Sài Gòn về đêm có gì lạ?

Sống ở Sài Gòn đã hơn 5 năm, vậy mà tôi chưa từng nếm trải mùi vị trọn đêm thức cùng thành phố này. Người ta nói “Người Sài Gòn không bao giờ ngủ và đêm Sài Gòn không bao giờ là đủ”. Tôi quyết định thử một lần xem có đúng thế không.

Nhộn nhịp ở phố Tây

Đồng hồ điểm 23 giờ, đường phố các vùng ven bắt đầu vắng vẻ. Tôi cùng người bạn phóng xe máy từ quận 2 vào nơi nhộn nhịp nhất Sài Gòn - quận 1. Xe vừa đến đường Đề Thám, cơn ngáp ngủ của đứa con gái chưa từng thức khuya vụt tan biến bởi tiếng nhạc rạo rực từ phía xa vọng tới. Những nhà hàng, quán cà phê, quán bar, pub… dọc khu phố Tây Bùi Viện (trải dài trên các con đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu) dày đặc khách.

Cũng giống tôi, cô gái Hà Nội Mai Hoa có vẻ choáng ngợp bởi lượng người đông đúc cùng không khí cực kỳ náo nhiệt ở đây, dù đồng hồ đã nhích dần sang 24 giờ. “Hà Nội nổi tiếng với phố bia Tạ Hiện thì Sài Gòn có phố Bùi Viện thậm chí còn náo nhiệt hơn, rất thích hợp cho những “cú” đêm chịu chơi. Lần đầu vào Sài Gòn, nơi đây khiến tôi rất bất ngờ” - Hoa phấn khích hét lớn trong tiếng nhạc xập xình dù đang ngồi nhậu trên… lòng đường Bùi Viện.

Giữa hỗn tạp của thứ âm nhạc căng não cùng tiếng cười nói, tiếng rao gọi mời chào, tôi bắt gặp một anh chàng Tây và cô gái người Việt đang trò chuyện… bằng tay. Cô biết tiếng Anh, chàng lại chỉ nói được tiếng Đức nên họ đành chung nhịp đập từ cử chỉ khua tay để đối phương nhận biết mình muốn nói gì đến cách cô gái dùng tay và ám hiệu chỉ cho chàng trai cách lể những con ốc trong bàn nhậu.

Tất cả những hình ảnh và âm thanh ấy hòa vào nhau tạo nên một bầu không khí thật đặc biệt, ở Sài Gòn chỉ phố Bùi Viện mới có. Sài Gòn về đêm qua lăng kính Bùi Viện là một hình ảnh đầy hào nhoáng, chịu chơi.

Xích lô và ngọn lửa hồng

Hơn 0 giờ sáng, tôi di chuyển về hướng chợ Bến Thành. Cảnh náo nhiệt của phố Bùi Viện làm tôi “nóng trong người” bao nhiêu thì chỉ đi khoảng 1 km, cái lạnh của trời khuya đã khiến tôi rùng mình. Ngay giữa quận 1, trung tâm của Sài Gòn, cùng trong một đêm là hai hình ảnh trái ngược. Đập vào mắt tôi lúc này là 3-4 chiếc xích lô cũ kỹ nép vào sát mái hiên bên góc đường. Vài người đang gom ít gỗ, giấy để đốt một đống lửa.

Từ nhỏ đến lớn tôi sống ở Đà Lạt, vì vậy chuyện người ta đốt lửa sưởi ấm ở trong nhà, ngoài lề đường, hay bất cứ đâu trong không gian ngoài trời, khi mùa đông giá lạnh tới không còn lạ lẫm với tôi. Thế nhưng ở Sài Gòn tôi chưa từng thấy cảnh cùng nhau đốt lửa để sưởi ấm như thế này. Một chú trong nhóm nói: “Có đống lửa cháy âm ỉ ban đêm, mấy anh em đồng nghiệp ngồi quây quần xung quanh trò chuyện, hát hò thấy vui và ấm áp. Chẳng vậy mà mấy đêm nay lạnh, hầu như đêm nào hội chúng tôi cũng nhóm lửa để sưởi”.

Rồi bên đống lửa, những câu chuyện mưu sinh bắt đầu tuôn ra. Chú Thành hơn 30 năm lăn lộn với nghề đạp xích lô bộc bạch với tôi bây giờ không như trước nữa, ít người chọn đi xích lô. Có chăng chỉ khách nước ngoài. Cuộc sống ngày càng khó khăn, thu nhập giảm đi nhiều. “Trước kia, cứ đi ra đường là có khách, kiếm 300-400 ngàn một ngày là bình thường. Còn bây giờ có những hôm tay trắng chạy xe về nhà” - chú Thành nói.

Hơ tay gần ngọn lửa để lấy hơi ấm, chú Thành nói tiếp, hồi đó chạy xe từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm không thấy mệt. Nay tuổi đã quá trung niên, ban ngày nắng quá chạy không nổi, chú chỉ chạy từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng. “Giờ già rồi nhưng tôi cũng chưa muốn bỏ chiếc xích lô đã gắn bó 30 năm trời. Nhờ nghề này mà tôi nuôi nấng bốn đứa con ăn học đầy đủ đấy!” - chú tự hào.

Nghe chú Thành kể chuyện, trong tôi bỗng dâng lên chút ngậm ngùi. Cuộc mưu sinh bây giờ khó khăn quá. Những người lao động hằng ngày phải đối mặt với bao nhọc nhằn, nhưng ở họ vẫn thấy toát lên niềm tin cuộc sống. Dù đống lửa kia có tàn đi thì họ vẫn yêu đời, lòng họ vẫn ấm áp như hơi ấm của ngọn lửa.

Liêu xiêu gánh hàng rong

Hai giờ sáng, tôi đi qua cầu Ông Lãnh để sang quận 4. Vừa đi tới chân cầu, tôi bắt gặp hình ảnh một phụ nữ liêu xiêu gánh thúng hàng rong dưới ngọn đèn vàng. Ngừng xe, tôi xuống hỏi chuyện, sẵn mua ủng hộ chị ổ bánh mì xíu mại.

Chị Như Hương đã 10 năm bán bánh mì đêm. Mưa to gió lớn mấy chị cũng bán, chỉ khi nào bệnh lắm mới nghỉ “vì sợ khách quen la”. Nhiều khách quen cứ tới giờ là ngóng chị. Họ cảm mến cái hương vị bình dị, dân dã của món ăn bao nhiêu thì yêu quý tấm lòng thơm thảo của người bán bấy nhiêu.

Cũng giống chị Như Hương, suốt bốn năm qua đêm nào chị Thảo cũng có mặt tại góc đường Nguyễn Thái Học. Gánh hàng của chị rất đơn giản, một chiếc áo mưa ni lông được trải phẳng phiu, một cái thúng đựng đầy các nguyên vật liệu chế biến bánh tráng trộn.

Vừa dở tay trộn túi bánh cho khách, chị Thảo vừa nói: “Gia đình tôi ở Trà Vinh nhưng dưới đó buôn bán khó quá, làm không đủ ăn. Bốn năm trước, người em họ giới thiệu tôi lên đây bán. Đầu hôm lo chuẩn bị hàng hóa, đến 19 giờ tôi gánh hàng ra đây ngồi bán tới khuya. Ban đầu chưa có mối, chỉ bán được vài bịch mỗi đêm, giờ quen rồi, mỗi đêm bán cũng được 400 ngàn đồng. Khách mua lẻ một bịch cũng có, mà người lấy 10, 20, thậm chí 50 bịch cũng nhiều”.

Lúc chia tay, chị Thảo nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Mình gắn bó với nghề, nghề sẽ không phụ mình. Dù vất vả, cực nhọc nhưng bù lại, thu nhập từ những đêm bán hàng ấy đủ lo cho cuộc sống cả gia đình”.

Thật sự tôi thấy thương cái tấm chân tình và nghị lực của những người bán hàng rong tôi gặp đêm hôm ấy. Điều đáng quý là dẫu khó khăn tới mấy nhưng họ chưa ngày nào bỏ cuộc, chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc vì họ biết nghề không bao giờ phụ mình.

Nhộn nhịp chợ đầu mối

Đêm hôm sau, tôi tiếp tục ra đường vào lúc 0 giờ. Điểm dừng chân lần này là chợ đầu mối Thủ Đức - chợ nông sản lớn nhất Sài Gòn. Hai giờ sáng là lúc chợ rộn ràng nhất. Những chuyến xe chở hàng hối hả ra vào. Người mua kẻ bán lao xao, miệng trả giá còn tay thoăn thoắt chọn cho mình những mặt hàng tươi ngon nhất để về cho kịp phiên chợ sớm.Từng túi rau, củ được buộc sẵn chất đầy bên đường chờ tiểu thương quen đến lấy.

Vất vả nhất có lẽ là những người bốc vác hàng. Nhịp chân của họ luôn hối hả đẩy từng thùng hàng cho chủ, đôi bàn tay thì cố giữ đống hàng phía sau sát lưng để khỏi rơi. Tranh thủ thở sau khi bốc xếp một kiện hàng lớn, anh Mẫu (30 tuổi) tâm sự: “Hàng nông sản không quá nặng nhưng rất cồng kềnh. Khi vận chuyển phải hết sức cẩn thận vì trái cây rất dễ dập. Chủ cửa hàng trả công 10.000 đồng mỗi thùng, một đêm tôi chuyển được khoảng 20-30 thùng. Sợ nhất là những lúc bất cẩn hoặc quá mệt để thùng hàng rơi làm hỏng hết trái cây, mình phải bỏ tiền túi ra đền, coi như mất cả đêm làm việc”.

Những tiểu thương trong chợ cũng vất vả không kém. Lưng ướt đẫm mồ hôi lẫn sương đêm, chị Phan Thị Như Liên, chủ một sạp rau, kể: Hằng đêm phải thức nhận hàng, bán cho khách sỉ xong cũng tới 4 giờ sáng. Ban ngày lại bán hàng cho khách lẻ nên những lúc vắng khách chị đều tranh thủ chợp mắt. Tính ra mỗi ngày chị chỉ ngủ được khoảng 3-4 tiếng.

“Công việc ban đêm là mệt nhất. Cả chủ và lính phải nhận rau, củ rồi nhanh chóng phân loại để đóng thành thùng, sáng còn kịp giao cho khách. Cả đêm gần như ngồi một chỗ, công việc không nặng nhọc nhưng phải tập trung cao độ nên đến sáng ai cũng mệt mỏi” - chị Liên chia sẻ.

Dạo quanh một vòng chợ, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất không phải vì hàng hóa phong phú, giá rẻ mà giữa màn đêm, những người vất vả buôn bán chủ yếu là phụ nữ. Họ quả thật là những “thân cò” mưu sinh trong đêm để lo cho cuộc sống gia đình. Ngày bán lẻ, đêm bán sỉ trở thành thói quen của rất nhiều tiểu thương gắn bó với chợ đầu mối Thủ Đức. Không ngày lễ, không ngày nghỉ và bất kể nắng mưa, cứ thế những người “sống về đêm” vẫn tiếp tục gắn bó với Sài Gòn theo cách đáng quý của mình.

* * *

Càng khám phá đêm Sài Gòn, tôi càng thấm câu “thức đêm mới biết đêm dài”. Mỗi khung giờ đêm, mỗi khu vực ở Sài Gòn sẽ mang tới cho bạn một câu chuyện khác nhau: từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ chuyện ăn chơi đến chuyện mưu sinh. Đêm Sài Gòn thực sự là bức tranh nhiều mảng sáng tối mà mảng nào cũng đáng được khám phá. Điều đó đã tạo nên một nét văn hóa không thể trộn lẫn của thành phố hoa lệ này!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm