Nơi ấy, ta thuộc về

Các nhà nghiên cứu xã hội thường thích dùng những mỹ từ như “thành phố sống tốt”, “thành phố thân thiện”... để chỉ giá trị của nơi chốn cư trú. Khi mà những người sống lâu, đi nhiều và lắm trải nghiệm xác quyết rằng mình thuộc về nơi ấy thì điều đó không có nghĩa nơi ấy là quê hương có nhúm rau của mẹ sau khi sinh và cuống rốn của mình sau khi rụng. Nơi ấy ta đã chọn để sống, để buồn vui và không muốn thay đổi nữa cho đến điểm cuối của đời người.

Sài Gòn là một thành phố như thế với rất nhiều người, rất nhiều thế hệ. Người xưa nói muốn thấy núi cao thì phải lùi ra thật xa. Người nay nói muốn biết mình có thuộc về nơi ấy không thì cũng phải đi thật xa, chỉ có đi ra xa ta mới hiểu được ta gắn bó, thương nhớ nơi ấy đến dường nào, nhận ra rằng nơi ta đang sống dẫu còn nhiều điều chưa hài lòng (tất nhiên rồi) nhưng thật nhiều sự tử tế và thật đáng tiếc nếu vì lý do gì đó ta phải rời xa nó thật lâu hay mãi mãi. Nguyễn Văn Tất, một kiến trúc sư khá nổi tiếng của thành phố này nói mỗi khi máy bay cất cánh rời sân bay Tân Sơn Nhất và khi trở về, sắp đáp xuống là ông rưng rưng muốn khóc, giống như khi chia xa và gặp lại người thân thiết. Với ông, đâu phải lâu lắm mới có chuyến đi xa, hình như tháng nào ông cũng đi. Nhưng xem ra không chỉ có ông dễ mủi lòng mà nhiều người cũng có tâm trạng y hệt như thế.

Ảnh: H.T.D - TÚ QUYÊN

Có đi xa mới thấy những chuyện ở xứ này tưởng bình thường thôi lại thành ra có ý nghĩa, thậm chí thành chuyện lạ. Xứ này có những người làm ra quán cơm 2.000 đồng, có chị bán hàng tạp hóa đặt bình nước lạnh miễn phí hằng ngày bên đường, chị bán vé số lần những đồng bạc lẻ cuối cùng nhàu nát cho người nơi xa không biết mặt… Những hành động ấy không hề nằm trong “chương trình nhân đạo”, không được “lập trình, số hóa” mà đơn giản là nó là như vậy. Một bác xe ôm nằm vạ vật trên xe cả nửa ngày không có khách nhưng lại rất vui vẻ, tận tình chỉ dẫn cho ai đó hỏi thăm đường, một ai đó cố tăng ga chạy dấn lên chỉ để nhắc người khác rằng “Anh/chị ơi chưa gạt chân chống xe”… Những chuyện thường ở đất này lại là chuyện lạ ở nơi đô hội khác.

Chưa bao giờ trên báo chí, trong lời rao giảng của những người có quyền ban phát và cả trong chuyện tầm phào của dân lao động với nhau, cái sự “tử tế” lại được nhắc nhiều với những cung bậc khác nhau đến thế. Nỗi lo lắng của cha mẹ, của những người làm giáo dục về sự tử tế rằng sao nó cứ dần rơi rụng, sao những con người tử tế cứ vơi dần đi, về nỗi sợ hãi một ngày nào đó sự tử tế không còn chỗ trú ngụ.

Còn nhớ những năm 80 của thế kỷ trước (sao mà xa vời thế nhỉ!), khi ấy cuộc sống sao cơ khổ thế nhưng sự tử tế lại không hề thiếu. Khách đến nhà, con cháu xếp hàng ra chào, việc người trẻ xách giùm đồ nặng qua đường cho các bà, việc người có xe đạp, xe máy mời người đi bộ quá giang đoạn đường là chuyện không ai khen, bởi chẳng ai khen cái chuyện đương nhiên. Người Sài Gòn xưa là vậy.

Dường như kinh tế có chút khởi sắc thì sự tử tế và lòng trắc ẩn lại vơi đi (?). Ðứa cháu về khoe với ông sáng ngày thứ Hai được nhà trường tuyên dương dưới cờ vì nhặt được 5.000 đồng nộp cho cô giáo, nghe mà lòng tan nát. Chuyện thường trở thành chuyện hiếm hoi, sợi dây nhỏ liệu có đủ sức níu lại con thuyền lớn đang trôi? Nghe Nguyễn Ngọc Tư nói thấy trên tivi trong dòng người đến 30 Hoàng Diệu có tay lái taxi từng chở mình chạy lòng vòng tính thêm dăm cây số, thấy cả bà bán phở hét giá gấp ba, bốn lần vì cái giọng Nam đặc sệt không giấu được và một nhà báo lão thành cao hứng rằng sau sự kiện này rồi thì “ai cũng sẽ tử tế hơn lên”. Nghe thế mà thương cho sự hồn nhiên và tử tế tự nhiên của người phương Nam, bởi sự tử tế không phải là một ánh chớp lóe lên. Hàng triệu người dân khóc Ðại tướng, chúng ta không chỉ nấc nghẹn lên vì thương ông mà còn khóc cho chính sự tử tế hoàn hảo đã ra đi.

Hôm rồi gặp nhà văn hóa Vương Trí Nhàn ở góc sân nhỏ mới biết ông quyết định vào Nam định cư. Hỏi ông hơn 70 niên rồi sao không ở ngoài lại đi vào trỏng cho cực, ông nói kể ra cũng muộn nhưng cũng như mọi người, hơn 300 năm nay những ai muốn làm ăn thì Nam tiến, còn ai muốn làm quan thì Bắc tiến. Ông thì không có ý định vào làm ăn mà là vào chơi với sự tử tế.

Hàng nghìn con cò tụ lại thành vườn không hẳn vì chỗ đó có cái ăn mà cái chính là nơi ấy có chỗ cho chúng làm tổ, đẻ trứng, nuôi con. Sự tử tế không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Cái sự còn mất của nó ở thời điểm và thời đại chắc hẳn là có lý do của nó. Nhưng tôi tin, như đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy tin: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn” (lời trong phim Chuyện tử tế).

NGUYỄN MINH HÒA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm