Khai thông điểm nghẽn để đổi mới và sáng tạo

Trong năm 2018, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng thêm hai bậc lên vị trí 45/126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng. Đây là một thành tựu rất quan trọng và rất đáng ghi nhận trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng sâu rộng khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, chúng ta vẫn chỉ mới được xếp hạng trên mức trung bình của thế giới một ít. Cụ thể là đứng thứ 45 trên 126 quốc gia. Với vị trí trung bình thì tất nhiên thu nhập cũng chỉ ở mức trung bình; hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần cũng chỉ ở mức trung bình; trọng lượng của tiếng nói trên diễn đàn thế giới nếu không có những nỗ lực vượt bậc hơn nữa thì khó tạo ra đột biến.

Tuy nhiên, trung bình không phải là một định mệnh. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhanh chóng khắc phục những trở ngại trên con đường đổi mới và sáng tạo của đất nước.

Trở ngại thứ nhất là chủ nghĩa giáo điều. Chủ nghĩa giáo điều làm tê liệt khả năng đổi mới tư duy. Nghĩa là chúng ta không bao giờ dám nghĩ khác với những giáo điều đã được đóng gói sẵn và đông lạnh sẵn. Mà không nghĩ khác thì cũng không thể làm khác. Đổi mới, sáng tạo vì vậy chính là quá trình giải phóng đất nước thoát khỏi những giáo điều xưa cũ. Thực tế hơn 30 năm đổi mới vừa qua cho thấy các giáo điều này được tháo gỡ đến đâu thì đất nước ta phát triển vượt bậc đến đấy.

Trở ngại thứ hai là hệ thống giáo dục thiên về “gọi dạ, bảo vâng”. Mặc dù hệ thống giáo dục của chúng ta đã có nhiều cải cách và cũng đạt được không ít thành tựu, tuy nhiên mô thức đào tạo con người tuân thủ hơn là con người phản biện thì vẫn còn đó. Không dám phản biện, không biết phản biện thì quá khứ là không thể vượt qua. Nếu quá khứ không chỉ là nền tảng mà còn là đỉnh cao vòi vọi che khuất tương lai thì làm sao có thể đổi mới và sáng tạo được!

Mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện tất nhiên là rất nhân văn. Tuy nhiên, theo đuổi mục tiêu này rủi ro cũng không hề nhỏ. Để áp đặt các chuẩn mực của sự phát triển toàn diện, chúng ta rất dễ tạo ra một lớp người hao hao giống nhau và tròn vo như những củ khoai tây. Mà như vậy thì làm sao có được sự phong phú và đa dạng của nguồn nhân lực? Một nền giáo dục tập trung vào việc phát hiện năng khiếu của từng cá nhân và phát triển năng khiếu thiên phú đó có vẻ sẽ quan trọng hơn nếu chúng ta muốn có được nguồn nhân lực cho đổi mới và sáng tạo.

Trở ngại thứ ba là nạn hàng nhái, hàng giả tràn lan. Cái gì cũng bị nhái, cái gì cũng bị làm giả. Tiền đầu tư cho việc phát triển sản phẩm mới chưa kịp thu hồi thì mẫu mã sản phẩm đã bị ăn cắp, các sản phẩm giả đã được bán tràn lan trên thị trường. Trong trường hợp như vậy, nếu doanh nghiệp không bị phá sản thì cũng chẳng còn nhuệ khí để tiếp tục đổi mới và sáng tạo nữa.

Năng lực thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ hạn chế càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng ở đây. Một bộ phim chưa được chiếu ra rạp đã bị đăng tải lên mạng xã hội, một phần mềm vừa mới viết ra đã bị copy vô số bản thì không ai có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư cho đổi mới và sáng tạo. Và rủi ro hơn, chẳng ai còn có đủ khuyến khích để đổi mới và sáng tạo.

Trở ngại thứ tư là chủ nghĩa “thân hữu, cánh hẩu”. Điều này đang triệt tiêu động lực cạnh tranh mà không có cạnh tranh, không có nhu cầu phải đổi mới và sáng tạo. Nếu tồn tại tình trạng có quan hệ là có hợp đồng, có quyền tiếp cận thị trường, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tiếp cận tài chính và các nguồn lực khác; không có quan hệ thì cho dù có đổi mới, sáng tạo đến mấy cũng sẽ thua cuộc. Như vậy thì khuyến khích là đầu tư vào quan hệ với các quan chức hay vào đổi mới và sáng tạo?

Tóm lại, để đổi mới và sáng tạo người Việt chúng ta sẽ phải vượt qua không ít những khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách nói trên không phải là do trời định, mà phần nhiều là do sự hạn chế của chính chúng ta. Dám lột xác, dám vượt qua chính mình là điều kiện không thể thiếu để làm nên cuộc cách mạng trong đổi mới và sáng tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm