Hành trình tìm sự bình đẳng chốn công đường

Ngày 28-7-2017, Chánh án TAND Tối cao ký ban hành Thông tư số 01 quy định về phòng xử án với nội dung đáng chú ý là tại phiên tòa hình sự luật sư (LS) được bố trí chỗ ngồi ngang bằng với đại diện VKS bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2018.

“Hôm đó tôi vui lắm. Đó là ngày đặc biệt trong đời vì tôi luôn đau đáu mong chờ. Dù hơi muộn nhưng tôi rất mừng vì phiên tòa tranh tụng được thể hiện ngay từ chỗ ngồi bình đẳng” - nguyên Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng, hiện là vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - TAND Tối cao, hồ hởi.

Đặt viên gạch đầu tiên

Câu chuyện về chỗ ngồi bình đẳng tại phiên tòa được người ta bàn cãi nhiều và phải qua nhiều tầng nấc thăng trầm mới được cụ thể hóa bằng Thông tư số 01 nêu trên. Nhưng ít người biết rằng ông Tùng chính là cha đẻ của ý tưởng và cũng là người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng mô hình chỗ ngồi bình đẳng hơn 10 năm trước.

Có nhiều câu chuyện thú vị về hậu trường chỗ ngồi đã được ông Tùng kể lại. “Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu và đi tham quan tòa án ở nước ngoài, thấy phòng xử án của họ có cách bố trí chỗ ngồi khá hay. Vì thế năm 2003 tôi tự làm bản vẽ thiết kế và bắt đầu cho thử nghiệm mô hình phòng xử án mới”.

Ban đầu ông Tùng cho áp dụng ở phòng xử án hình sự hai nơi là TAND huyện Tân Uyên và Thuận An (nay là thị xã Thuận An). Trong suốt ba năm thử nghiệm, huyện ủy và VKS hai cấp không ai có ý kiến gì, các thẩm phán cũng rất hài lòng.

Đến năm 2006, ông Tùng bắt đầu đưa mô hình lên TAND tỉnh sau khi tòa này được xây mới. Mong muốn lớn hơn của ông là sau khi vận hành tốt thì sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh. Để có cơ sở pháp lý ông Tùng đã gửi công văn ra TAND Tối cao kèm mô hình bố trí chỗ ngồi để xin ý kiến chấp thuận. “Ngày đó, sau khi đọc đề xuất của tôi, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tú đã xác nhận vào công văn phản hồi lại, cho phép Bình Dương được làm thí điểm” - ông Tùng nói.

Chưa hết vui mừng, khi vừa xét xử được hai phiên tòa thì ông Tùng vấp phải phản ứng của VKSND tỉnh với lý do KSV không thể ngồi bằng vai phải lứa với LS. Ông bị tỉnh ủy mời lên làm việc để hỏi rõ căn do. Tất nhiên ông Tùng đã đưa ra bản ý kiến chấp thuận cho thí điểm của TAND Tối cao và nhiều lập luận khác để bảo vệ quan điểm của mình.

Chỗ ngồi mới tại phòng xử Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, TAND TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA

Thay đổi để tốt hơn

Không có ý kiến nào yêu cầu ngưng nhưng ông vẫn được khuyến cáo là hạ thấp bục của HĐXX xuống để gần ngang bằng với bục ngồi của VKS. Ông Tùng kiên quyết phản đối vì như vậy HĐXX sẽ không còn là trung tâm của phiên tòa và bị khuất tầm nhìn do vướng bàn của thư ký phía trước. Cuối cùng ông nghĩ ra cách đóng nâng thêm chân bàn của KSV cao hơn bàn LS khoảng 5 cm.

Ông khẳng khái: “Nghị quyết 08/2002 và 49/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp xác định tòa án là trung tâm trong xét xử thì phải ngồi cao nhất. Đại diện VKS là người bảo vệ cáo trạng và đề xuất mức án lên tòa thì anh phải ngồi thấp hơn tòa. LS bảo vệ thân chủ đưa ra ý kiến bào chữa để tòa xem xét thì cũng phải ngồi thấp hơn”.

Sau đó mô hình chỗ ngồi mới vẫn được áp dụng nhưng ông Tùng cũng phải chịu không ít lời ra tiếng vào. Thế rồi đến năm 2010, khi ông Tùng không còn làm chánh án TAND tỉnh Bình Dương nữa, nơi này dần lại quay trở về cách bố trí cũ.

Tay cầm cây bút lông vẽ minh họa lên bảng, ông nói tiếp: “Để bảo vệ HĐXX trước những người dự tòa quá khích, ngày đó tôi còn bố trí chỗ để cho bị cáo hoặc người tham dự phiên tòa trình tài liệu, vật chứng thông qua cảnh sát tư pháp và thư ký. Nhưng rất tiếc là chưa cụ thể hóa được, sơ đồ phòng xử án của TAND Tối cao hiện nay cũng chưa thấy”.

“Họ bảo tôi là người cá tính, có người còn coi tôi là người thích chơi trội, tôi thì nghĩ chúng ta nên mạnh dạn thay đổi nếu điều đó khiến mọi việc tốt hơn. Có lần đi ăn đám cưới, một vị LS khá lớn tuổi chạy lại vồn vã nói tôi không biết ông nhưng ông ấy biết rõ tôi vì rất ấn tượng về mô hình chỗ ngồi tại TAND tỉnh Bình Dương từ nhiều năm trước. Niềm vui nhỏ nhưng đối với tôi như vậy là đủ…”.

Cũng theo ông Tùng, trong một lần đến tham quan TAND tỉnh Bình Dương, lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng rất tâm đắc mô hình này và mong muốn cùng thực hiện. Đến năm 2013, TAND TP Đà Nẵng triển khai mô hình này và nhận được nhiều sự ủng hộ.

“Dù ngày ấy gặp nhiều khó khăn nhưng từ khi khởi thảo ý tưởng, tôi đã dự đoán rằng chỗ ngồi bình đẳng chắc chắn sẽ thành hiện thực. Còn gì vui hơn khi hôm nay đứa con tinh thần bao năm ấp ủ đã thành hình” - ông Tùng nói.

Về chiếc áo choàng thẩm phán

Cũng trong năm 2017, một thay đổi quan trọng về trang phục xét xử đã được quy định, đó là việc tất cả thẩm phán sẽ mặc áo choàng khi xét xử.

Cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp 2013, tháng 6-2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1214 về trang phục của thẩm phán. Ngày 3-10, TAND Tối cao có Quyết định số 210 quy định từ ngày 1-1-2018, thẩm phán trong cả nước sẽ mặc áo choàng dài tay khi xét xử. Riêng thẩm phán TAND hai cấp tại TAND TP.HCM thì từ ngày 1-12-2016 đã đồng loạt mặc áo choàng.

Trong lịch sử tố tụng nước ta, chiếc áo của thẩm phán đã có nhiều thay đổi. Tại Sắc lệnh số 13 ngày 14-1-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định: Y phục của thẩm phán tòa thượng thẩm và tòa đệ nhị cấp là áo choàng dài đen, tay rộng. Nhưng đến Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-1950 thì quy định này không còn được thực hiện nữa và sau đó vấn đề trang phục của thẩm phán không được quy định cụ thể.

Sau năm 1975, thẩm phán được quy định mặc áo sơmi trắng, thắt cà vạt, bên ngoài là áo vest. Nhưng theo đánh giá trang phục này chưa phân biệt được thẩm phán với những người khác như luật sư, đương sự, người tham gia phiên tòa và chưa mang tính đặc thù của thẩm phán.

Những năm gần đây, TAND Tối cao đề xuất trang phục áo choàng để thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng, quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Cơ quan này từng có ý đặt hàng nhà thiết kế Minh Hạnh làm nhưng để tiết kiệm chi phí, sau đó đã tổ chức mở cuộc thi thiết kế để lựa chọn mẫu. Từ đây lịch sử pháp lý bắt đầu ghi nhận hình ảnh thẩm phán mặc áo choàng trong khi xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm