ”.

* *

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, song song với các “búp bê quấn bông” kia vẫn còn một lớp trẻ có tư duy vô cùng mở, có mục tiêu cuộc đời vô cùng lớn lao, có rất nhiều tham vọng. Ngược với chàng-trai-mười-phút tôi kể ở trên, tôi đã từng gặp không ít bạn trẻ mà nhìn cách họ sống, họ thực hiện lý tưởng, ước mơ, thâm tâm tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ.

Mới đây, tôi đi mấy trăm cây số về một vùng khỉ ho cò gáy tuốt miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp với một nhóm bạn và một gã trai người Singapore mê trò khám phá, trải nghiệm. Đó là một nông trại rộng 40 mẫu, trồng gạo sạch và bạt ngàn sen, mênh mông nước. Chủ nông trại là bốn thanh niên độ tuổi 26, 27, tốt nghiệp đại học bỏ tất cả về đây nuôi chí lớn. Hiện chưa khai thác hết đất, trồng chỉ hai vụ lúa một năm, thu hoạch khoảng 100 tấn và không đủ bán. Chúng tôi ở homestay, ăn cơm thấy ngon, hỏi mua 5 kg gạo mang về thì các em “sorry” không bán, vì phải để dành làm mẫu cho khách hàng lớn. Nghe hấp dẫn lắm nhỉ? Nhưng mặt trái mới là khủng khiếp!

Chỉ ngủ lại một đêm, tôi cứ tự hỏi điều gì đã đưa họ đến đây, nhất là mấy em gái. Khi lán trại nhem nhuốc không cửa nẻo, gió lùa thông thốc. Trên mái thì mạng nhện, dưới đất thì chuột chạy như trẩy hội. Cái đêm tôi ngủ, mưa lớn cả đêm như muốn bứng bay cả mái lá. Sáng ra nền đất nhão nhoẹt. Nhà tắm, vệ sinh cách trại một quãng, nửa đêm phải gom đông người mới dám đi toilet. Tắm nước sông lóng phèn rồi mà vẫn đục ngầu. Đêm nằm nào rận, nào rệp, nào kiến ba khoang tha hồ “xẻ thịt”. Không có phương tiện giải trí gì ngoài mấy quyển sách cũ và bộ phát wifi. Tủ cá nhân cũng không. Nói chung là không có một thứ tiện nghi gì của thế giới văn minh. Ngủ một đêm mà cái cổ ngứa ngáy, sáng ra nổi đầy vết mẩn đỏ.

Nhìn con bé tiếp nhóm tôi mà xót! Quần áo bùn đất, tay chân đóng phèn..., chỉ mỗi đôi mắt sau cặp kính cận là rất thông minh, hiểu biết. Mọi người tò mò hỏi chuyện sao tụi em lại chịu nổi như vầy, cô tỉnh bơ: “Em ghét việc văn phòng lắm. Em thích làm nông, trồng hoa, tự do làm lụng. Khỏe làm, mệt nghỉ. Và ý tưởng trồng gạo sạch của bạn leader làm em thích. Nên khi đọc Facebook thấy bạn thông báo cần người làm chung là em bỏ việc về gia nhập nhóm, dù trước đó chưa quen biết gì nhau cả. Gia đình không chịu em cũng kệ. Em thích!”.

Chưa hết hoang mang với cô gái này thì đọc báo thấy chuyện em thủ khoa sư phạm khóc vì thất nghiệp phải ở nhà nuôi lợn!

Rốt cuộc tôi nghĩ công việc gì không quan trọng. Quan trọng là chính người làm việc đó nhìn nhận công việc của mình như thế nào thôi. Một nông dân “truyền thống” sẽ làm nông kiểu khác. Những cử nhân làm nông kiểu khác. Như bốn em ở nông trại kia, thuê đất hình như là 5 tỷ trong 5 năm. Trồng hết đất, trúng mùa sẽ được khoảng 400 tấn/năm. Giá gạo sạch bán sỉ hơn 20.000 đồng/kg. Tôi nhẩm tính nếu suôn sẻ, chỉ vài năm là họ thành tỷ phú!

Tôi kể lại câu chuyện này, nhiều bạn bè e dè cho hay ở Việt Nam rất khó nuôi trồng sản phẩm organic. Vì chỉ sau một thời gian ngắn, sâu bệnh sẽ xâm chiếm đất đai, không nuôi trồng được nữa. Tôi thầm lo ngại cho các bạn trẻ ấy. Nhưng mà họ còn trẻ, họ dám sống với ước mơ của mình, đổ vỡ thì làm lại, sợ gì. Họ đã chịu được thử thách như vậy thì còn sợ gì chứ! Còn chuyện cô bé thủ khoa kia, nếu thời thế không cho em có cơ hội trở thành một cô giáo nghèo thì em hãy tập trung nỗ lực trở thành một chủ trại heo giàu có. Phải vậy thôi chứ còn cách nào khác!

* * *

Tôi vẫn tin vào những bạn trẻ của chúng ta. Họ chính là tương lai của đất nước này. Có đứa khóc lóc đón sao K-Pop thì cũng có đứa vô địch các đấu trường kiến thức, thể thao khi mới mười mấy tuổi. Có đứa 25 tuổi còn ngơ ngác vào đời thì cũng có đứa mới mười tám, đôi mươi đã tự tin sải bước. Nói chung, ngày xưa, thế hệ chúng tôi cũng vậy thôi. Cũng sai lầm, va vấp, đổ gãy, hoang mang, lạc lối. Vì vậy, bây giờ hãy cứ bao dung khi nhìn vào những sai lầm, va vấp, đổ gãy, hoang mang, lạc lối của thế hệ kế thừa. Và tin tôi đi, lớp trẻ bây giờ khôn hơn cha ông ngày xưa nhiều lắm. Thế giới này là của họ. Thế hệ đi trước một khi đã “về vườn” nhường đường cho họ thì hãy dồn hết sức ủng hộ họ đi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm