Xe nào cho người khuyết tật?

Theo Phụ lục số 1 tại Thông tư liên tịch 24/2015, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10-2015, người có một trong các tình trạng bệnh tật sau đây thì không đủ điều kiện lái xe hạng A1 (trên 50 cm3): Liệt vận động từ hai chi trở lên; cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).

Khó khăn cho người khuyết tật

Bà Lưu Thị Ánh Loan, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), cho rằng quy định này sẽ gây cản trở không nhỏ đối với việc hòa nhập xã hội, mất đi khả năng sinh tồn và sự tự lập của người khuyết tật (NKT). Hiện nay phần lớn NKT đang sử dụng xe máy hai bánh hoặc được cải tiến thành ba bánh (tùy theo điều kiện sức khỏe của họ) để đi học, đi làm và tham gia các hoạt động xã hội khác. “thiết nghĩ Bộ Y tế và Bộ GTVT nên xem xét và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa năng lực của họ bằng cách nghiên cứu các thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển phù hợp với điều kiện sức khỏe của NKT. Đồng thời tổ chức những lớp học luật giao thông và cấp giấy phép lái xe cho NKT theo quy định của Luật NKT Việt Nam”- bà Loan nói.

Bà Phạm Thị Phương Thy (36 tuổi, ở Gò Vấp, TP.HCM), bị khuyết một cánh tay trái, cho biết Công ước về quyền của NKT mà Việt Nam đã phê chuẩn có nội dung “khuyến khích các cơ sở sản xuất các phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ đi lại hãy xem xét tới tất cả khía cạnh đi lại của NKT”. “Vậy tại sao Nhà nước không khuyến khích các cơ sở chế tạo xe máy dành riêng cho NKT. Không cho họ điều khiển xe máy trên 50 cm3 đồng nghĩa với việc họ bị đẩy ra khỏi cộng đồng?” - bà Thy thắc mắc.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (liệt hai chân) vẫn điều khiển được xe máy trên 50 cm3 gắn thêm một bánh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Xe tự chế không được cấp phép

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết Nghị quyết 05 của Chính phủ đã quy định: “Không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe cơ giới ba bánh (…). Riêng xe tự chế dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật (không chở thêm người và hàng hóa) chỉ được phép lưu hành đến năm 2008”. Như vậy, theo ông An, xe ba bánh do người dân tự chế đương nhiên không nằm trong danh mục đăng kiểm, do đó cơ quan chức năng không thể cấp phép lưu hành.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tuấn Đống, Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thông tư này quy định tiêu chuẩn sức khỏe của lái xe chung cho cả NKT và người lành. Theo đó, những trường hợp cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân vẫn có thể đủ tiêu chuẩn sức khỏe lái xe. Còn đối với trường hợp bị cụt hai chi (hai chi dưới hoặc một chi trên, một chi dưới) thì không đủ tiêu chuẩn lái xe để bảo đảm an toàn tính mạng của chính NKT cũng như người  đi đường. Một điểm lưu ý là thông tư này không áp dụng cho người lái mô tô hai bánh có dung tích xilanh dưới 50 cm3. “Như vậy, NKT không đủ điều kiện sức khỏe lái mô tô hai bánh có dung tích xilanh trên 50 cm3 và ô tô các loại thì có thể điều khiển những mô tô hai bánh cải tiến có dung tích xilanh dưới 50 cm3” - ông Đống giải thích.

Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thứ hai, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, nếu người bị liệt hai tay, liệt hai chân… khi cải tạo, thiết kế lại xe thì để được tham gia giao thông, xe đó phải đáp ứng được các quy định về bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi được biết là chưa có người bị liệt hai tay, liệt hai chân... có yêu cầu cải tạo, thiết kế lại xe để đề nghị phê duyệt, cấp phép và tiến tới xin lái xe.

Ông LÊ TUẤN ĐỐNG, Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

___________________________________

Nếu áp dụng Thông tư liên tịch 24/2015, tôi e nhiều NKT sẽ rơi vào tình trạng không công ăn việc làm, sống dựa vào gia đình. Điều này vô tình đẩy họ vào hoàn cảnh khốn khó.

Ông NGUYỄN TIẾN TOÀN, Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất
xe lăn tay Kiến Tường (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm