Người cha nghiêm khắc của hai kỷ lục gia

Ba tôi, lương y Giang Kiếm Thanh, là một người rất nghiêm khắc. Suốt tuổi thơ mình, tôi hầu như không thấy ông nở nụ cười. Ông cũng ít khi tặng quà cho con cái. Dịp duy nhất phải đợi đến cuối năm, khi ba đứa tôi được lên lớp, ông sẽ tặng mỗi đứa một món đồ chơi. Ba tôi lạnh lùng, mọi cung bậc tình cảm ông giấu hết vào trong. Khi tôi 10 tuổi, gia đình vẫn còn nghèo lắm, tôi ý thức được nên không dám đòi hỏi gì từ ba má. Tôi cảm nhận được những gánh nặng kinh tế mà ba má đang gánh cho nên khi bắt đầu có những đồng lương đầu tiên từ năm 13 tuổi, tôi đã tự lo chuyện ăn sáng của mình.

* * *

Hồi đó, nhà có một chiếc xe cúp 50, ba tôi quản lý kỹ lắm. Để theo dõi hai thằng con trai có sử dụng xe đúng mục đích hay không, ông âm thầm ghi lại số kilomet trên đồng hồ xe trước khi chúng lấy xe đi. Ví dụ hôm nay Cơ nói đi Lệ Thanh, vừa đi vừa về là 8 km. Nếu đồng hồ xe báo đã đi đến 10 km là không yên với ông đâu.

Lúc ấy, Cơ khoảng 17 tuổi, bạn bè nhiều, nhu cầu lấy xe đi chơi với bạn cũng lớn. Trong cái khó ló ra một thằng “Hắc Cơ”! “Hắc Cơ” học chiêu thức qua mặt ông ba ở đâu không biết, hễ đi đúng lộ trình thì không sao, nhưng hôm nào đi chơi thêm là anh chàng thò tay xuống tháo sợi dây contermet ra. Khi về gần tới nhà thì gắn lại. Tuy nhiên, tháo hoài cũng có ngày bị… quên. Thế là cuối cùng “Hắc Cơ” đã bị ông ba truy ra và cho một trận. Chuyện này bây giờ nhắc lại, cả nhà vẫn còn ôm bụng cười.

Ba tôi sống hiền và có một chuẩn mực đạo đức nghiêm cẩn của mình. Khi áp lực cuộc sống quá lớn, ông đã không từ nan bất cứ việc gì. Buổi sáng ông làm ở bệnh viện, buổi trưa, có khi là buổi tối ông đi xịt muỗi cho các khách sạn ngoài quận 1 hoặc những biệt thự ở quận 3. Buổi chiều ông đi diễn Sơn Đông mãi võ. Khi có bệnh nhân gọi, ông cũng đi bất kể giờ giấc. Cật lực từ sáng sớm đến chiều tối để nuôi má tôi đang bị bệnh tim và ba chị em tôi. Chỉ riêng việc ấy thôi, ba đã là thần tượng trong lòng tôi.

Cả nhà tôi nhớ mãi một đêm, khi nhận được thù lao 50 ngàn ở một khách sạn, ông nhét vào túi rất kỹ, về hớn hở khoe với má. Nhưng mò hoài không thấy đâu. Ông tức tốc chạy từ quận 6 ngược ra quận 1, gặp lại người vừa trả tiền công cho mình, để xác định một điều ông gần như chắc chắn dù lòng không muốn. Chú kia bảo đã đưa tiền rồi, ba quay về. Lòng đầy ấm ức, giận mình không cẩn thận. Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, trời thì đang mưa. Ông đi rất chậm, mong là may mắn gặp lại đồng tiền mồ hôi của mình. Xui cho ông, Sài Gòn 2 giờ sáng không vắng vẻ như đường quê. 50 ngàn không hề nằm đâu đó trên bờ cây bụi cỏ. Mất là mất. Về đến nhà, ba tôi nghĩ mọi người đã ngủ, nhưng chị Phụng và má còn thức. Họ nằm im đó nghe tiếng bước chân của ông. Họ nghe ông đi kiểm tra mấy cái lon hứng nước mưa bị dột. Họ ôm nhau khóc trong mùng sau khi má nghe Phụng nói: “Sao nhà mình khổ vậy má, con thương ba quá!”.

Đó là thời gian đầy vất vả của ba má tôi. Ngoài ý thức tiết kiệm và chăm chỉ làm việc, họ không mơ màng một điều gì khác nữa. Đó là cách tốt nhất để nuôi con đủ đầy, cũng là dọn lối để có một cuộc sống an toàn về sau. Tôi vẫn thầm cảm ơn thời gian khốn khó ấy, dù không trải qua một tuổi thơ đủ đầy, giàu có như bạn bè thời đó. Dù ba tôi siết chặt kỷ luật tiền tệ đến mức nào thì gia đình tôi vẫn giữ được một bầu khí quyển yêu thương. Ba má tôi quý trọng đồng tiền, nhưng nó không phải là tối thượng.

* * *

Tuy nhiên, còn một nhóm tính cách khác nữa của ông, tôi nghĩ điều này thật sự đáng giá và ảnh hưởng lớn lao đến sự nghiệp của ba chị em tôi. Đó là tính mẫu mực, nghiêm chỉnh và kỷ luật.

Ba tôi không phải là người giỏi dùng ngôn ngữ để dạy dỗ con cái làm điều hay, điều tốt. Những khi nhà có khách, hay đang ở nhà người khác, tôi chỉ cần nhìn ánh mắt, sắc mặt ba là biết ông có đang vừa ý hay tức giận gì không.

Căn nhà xưa cũ nhất của gia đình mà tôi còn nhớ, chừng 15 mét vuông, trong một con hẻm rất nhỏ. Cửa nhà này cách cửa nhà đối diện chưa tới 2 m. Lúc đó nghèo, nhà làm gì có tivi, tụi tôi hay xin ba cho qua nhà hàng xóm coi ké. Xin 5 phút, ông đồng ý, hết 5 phút tôi vẫn ngồi dán mắt vô tivi, lưng quay về hướng nhà mình. Tức thì pặc một cái vô lưng, là giấy xếp được bắn bằng dây thun. Biết là ai liền, tôi nhanh miệng xin thêm 2 phút. Đồng ý 2 phút, lố qua 3 giây là pặc một cái nữa. Tôi cun cút đi về, không dám nhìn mặt ba vì sợ. Tôi sợ cái thần thái cương nghị, quyết liệt của ông.

Hồi tôi năm tuổi, cũng chiêu thức bắn dây thun ấy, ông dạy tôi sức bền khi trồng chuối. Con nít nhiều khi lười biếng, ham chơi, chỉ cần ba lơ là một chút là xả thế, thò hai chân xuống. Ông ngồi từ xa quan sát, chân vừa chạm đất là pặc một cái, tôi lật đật bật chân lên cho đủ “giáo án” của ông. Đứa nào hư ông cũng sẽ phạt bằng cách bắn dây thun. Tùy mức độ phạm tội, ông sẽ tuyên bố: ba phạt năm sợi dây thun. Thế là đứng cách ông ba mét, nhìn ông cong cong ngón tay giơ thun lên. Ông sẽ bắn từ đầu gối trở xuống, ông cho phép nhảy, đứa nào né được, ông sẽ tính là chịu phạt xong. Bắn dây thun là một… thú vui của ông. Mỗi khi xòe bàn tay trái năm ngón ra căng sợi dây thun, ngón út của ông cong cong nhìn vừa bực vừa ghét không chịu nổi. Nhưng phải thừa nhận ông là một tay thiện xạ. Muốn bắn vô mục tiêu nào là trúng ngay chóc. Vài năm bắn dây thun, có vẻ chán, hai thằng con cũng không còn sợ nữa, ông chuyển qua dùng súng cao su!

Chuyện ông dùng súng cao su xin được kể vào dịp khác vì giới hạn trang báo không cho phép tôi dông dài. Ba tôi bắn dây thun hay là dùng súng, có lẽ, vì điều lớn lao nhất mà ông muốn hướng tới là ý chí, là tinh thần mạnh mẽ phải được nuôi dưỡng và xanh tốt trong cốt cách của anh em chúng tôi. Sau này khi có được Hùng Tâm, tôi đã dần dần nhận ra được điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm