Thư tết gửi từ cao nguyên

Giữa thời hiện đại, người ta gửi email hoặc chat Facebook, Zalo, Viber ầm ầm mà anh viết thư tay cho em thì quả buồn cười thật. Nhưng thú thật anh vẫn thích viết thư tay gửi những người thương yêu, bởi nghe có vẻ thi vị hơn một chút. Hơn nữa, sóng điện thoại, 3G ở vùng cao chập chờn, muốn gửi email cũng là cả một vấn đề.

Em của anh,

Vụt một cái anh đã bỏ thành phố lên làm bác sĩ đất cao nguyên được mấy năm rồi. Ngày ấy, anh bảo muốn lên đây tìm cảm giác mới, tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình nhưng cái chính vẫn là ham khám phá thôi. May mắn là em đã hiểu và không phản đối anh.

Lánh xa cuộc sống thị thành ồn ào, đầy những bon chen mệt mỏi để đến với chốn nghèo khó nhưng thừa thãi tình người này anh mới thực sự cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Thỉnh thoảng có vài đứa bạn lên chơi hỏi sao không về, anh nói rằng ở đây tao giác ngộ rồi chúng mày ạ. Thế là chúng nó về đồn rằng thằng đó bị hâm rồi, nó ở trên đó không về đâu!

Em, ở đây vắng người lắm nên công việc nhàn hạ chứ không tất bật như ở thành phố, cũng không có tiện nghi hiện đại nên anh trở thành một… người bình thường em ạ. Không suốt ngày chúi mũi vào điện thoại và máy tính, anh lại có thời gian thơ thẩn để ngắm nhìn cuộc sống và nghĩ chuyện chúng mình.

Ngày mới lên đây, anh đi qua được hai, ba quả đồi là thở hồng hộc như trâu. Chẳng bù cho những cô gái dân tộc, ngày ngày cúi đầu lầm lũi bước chân trần không mệt mỏi, cõng trên lưng chiếc gùi đầy những ngô khoai mang về cho con và nấu rượu cho chồng. Những người chồng uống say từ ngày này sang ngày khác để quên đi ngày tháng đơn điệu. Những người phụ nữ vẫn sống đời lam lũ nhưng yên lành. Rồi một ngày họ thành những cụ già, vẫn bước đi lầm lũi qua ngày đoạn tháng. Ánh mắt họ đăm đăm trên những bước chân, những con đường như tìm kiếm một thời thanh xuân đã bỏ lại ở đó, lưng họ còng đi vì chiếc gùi và vì cả gánh nặng mang tên số phận. Nhưng, họ vẫn cười với anh thật hồn nhiên.

Bây giờ cái tết đang len lỏi về bản thôn, nhờ thấy cây mai dại bên đường đơm nụ anh mới nhận ra. Sáng nay nghỉ làm, anh đi bộ vài cây số trên những con đường quanh co đến chỗ già làng xin bình rượu cần. Trời cuối năm, hoa dã quỳ chen nhau bò đầy đường, vàng cả những quả đồi vốn khô khốc trong mùa hạ. Theo các già làng, trước đây người dân bản địa tính năm bằng mùa hoa dã quỳ. Khi dã quỳ nở vàng trên các quả đồi là năm mới đã đến.

Trước đây, người bản địa không đón tết Nguyên đán nhưng sự giao thoa văn hóa ngày càng nhiều, người dân tộc thiểu số sống chan hòa với người Kinh từ miền xuôi. Bà con người dân tộc thiểu số cũng sắm bánh chưng với củ kiệu, người Kinh như anh cũng đặt cho mình những ghè rượu cần hay bè cơm lam. Mỗi độ tết về, bà con cũng ghé thăm nhau chúc mừng năm mới. Người miền nào cũng có những món đặc sản riêng từ quê họ mang ra đãi khách. Từ hồi lên đây anh đã thử qua rượu cần với cơm lam của người bản địa, được uống rượu Bàu Đá của một chú người Bình Định, ăn bánh tráng thịt heo luộc từ Tây Ninh, nem nướng từ một cô người Khánh Hòa, rồi những bánh chưng, giò thủ, rượu nếp từ miền Bắc…

Ở đây còn có nhiều lễ hội. Một số gia đình cũng có nồi nấu bánh chưng, bếp lửa tí tách và vài cô cậu thanh niên tụ lại hát hò. Một lần anh nổi máu anh hùng thử thổi khèn mà khó quá nên chẳng ra gì, các cô dân tộc cười rinh rích làm anh đỏ bừng mặt. À các cô ở đây xinh và chất phác lắm, nhưng không ai xinh bằng em!

Anh nhớ nhất một lần có lễ hội đâm trâu. Lúc đầu anh không thích khi biết người ta sẽ giết một loài động vật hiền lành. Nhưng thực ra lễ hội khác với anh nghĩ, người dân tộc họ thật nhân văn và thành kính. Gọi đâm trâu thật ra không đúng lắm mà phải gọi là lễ hiến trâu cho Giàng (Yang). Trước nghi lễ, có một ngày họ cho trâu ăn thật ngon, có lễ khóc trâu đẫm lệ, rồi trò chuyện với trâu để gửi gắm tâm nguyện, để trâu báo lại khi lên gặp Giàng. Và người ta cũng không đâm trâu giữa ban ngày trước vạn người nhòm ngó đâu, họ hành lễ lúc trời tờ mờ sáng, chỉ có những già làng và thầy cúng chứng kiến.

Anh vừa xin được bình rượu cần là bưng ngay về, cười hí hửng. Tết này anh có rượu, có cơm lam và bánh chưng nên cũng tươm tất lắm, em. Dọn lại phòng rồi anh lặng lẽ hít lấy cái không khí trong lành, thảnh thơi nghe tiếng gió lùa mơn man qua những kẽ lá. Núi ôm đồi, đồi khuất núi, chen nhau sau những khóm dã quỳ vàng óng ả, cảnh liêu trai như mối tình anh với em vậy. Ước chừng ngày nào đó anh sẽ đưa em lên đây để cùng đi dạo, chắc em sẽ nhảy lon ton trước cảnh vật tươi mát này, như anh ngày đầu.

Có lẽ buồn nhất là cảm giác phải sống xa nhà. Dù người dân quanh đây mến khách và thương anh lắm nhưng vẫn không bù lại cái cảm giác quây quần bên những người thân của mình được. Anh vẫn muốn bên em đón giao thừa, ngắm pháo bông rồi dìu em về nhà chúc tết, nhận lì xì từ mẹ dù đã lớn tồng ngồng. Ở dưới đó em đã chuẩn bị bánh chưng, bánh tét chưa, em có đi mua hoa quả cùng mẹ và phụ mẹ dọn nhà không? Kể anh nghe nhé. Anh chờ thư em.

Ban Mê mùa lạnh,

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm