Xe khách giường nằm: Vì sao dễ cháy, chết nhiều người

Tự cháy

Khoảng 14 giờ ngày 23-4, xe giường nằm 40 chỗ biển số 51B-00.444 đang đậu trước cửa khách sạn trên đường Phan Chu Trinh, TP Vũng Tàu thì bất ngờ tự bốc cháy. Tại thời điểm cháy, trên xe không có người, toàn bộ khách cùng tài xế đang nghỉ bên trong khách sạn. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chạm mạch điện bên trong xe, tất cả cửa xe đóng kín, thời tiết bên ngoài nóng nực.

Khoảng 15 giờ 30 ngày 14-4, xe giường nằm 51B-109.55 chuyên chạy tuyến Quảng Bình - TP.HCM đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, đoạn thuộc đèo Lò Xo, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum bất ngờ phát cháy. Theo tài xế, khi xe đang chạy thì phát hiện khói bốc từ dưới gầm, kèm theo mùi khét. Tài xế cho dừng xe và yêu cầu tất cả 30 hành khách di chuyển ra khu vực an toàn. Một lúc sau, toàn xe bùng cháy dữ dội và cuối cùng chỉ còn trơ khung.

Xe khách giường nằm: Vì sao dễ cháy, chết nhiều người ảnh 1
Xe giường nằm lắp thùng dầu ở phần đầu xe chứa nhiều nguy hiểm do chập điện hoặc cháy nổ khi có va chạm.

Theo ông Đỗ Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-01S, nguyên sĩ quan điều tra tai nạn liên quan đến xe ô tô của PC 67, Công an TP, hai chiếc xe trên thuộc loại xe giường nằm 40 chỗ. Đây là loại xe có thùng dầu diesel nằm phía trước của bánh trước bên trái, dưới ghế của người lái và rất gần với hộp điều khiển điện trung tâm.

“Dầu diesel rất khó bắt lửa, khó cháy nhưng khi trời nắng nóng dù xe đứng yên hoặc đang chạy mà đường dẫn dầu bị hở kết hợp với dây dẫn điện bị chập, tạo tia lửa cũng sẽ làm cho ống dẫn dầu diesel từ ngún lửa đến phát cháy. Thực tế, có nhiều xe dạng này khi bị đứt cầu chì đã không được thay bằng cầu chì khác mà được lái, phụ xe hoặc thợ ở các garage nối dây trực tiếp luôn. Khi các dòng điện từ hộp điều khiển trung tâm bên tay trái người lái quá tải bị đoản mạch, phát lửa gây cháy cho các vật liệu gần kề rồi lan nhanh xuống thùng dầu bên dưới!’ - ông Đông cho biết.

Anh tài cô đơn

Xe khách giường nằm phổ biến hiện nay là loại 40 hoặc 43 chỗ, trong đó có 2-3 chỗ ngồi của người lái, phụ xe hoặc hướng dẫn viên. Xe khách giường nằm được các nước gọi là xe buýt ngủ (sleep bus) hoặc xe khách đêm (night car).

Tại Việt Nam, loại xe này được dùng nhiều trên các tuyến đường có cự ly từ trên 300 km và vài năm qua nó thường chạy về đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách lên xe ngủ, sáng hôm sau đến nơi xuống xe đi làm việc luôn. Cũng từ vài năm qua, khi đã được khách dần ưa chuộng, loại xe này được dùng trên cả các tuyến đi miền Trung, miền Bắc với cự ly từ trên 500 đến 1.500 km, nghĩa là phải chạy cả ngày lẫn đêm.

Theo ông Lê Hồng Việt, phó chánh thanh tra Sở GTVT, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe giường nằm thường xảy ra về đêm gần sáng. Đây là thời điểm phần lớn khách, phụ xe hoặc hướng dẫn viên (nếu có)… đã ngủ. Thiết kế của xe chỉ có một ghế ngồi ở cửa lên xuống đã giành cho phụ xe (đã ngủ), không có ghế gần bên tài xế để cho người khác (tiếp viên hoặc người thân của lái xe) ngồi làm tỉnh táo viên, trò truyện nên trong tình trạng cả xe đã ngủ thì lái xe trở thành anh tài cô đơn và cũng dễ bị “lây” cơn mắc ngủ, tai nạn dễ ập đến.

“Với xe ghế ngồi hoặc xe ghế bật nằm, số người ngủ say rất ít nên còn có người thức để có thể nhắc đường cho lái xe. Với xe giường nằm thì số người ngủ say lúc gần sáng nhiều hơn nên khi đó các anh tài cô đơn dễ mắc lỗi gây tai nạn nhiều hơn!” -ông Việt nhận xét.

Xe khách giường nằm: Vì sao dễ cháy, chết nhiều người ảnh 2
Hai xe bị tai nạn ở Bình Thuận ngày 22-5 đều có thùng dầu nằm phía trước nên sau va chạm xảy ra cháy lớn, chết và bị thương nhiều người.

Hai mặt của dây đai

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, trước đây thùng dầu của các loại xe khách từ trên 40 chỗ được lắp ở khoảng giữa hai bánh trước và sau. Nhưng vị trí này lại quá gần với máy lắp ở cuối đuôi xe nên dễ bị hấp nhiệt gây nóng cho thùng dầu. Hiện nay, phần lớn xe khách, trong đó có xe giường nằm đã được các hãng chuyển thùng dầu lên lắp ở trước như nêu trên. Nhưng vị trí này lại ẩn chứa nguy cơ cháy nổ thùng dầu cao khi có va chạm giữa xe với xe (bên hông hoặc đối đầu)

Ông Hùng cũng nhận xét, khi đã xảy cháy nổ ở phần đầu xe thì sức lan cháy toàn xe giường nằm rất nhanh. Vì lẽ ngoài các loại mốp, xốp cặp bên thành khung xe để làm lạnh trong xe nhanh và giữ nhiệt lâu thì các xe giường nằm còn có đệm lót suốt chiều dài của giường!

“Xe ghế ngồi chỉ có nệm lót từ ghế ngồi đến lưng, còn xe giường nằm thì nệm lót suốt từ chân lên đầu nên khối lượng vật liệu dễ cháy trên xe tăng lên rất lớn. Cạnh đó, trên các xe giường nằm còn có thêm cả gối và mền đắp cho khách nên khi xảy cháy nó trở thành vật bắt lửa!” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, dây đai an toàn gắn bên từng giường nằm có tính hai mặt. Khi xe va đụng, khách bị choáng và tư thế nằm làm cho người ta khó phán đoán, định phương hướng hơn là ở tư thế ngồi. Nếu trước đó khách không được hướng dẫn các thao tác tháo dây đai, đập cửa kính, rơi vào lúng túng, mất bình tĩnh thì chính chiếc dây đai lại trở thành dây cột hành khách chặt xuống giường.

“Khi xe đã cháy ở phần đầu, khói tràn dọc trong xe mà khách không kịp tháo dây đai, thoát khỏi giường thì chỉ cần 2-3 phút là ngạt. Thực tế, khám nghiệm hiện trường, nhiều khách chết vì ngạt trước khi chết vì cháy rụi cùng với vết dây đai vẫn hằn in trên bụng, ngực và thành giường!” - ông Hùng nói.

Nên giảm số giờ lái xe liên tục

Theo ông Lê Hồng Việt, quy định không được lái xe khách liên tục bốn giờ và không quá 10 giờ/ngày là không còn phù hợp. Vì với đặc điểm cầu, đường, thói quen lưu thông ở Việt nam thì số giờ ôm vô lăng trên là quá dài, người lái mất tỉnh táo, phản ứng không nhanh. Theo ông Việt, nên quy định người lái chỉ được lái hai giờ liên tục và buộc phải dừng nghỉ trên đường hoặc thay người lái khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm