Phan Bội Châu và những cái Tết “ăn mày”

Ðặc biệt, có ít nhất hai cái tết ở Nhật Bản và Xiêm La (Thái Lan), cụ Phan phải đóng vai ăn mày bất đắc dĩ để độ nhật.

Sự việc được chính cụ Phan kể lại qua bài viết “Tết tha hương” đăng trên báo Ngày Nay số Xuân Kỷ Mão năm 1939.

Tháng 3-1909, khi phong trào Ðông Du do cụ Phan Bội Châu tổ chức với hơn 400 du học sinh người Việt đang sôi nổi học tập tại các trường Ðông Văn Thư Viện và Chấn Võ Học Viện ở Nhật Bản, đột nhiên chính phủ Nhật (theo yêu cầu của chính phủ Pháp qua hiệp ước Pháp-Nhật ký kết tháng 9-1908) hạ lệnh trục xuất toàn bộ du học sinh người Việt trong vòng hai tuần lễ. Riêng cụ Phan được khoan hạn 20 ngày phải rời Nhật.

Sau khi thu xếp cho tất cả du học sinh rời Nhật, người về nước, kẻ qua Xiêm La hay sang Trung Quốc, cụ Phan kể: “Mình tôi lúc bấy giờ chỉ có “bảy thước thân côi, hai vai xương trụi”, ngó sau ngó trước anh em mình đã vắng ngắt vắng tanh, chợt ngó lên tấm lịch ở trên chỗ ngồi lại vừa đúng ngày 30 tháng Chạp”.

Thời đó, lễ tết của người Nhật chỉ diễn ra trong nửa ngày mồng một, dù vậy họ vẫn đón tết rất náo nhiệt. “Riêng mình tôi ở trong nửa ngày ấy tơ tằm dao cắt, giọng quốc canh trường, trông người lại ngẫm đến ta, chỉ có lấy nước mắt rửa mặt là hết việc” - cụ Phan kể tiếp.

Chính phủ hai nước Việt Nam, Nhật Bản đã chọn năm 2013 làm “Năm hữu nghị Việt-Nhật” nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Một trong các điểm nhấn của “Năm hữu nghị Việt-Nhật 2013” là lễ ra mắt bộ phim “Người cộng sự - The Partner” do đài truyền hình Việt Nam (VTV) và đài truyền hình TBS (Nhật Bản) hợp tác sản xuất. Bộ phim có nhắc lại câu chuyện của 100 năm trước về tình bạn sâu sắc giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ người Nhật Asaba Sakitaro khi cụ Phan ở Nhật.

Trước khi rời Nhật theo lệnh trục xuất, cụ Phan đến chào từ biệt hai ân nhân người Nhật từng giúp đỡ rất nhiều cho phong trào Ðông Du. Ðó là ông Inukai Tsuyoshi (nguyên thủ tướng Nhật) và Bá tước Okuma Shigenobu. Cả hai ông đều khuyên cụ Phan nên tạm rời Nhật vài năm để tránh tai mắt người Pháp, sau này hãy bí mật quay trở lại.

Nhớ lời dặn của hai ân nhân, đến năm 1912 cụ Phan tìm cách trở lại Nhật Bản. Nhằm tránh tai mắt của mật thám Pháp, cụ chọn thời điểm những ngày cận tết mới xuống tàu thủy. Tàu cập cảng Trường Kỳ (Nagasaki) của Nhật đúng vào ngày 30 tháng Chạp. Ðể không bị mật thám Pháp tại Nhật để ý, thay vì đáp tàu lửa hoặc tàu thủy từ Trường Kỳ đi Ðông Kinh (Tokyo), cụ Phan quyết định sẽ đi bộ suốt lộ trình này. Hôm sau, đúng ngày mùng một tết, cụ Phan khăn gói lên đường đi Ðông Kinh.

“Thơ thẩn đường trường, đi bộ từ Trường Kỳ đến Ðông Kinh đụng gặp người ăn vận đồ Nhật Bản thì không dám hở răng, chỉ thấy người nào là Hoa kiều mới tự xưng cũng là một Hoa kiều nhưng thất nghiệp, và xin người ta cho ăn, cho ngủ. Cứ như thế suốt mười ngày thì đến Ðông Kinh. Năm đó ăn tết bằng nghề ăn mày, nay nghĩ lại lại là một việc rất vẻ vang trong lịch sử Phan Bội Châu đó vậy” - cụ Phan kể lại.

Cụ Phan Bội Châu

Cuối năm 1910, cụ Phan Bội Châu đưa khoảng 50 đồng chí của mình từ Quảng Ðông, Trung Hoa đến Bạn Thầm, Xiêm La (nay là tỉnh Phì Chịt, miền Trung Thái Lan) xây dựng căn cứ địa. Ðược chính phủ Xiêm La cấp cho một khu đồi núi hoang vu rộng cỡ 30 mẫu ở Bạn Thầm, cụ Phan và các đồng chí tập trung cày cấy, học tập, luyện võ nghệ để đợi thời cơ phục quốc. Thấy cụ Phan không thạo nghề cày cuốc, các đồng chí bèn giao cho cụ công việc vào núi hái trà pha nước cho anh em uống. Thế là cứ tinh mơ cụ Phan vào núi, quá chiều trở về trại với bốn bó trà to, đủ cung cấp trà nước cho 50 người dùng trong một ngày.

Cuộc sống tại Bạn Thầm vô cùng cực nhọc, mọi người lao động quần quật từ sáng sớm đến tối mịt vẫn không đủ ăn. Tết đến, cụ Phan và các đồng chí của mình chỉ nghỉ lao động có nửa ngày. Cụ Phan nhớ lại: “Trong nửa ngày ấy quần nhau thành một bầy, đập vế, vỗ tay, hát những bài “ái quốc ca, ái chủng ca, ái quần ca”. Tiếng ca vang núi, thiệt rất mực tự do, rất mực đơn sơ mà cũng rất mực sung sướng. Bây giờ tôi nhắc lại chẳng biết bao giờ lại có một lần ăn tết như thế nữa…”.

Ở Bạn Thầm được gần một năm, cuối năm Tân Hợi (1911), cụ Phan nhận được thư của các đồng chí từ Trung Quốc gửi qua báo tin cuộc cách mạng Tân Hợi thành công đã chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế của triều đình Mãn Thanh. Thư cũng cho biết các nhà lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi như Tôn Trung Sơn, Hoàng Khắc Cường…, vốn là những người quen biết cũ của cụ Phan, đều muốn cụ sớm trở lại Trung Quốc. Ngặt nỗi tình hình tài chính của cơ sở cách mạng tại Bạn Thầm rất khó khăn, mọi người vét túi góp lại cũng chỉ có được ba chục đồng để cụ Phan cùng một đồng chí nữa là Ðặng Tử Mẫn làm lộ phí đi Trung Quốc. Số tiền ấy chỉ đủ cho hai người đáp tàu thủy từ Mạng Cốc (Bangkok) đến Hương Cảng (Hong Kong). Vậy đào đâu ra tiền để mua vé tàu lửa cho hai người đi từ Bạn Thầm đến Mạng Cốc?

Cụ Phan kể: “Chúng tôi bèn nghĩ ra một kế rất diệu: Ở độ đường thứ nhất hai anh em tôi vừa đi bộ vừa ăn xin. Hễ thấy nhà người Xiêm, đúng hồi mình đói bụng thì chúng tôi chỉ có việc nói mấy tiếng “Me ơi! Mãy kim khầu” là vạn sự xong xuôi. Nhờ kế đó chúng tôi vẫn giữ nguyên được số tiền ba chục đồng để đáp đường thủy Mạng Cốc-Hương Cảng. Hai anh em rời Bạn Thầm ra đi được hai ngày thì vừa nhằm ngày tết, tết ấy tôi lại mang hình thức kẻ ăn mày. Nhưng đúng vẹn một năm sau cái tết “ăn mày” đó, tôi được thấy một vẻ tinh thần: Tháng Giêng năm sau, tức năm Quý Sửu, Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Ðông đến ngày thành lập” (*).

Bài báo “Tết tha hương” của cụ Phan Bội Châu viết cho báo Ngày Nay số đặc biệt mừng xuân 1939 kết thúc ở đó. Gần một năm sau, ngày 29-12-1940, cụ Phan qua đời tại Bến Ngự (Huế), nơi cụ bị thực dân Pháp buộc phải an trí từ năm 1925.

NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG

__________________________________

(*) Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (NXB Từ điển bách khoa) và Từ điển Văn học Việt Nam- bộ mới (NXB Thế giới) thì tại Quảng Ðông năm 1922 Phan Bội Châu cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng. Ðược Nguyễn Ái Quốc (lúc này đang hoạt động cách mạng ở Quảng Ðông) góp ý, Phan Bội Châu định thay đổi đường lối theo hướng xã hội chủ nghĩa nhưng chưa kịp cải tổ thì cụ bị thực dân Pháp bắt cóc đưa về nước, buộc phải an trí tại Huế đến khi mất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm