Con đường Hạnh Phúc qua Mã Pí Lèng

Mã Pí Lèng là con đèo mà hơn nửa thế kỷ trước hiểm trở tới nỗi “ngựa cái chưa leo đến đỉnh đèo đã trụy thai mà chết, ngựa đực chưa vượt qua đèo đã tắt thở”. Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Hỏa nghĩa là “sống mũi ngựa”. Và đèo Mã Pí Lèng là phần nối dài của con đường Hạnh Phúc khi nó được mở ra đến huyện lỵ Đồng Văn bây giờ.

Con đường của ý chí là hy sinh

Để có được đoạn đường với chín khúc quanh co dài 21 km ấy, người ta đã phải mất tới hai năm trời. Trước đó, thổ phỉ đã từng tung tin rằng bao giờ đá mọc trên đầu người, dê đực biết đẻ, mộ những người làm đường hóa thành cỏ dại thì Việt Minh mới mở được đường vào Đồng Văn, mới xuyên qua được “sống mũi ngựa”.

Và trong suốt 11 tháng trời, hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách núi để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn. Nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã gia nhập đội cảm tử, ban chỉ huy công trường gọi đó là đội cơ dũng. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí quyết tử. Mỗi sáng, các thành viên đội cơ dũng hô to “Quyết thắng!” rồi vác choòng, búa, thuốc nổ trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, đục vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi.

Sau hơn nửa thế kỷ, hôm nay ai cũng có thể đi qua Mã Pí Lèng bằng ô tô, bằng xe máy, đi bộ... Mã Pí Lèng như một nét vẽ ngoạn mục trên những vách núi xếp liền kề với nhau. Dưới chân núi, mùa hè, trời trong, có thể nhìn thấy - như một nét vẽ hoàn hảo tuyệt đẹp nữa - dòng Nho Quế mảnh như sợi chỉ, uốn lượn dưới những vách núi dựng đứng. Để nhìn thấy Nho Quế, đẹp nhất là đứng trên Mã Pí Lèng.

Nếu như không có Mã Pí Lèng với câu chuyện treo mình trên vách núi dựng đứng, đánh cược tuổi thanh xuân với ông trời thì hôm nay các bạn trẻ sẽ gần như không có cơ hội đứng ở vị trí đẹp nhất mà ngắm nhìn vực Tu Sản, một hẻm núi với hai bên vách dựng đứng, lòng sông hẹp và sâu, nước chảy rất xiết. Một vẻ đẹp hiếm thấy chỉ thiên nhiên mới có thể tạo dựng được.

Một vài thập niên, rồi cả vài thế kỷ sẽ từ từ trôi qua. Vật đổi sao dời, vạn vật biến thiên, chỉ có lòng người, ý chí con người, tâm hồn và trái tim người, lòng tha thiết cộng với sự bền bỉ phi thường... sẽ còn mãi hiện diện ở đó, nơi lưng chừng núi, bằng vào một con đường mang tên Mã Pí Lèng - sống mũi ngựa.

Một khúc quanh đường đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: MM

Ngang qua quê hương chuyện của Pao

Tôi có một ký ức nhỏ về Mã Pí Lèng. Cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng hàng xóm người Mông quê Mèo Vạc. Ở với nhau đã lâu nhưng không có con. Khi tỉnh huy động thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, người chồng ra đi. Trong chuyến đi dài đằng đẵng ấy, ông ta gặp một nữ thanh niên xung phong người miền xuôi. Và hai người họ đã phải lòng nhau. Khi đèo Mã Pí Lèng thông từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, ông chồng này dẫn người vợ hai về nhà.

Từ đấy, ông ở với hai bà. Bà cả buồng bên phải, bà hai buồng bên trái. Bà vợ hai đã sinh liền tù tì năm đứa con. Đứa nào bà cả cũng chăm bẵm nuôi nấng như con đẻ. Đứa con gái lớn của ông bà tên Thương, mang trong mình hai dòng máu Kinh và Mông, đấy là đứa bạn thân nhất của tôi trong những năm tháng bé thơ lang thang mò mẫm trong rừng, ngoài sông, ngoài suối. Sau này ông chồng chết vì bệnh xơ gan, bà hai cũng mất, còn mình bà cả ở lại với năm đứa con, tất thảy đều không phải con đẻ của bà.

Câu chuyện về người đàn bà Mông tên May ấy đã theo tôi đi suốt những năm tháng sau này, thậm chí cuộc đời bà đã đi vào bộ phim mang tên Chuyện của Pao. Bộ phim đã có số phận của nó, dư âm về Chuyện của Pao hôm nay vẫn còn đọng lại ở Sủng Là, một xã ngay gần thị trấn Đồng Văn, với ngôi nhà mà trong đó người ta dán đầy ảnh chụp từ bộ phim. Nhưng nguyên mẫu của nhân vật bà May trong phim, người đàn bà có số phận trắc trở lấy đi bao nhiêu nước mắt thương cảm của người xem, thì vẫn sống lặng lẽ ở một xóm nghèo với những ký ức mà tôi đồ rằng lòng vị tha vĩ đại của một bà mẹ Mông không có khả năng sinh con đã khiến nó chỉ còn lại là những gì đẹp đẽ, ấm áp, dịu ngọt.

Một buổi chiều nào đấy, đi trên Mã Pí Lèng, nhìn lên lưng chừng vách núi, tiếng be be của con dê con lạc mẹ thao thiết kêu trong ánh chiều tà đang rơi, tự dưng lòng dạ chùng xuống. Tất cả những gì khắc nghiệt nhất của cao nguyên đá đều có thể cảm nhận khi bạn đứng ở đây. Mùa khô luôn mang đúng nhất ý nghĩa của nó. Không có nước. Khắp nơi đều không có nước. Một chút nước bao giờ cũng được sử dụng triệt để hết mức có thể: vo gạo, rửa rau, rửa tay chân, cuối cùng thì dành cho bò uống. Cây cối mỏng manh, xác xơ. Sông Nho Quế cạn trơ đáy. Cầu Tràng Hương nối từ con dốc nhỏ trên Mã Pí Lèng sang bên kia bờ, đi một đoạn dốc ngoằn ngoèo chừng vài cây số sẽ lên tới trung tâm xã Xín Cái, lên tới đồn biên phòng Săm Pun, vùng giáp biên với nước bạn. Mùa khô cũng là mùa lạnh nhất trong năm. Lính biên phòng ngủ dậy sau một đêm, sáng ra đưa ca vào bể để múc nước đánh răng rửa mặt thì cái ca va đánh cộp vào... mặt nước đã đóng băng. Sương rơi đóng thành chuỗi như chuỗi hạt pha lê trên mái nhà.

Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Hỏa nghĩa là “sống mũi ngựa”, là phần nối dài của con đường Hạnh Phúc khi nó được mở ra đến huyện lỵ Đồng Văn bây giờ. Ảnh: MM

Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nhưng tấm bia đá dựng ở lưng đèo Mã Pí Lèng ghi rõ: “Ngày khởi công con đường Hạnh Phúc 10.9.1959, hoàn thành ngày 15.6.1965”, thì cho thấy con đường dài hơn 160 km, trong đó có hơn 20 km của đèo Mã Pí Lèng, không thể chỉ nhờ “đi mãi” mà thành đường.

Hàng nghìn thanh niên xung phong từ khắp sáu tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà và hai tỉnh miền xuôi Nam Định, Thái Bình đã ròng rã “chiến đấu” với núi non hiểm trở, đục đá thành đường trong suốt sáu năm trời. Sáu năm ấy, nhiều người đã hy sinh. Nhiều câu chuyện xúc động mà cho dù có kể cả trăm lần vẫn khiến người kể lẫn người nghe gai người.

Khỏi phải nói con đường tiêu tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt ấy đã mang lại những gì cho chúng ta hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm