Tinh giản bộ máy và chuyện đặt ‘mâm cỗ’

Tinh giản bộ máy là làm cho bộ máy nhỏ hơn và đơn giản hơn. Đây là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm nhất trong thời gian qua.

Từ tuyên bố của chính phủ kiến tạo, phát triển

Công bằng mà nói, nhà nước theo mô hình nào thì bộ máy theo mô hình đó. Nhà nước điều chỉnh sẽ có bộ máy rất nhỏ. Nhà nước phúc lợi sẽ có bộ máy rất lớn. Thật khó có thể khái quát hóa một cách chung chung là mô hình nào tốt hơn mô hình nào. Mỗi mô hình đều chỉ tốt nếu được người dân ủng hộ và đều chỉ tốt trong những bối cảnh lịch sử, văn hóa nhất định.

Ngoài hai mô hình nói trên còn có mô hình Xô viết. Trong mô hình này, đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội; bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Đây là mô hình có bộ máy cũng rất lớn. Ngân sách không chỉ nuôi bộ máy nhà nước, mà nuôi cả bộ máy của hệ thống chính trị. Thực chất đây là mô hình chúng ta đang có. Và nó đã tồn tại ở miền Bắc từ năm 1959-1960, ở miền Nam từ năm 1975 đến nay.

Đất nước ta đang trong quá trình cải cách và chuyển đổi. Mô hình nhà nước đang được nói tới nhiều hơn cả hiện nay là nhà nước kiến tạo phát triển.

Theo những gì mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 18-11-2017 vừa qua thì quan niệm của chúng ta về nhà nước kiến tạo phát triển rất gần với mô hình nhà nước điều chỉnh.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”...

Điều thú vị là những gì mà Thủ tướng khẳng định lại không nằm trong khuôn khổ của khái niệm “developmental state” vẫn được nhiều người dịch sang tiếng Việt là “nhà nước kiến tạo phát triển”. Mô hình “developmental state” nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước (Xô viết) kế hoạch hóa tập trung.

Trong mô hình này, nhà nước không phủ nhận thị trường nhưng tích cực can thiệp vào thị trường để thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế-xã hội đã được đề ra, đặc biệt là chương trình phát triển công nghiệp.

Với một khuôn khổ khái niệm như vậy thì thực ra, kể từ khi đổi mới năm 1986 cho đến những năm gần đây, mô hình mà chúng ta đã theo đuổi chính là nhà nước kiến tạo phát triển “developmental state”.

Tuy nhiên, nếu những gì được Thủ tướng trình bày trước Quốc hội là định hướng mà chúng ta lựa chọn thì rõ ràng đang có sự chuyển dần từ mô hình nhà nước kiến tạo phát triển “developmental state” sang mô hình nhà nước điều chỉnh.

Phải đặt “mâm cỗ” ra ngoài

Như đã nói ở trên, nếu chúng ta quan niệm nhà nước kiến tạo phát triển chính là nhà nước điều chỉnh thì quả thực bộ máy nhà nước có thể được cắt giảm rất nhiều. Nhà nước chỉ tạo ra luật chơi chứ không tham gia đá bóng. Đá bóng là các lực lượng kinh tế và xã hội. Mà như vậy thì Nhà nước chủ yếu chỉ là các ông trọng tài chứ không phải là cả hai đội bóng.

Vấn đề đặt ra là nói lý thuyết thì dễ, nhưng chuyển đổi một hệ thống trùng trùng điệp điệp từ mô hình Xô viết sang mô hình nhà nước điều chỉnh như thế nào mới khó. Thực tế, “mâm cỗ” đều đã được sắp xếp và mọi người đều đã ngồi xung quanh. Cắt người này hay người kia ra ngoài là hoàn toàn không dễ.

Để vượt qua khó khăn này, quan trọng là “mâm cỗ” phải được bày, đặt nhiều hơn nữa ở bên ngoài chứ không chỉ trong bộ máy nhà nước. Nghĩa là cần phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, cho các tổ chức xã hội phát triển để cơ hội được mở ra nhiều hơn cho mọi người. Trong đó có cả những người phải rời khỏi bộ máy hành chính-công vụ và bộ máy chính trị. Tinh giản không có nghĩa là đuổi những người này ra ngoài đường. Tinh giản phải là sự sắp xếp, chuyển đổi theo hướng tạo điều kiện để cho mọi người đều phát huy được đúng năng lực và sở trường của mình.

Nhất thể hóa, xóa chồng chéo, trùng lắp

Để tinh giản bộ máy thì nhất thể hóa giữa đảng và nhà nước là quan trọng nhất. Ngoại trừ mô hình Xô viết, trong tất cả các mô hình khác, đảng cầm quyền đều hóa thân vào nhà nước để cầm quyền. Đứng ngoài nhà nước để cầm quyền vừa dễ dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp, vừa làm cho quy trình ban hành chính sách, pháp luật trở nên rắc rối, phức tạp, chi phí thủ tục và chi phí cơ hội tăng cao.

Ngoài ra, để tinh giản bộ máy, phi hành chính hóa các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị-xã hội cũng rất quan trọng. Làm sao để các tổ chức xã hội thì phải do xã hội nuôi. Đây không chỉ là một đòi hỏi của sự công bằng mà còn là một nguyên tắc để vận hành thể chế.

Lý do là vì còn phụ thuộc, ăn lương nhà nước thì khả năng phản biện chính sách, pháp luật của nhà nước để bảo vệ các thành viên của các tổ chức xã hội là rất hạn chế. Đó là chưa nói tới động lực vận động chính sách cũng không có nhiều. Hệ quả tiếp theo là phản ứng chính sách trước nhu cầu của quần chúng, nhân dân rất dễ bị chậm trễ và bất cập. Mà như vậy thì căng thẳng xã hội và bất ổn xã hội sẽ rất dễ xảy ra.

Cuối cùng, tinh giản bộ máy đang là đòi hỏi nóng bỏng của đất nước. Song song với ý chí chính trị, một khuôn khổ khái niệm chuẩn xác về việc thiết kế hệ thống cũng rất cần thiết để những cố gắng cải cách có thể thành công.

Tinh gọn đầu mối, giảm cấp trung gian

Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu đã đề ra…. Quy định số lượng biên chế tối thiểu được thành lập tổ chức, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp hàm; giảm tỷ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng.

(Trích Nghị quyết Trung ương 6 – Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm