Xử lý ra sao khi kính lái ô tô bị rạn nứt?

Kính chắn gió là một bộ phận rất quan trọng trên xe hơi, nó giống như đôi mắt của chiếc xe, giúp cho người dùng đảm bảo tầm nhìn phía trước, che chắn gió mưa bụi bặm. Kính lái bảo vệ an toàn cho người lái và hành khách trong xe khi gặp các tình huống va chạm trực diện. Nó cũng là một bộ phận quan trọng góp phần vào độ cứng vững của kết cấu xe.

Vừa qua, trên mạng xã hội vừa chia sẻ cũng một tài xế, vì đậu xe dưới cây dừa, bị quả dừa rớt và làm nứt vào phần kính lái. Kính lái ô tô ở Việt Nam hàng ngày đối mặt với rất nhiều nguy cơ rình rập, chủ yếu do hạ tầng cơ sở và ý thức giao thông kém, một số những tình huống bất ngờ, ví dụ phổ biến gây nứt kính chắn gió là đi sau một xe tải chở đá, hoặc xe bạn lưu thông trên con đường nhiều đá dăm. Chỉ một viên đá nhỏ văng lên từ lốp chiếc xe đi trước cũng đủ để gây nên một viết nứt nhỏ hoặc xước trên kính lái của bạn. Hay khi đi ô tô tại những vùng đông dân cư, vô tình trẻ con ném sỏi, đá đùa nghịch, văng vào xe khá phổ biến và để lại những hậu quả nguy hại.

Tác nhân gây ra vết rạn nứt cho kính lái. Ảnh:Internet.

Khi kính lái bị rạn nứt, trước hết, việc cần làm là đo kích thước vùng nứt, rạn của kính. Nếu vết rạn ngắn hơn 30 cm chiều dài, hoặc vết tròn bằng một đồng xu, bạn có cách xử lý mà không cần phải thay cả kính.

Nếu vẫn muốn lái xe trước khi sửa chữa vết nứt, rạn trên kính, cần đảm bảo vết rạn đó không ảnh hưởng đến tầm nhìn khi lái xe.

Không nên để bụi bẩn lọt vào vết nứt. Vì khi bụi vào các vết nứt đó sẽ rất khó “vá kính”, thông thường do bụi bẩn sẽ làm cho dung dịch sử dụng để “vá kính” không sử dụng được hiệu quả. Chúng ta cần lau sạch chỗ nứt, dán băng keo trong lên vết nứt ở cả 2 mặt kính. Một mẹo nhỏ mà chúng ta có thể sử dụng được là dùng sơn móng tay không màu quét tạm thời lên vết nứt trước khi mang đi sửa chữa, sơn móng tay dễ rửa sạch hơn là bụi bẩn.

Trường hợp vết nứt nhỏ, người dùng nên liên hệ dịch vụ để sửa càng sớm càng tốt, tránh để vết nứt lan rộng sẽ khó xử lý và tốn kém hơn. Hiện có rất nhiều dịch vụ xử lý vết rạn trên kính lái chuyên nghiệp và an toàn, thẩm mỹ tại một số cửa hàng sữa chữa xe trên cả nước.

Một nguyên nhân dẫn đến các vết xước của kính lái là do cần gạt nước mưa. Vì vậy muốn bảo vệ kính không bị xước, cần thay lưỡi gạt mưa ngay khi thấy gạt nước không sạch hoặc đã quá cũ. Không đổ nước thường vào bình nước rửa kính, phải sử dụng dung dịch rửa kính đảm bảo chất lượng với tỷ lệ đúng theo hướng dẫn. Việc mua dung dịch này người dùng nên tham khảo ý kiến của các hãng xe hay các đại lý uy tín, tránh mua các dung dịch kém chất lượng làm ảnh hưởng tới kính lái của xe.

Thay thế gạt cần mưa nếu nó quá cũ. Ảnh:Internet.

Nếu kính lái bị rạn nứt lớn, nên đem xe đến nơi có dịch vụ sửa kính, thay kính chuyên nghiệp thay vì đến một gara sửa chữa bảo dưỡng chung. Họ sẽ biết cách tư vấn cho bạn nên sửa kính hay nên thay, đồng thời họ có đủ dụng cụ và cách làm chuyên nghiệp để sửa vết nứt trên kính lái của xe.

Các chuyên gia ô tô khuyên rằng, khi kính đã rạn, nứt phải xử lý, không nên cố lờ chúng đi dù vết nứt nhỏ bao nhiêu đi nữa. Đặc biệt, không nên cố lái xe nếu vết nứt dài hơn 30 cm và vết rạn tròn lớn hơn 1 đồng 25 xu Mỹ, vì sự an toàn của chính bản thân bạn cùng những người tham gia giao thông khác. Đồng thời, không nên tự sửa vết nứt theo cách của mình, thay vào đó nên thay toàn bộ kính lái.

Giá kính lái mới khoảng hơn 5 triệu đồng. Ảnh:Internet.

Nếu kính đã nứt, rạn, cũng không nên bật điều hòa quá lạnh khi trời nóng và ngược lại. Chênh lệch nhiệt độ lớn có thể làm cho kính nứt vỡ nhanh hơn và nhiều hơn. Nếu chạy xe ở những nước hàn đới trong mùa đông và kính bị đóng băng, cần làm ấm xe lên từ từ. Tuy nhiên, nhiệt độ thời tiết tại Việt Nam, chỉ xảy ra như vậy trong trường hợp mùa hè, còn mùa đông không bị ảnh hưởng quá lớn. Vì vậy, khi kính đã bị nứt, cố gắng không đỗ xe nơi quá nóng và trực tiếp dưới ánh mặt trời. Nên đỗ xe dưới hầm, trong bóng cây, nếu không phải che phủ xe. Nhiệt độ cao sẽ làm vết nứt trên kính xe của bạn tệ hơn nữa.

Đừng sập mạnh cửa hoặc cốp, do chân không bên trong cabin sẽ tạo ra áp lực bất ngờ lên kính lái. Khi cần đóng mở cửa, hãy hạ một chút kính cửa sổ xuống để tránh áp lực.

Nếu vẫn quyết định chạy xe khi kính đã rạn vỡ, lưu ý không đóng mở mạnh các cửa, đi vào đường xóc nảy nhiều, đi tốc độ cao. Điều này chỉ làm vết nứt tệ hơn và không an toàn cho bạn.

Khi phải thay kính, đừng ham rẻ mà lựa chọn kính rẻ, nguồn gốc không đảm bảo. Loại kính đó có chất lượng rất kém, khả năng chắn gió không được tốt, hình ảnh bị gấp khúc, khả năng tản nhiệt, cách âm cũng kém hơn.

Giá thay thế một chiếc kính lái khoảng hơn 5 triệu đồng, tùy vào từng loại xe.

Kính lái là bộ phận giúp cho người lái xe quan sát và gạt những khó khăn trong tầm nhìn của mình. Vì vậy, hãy biết cách chăm sóc kính lái tốt để tham gia giao thông được an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm