Thói quen cứu mạng khi qua giao lộ

 

Không bao giờ vượt xe khác tại giao lộ dù khuất tầm nhìn ở bất kỳ hướng nào

Theo thông tin từ trang Roadtrip tại Mỹ, giao lộ là nơi nguy hiểm nhất đối với bất kỳ lái xe nào. Thống kê cho thấy có tới hơn 80% số vụ tai nạn giao thông ở các thành phố là xảy ra ở các giao lộ. Nguồn tin trên cũng kết luận rằng trong số những vụ tai nạn ôtô tại giao lộ thì phần lớn là bị đâm vào mạn sườn xe.

Nhưng mỗi lái xe cần làm gì, trước tiên là để đảm bảo tính mạng cho bản thân và tiếp đó là bảo vệ sự an toàn cho những người xung quanh?

1. Giảm tốc và liếc trái trước tiên

Tháng 3/2013: Một chiếc xe taxi đã bị một xe hai bánh chạy tốc độ cao vượt đèn đỏ đâm vào cánh cửa bên lái khi đi qua ngã tư Trường Trinh – Tôn Thất Tùng (Hà Nội). Hậu quả là người đi xe máy bị thương nặng, còn xe taxi bị bẹp rúm cánh cửa.

Hiển nhiên là bạn được đi khi đèn xanh, nhưng hãy giảm tốc độ hoặc xuất phát thật từ từ nếu trước đó dừng đèn đỏ, liếc nhanh hướng bên trái trước, rồi liếc bên phải, rồi lại liếc bên trái một lần nữa, bởi nguy hiểm sẽ đến từ bên trái trước (với hệ thống giao thông đi bên phải).

Nếu giao lộ khuất tầm nhìn, thì tốc độ phải giảm tới mức lái xe có thể kịp phản ứng khi có xe chạy cắt ngang từ bên trái, rồi tiếp đến là bên phải. Tuyệt đối không đi qua giao lộ nếu chưa nhìn rõ hai hướng ở đường cắt ngang.

2. Quan sát và phán đoán xung quanh

Tháng 6/2013: Một thành viên diễn đàn OF đã gây tai nạn cho một xe máy đi cùng chiều khi người lái xe máy bất ngờ rẽ trái mà không bật xi-nhan ở gần Sao Đỏ - Hải Dương. Người đi xe máy bị ngã, nhưng rất may là chỉ bị thương nhẹ.

Trong số những xe ở hướng đi ngược lại chuẩn bị qua giao lộ, rất có thể có những lái xe lơ đễnh quên bật xi-nhan hoặc có bật nhưng rất muộn (đặc biệt là xe hai bánh). Xe đi cùng chiều cũng vậy, họ có thể rẽ bất chợt trước mặt bạn mà không xi-nhan, thậm chí thực tế đã có trường hợp bật xi-nhan một bên nhưng lại rẽ bên kia. Chính vì vậy, bạn cần phán đoán hành vi của họ qua ánh mắt, cử chỉ của đầu hoặc qua bánh trước chứ không nên quá tin vào đèn tín hiệu và luôn chuẩn bị sẵn sàng phanh gấp.

3. Phanh “nhại” xe bên cạnh che tầm nhìn

Tháng 11/2012: Lái xe của một chiếc Hyundai Getz đã hú hồn khi tránh được vụ va chạm tại ngã tư phố Huế - Trần Nhân Tông (Hà Nội). Chị vô tình không nhận thấy là chiếc xe buýt đi bên cạnh đang phanh do có một xe hai bánh rẽ trái từ làn xe máy.

Đây có lẽ là từ khá mới đối với nhiều người khi tham gia giao thông, nhưng lại là mấu chốt để giúp bạn thoát khỏi những vụ tai nạn đáng tiếc. Khi đang đi song song với một chiếc xe khác khiến bạn bị khuất tầm nhìn ở giao lộ từ bất kỳ một hướng nào, nếu thấy xe đó phanh/giảm tốc thì bạn nhất định phải phanh/giảm tốc theo xe đó. Lý do là lái xe đó đã quan sát thấy trước một mối nguy hiểm đang tới nên xử lý (phanh) hoặc đề phòng (giảm tốc). Chỉ vượt xe khác khi bạn nhìn rõ khả năng an toàn từ mọi hướng.

4. Quan sát tất cả các làn đối diện khi rẽ trái

Tháng 4/2013: Một chiếc xe 4 chỗ đã va chạm với một xe hai bánh ngay sau khi rẽ trái cắt đầu một xe 7 chỗ khác tại giao lộ Nguyên Hồng – Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Rất may là va chạm nhẹ nên không thiệt hại về người.

Cắt đầu một xe khác khi rẽ trái hoặc quay đầu là bạn đang tự đặt mình vào tình huống cực kỳ nguy hiểm. Xe bị cắt đầu có thể nhường bạn và phanh kịp, nhưng các xe đi ngay sau xe đó ở làn bên cạnh có thể sẽ không nhìn thấy bạn và ngược lại bạn cũng không thấy họ do chiếc xe bị bạn cắt đầu che khuất. Thường trong những tình huống này, khoảng cách di chuyển giữa các xe là rất ngắn, lại rất bất ngờ, nên khả năng xảy ra va chạm rất cao.

5. Đặc biệt chú ý các điểm mù

Cuối năm 2012: Một chiếc Camry khi rẽ phải từ Dương Đình Nghệ ra Phạm Hùng (Hà Nội) đã va chạm với một xe hai bánh đi cùng chiều. Người lái xe hai bánh bị thương nhẹ, còn xe ôtô bị móp cửa bên phụ.

Khi rẽ phải, tâm lý của nhiều lái xe là chủ quan do nghĩ rằng mình đã đi sát bên phải của làn ngoài cùng và bật xi-nhan từ trước đó. Trong khi đó, nhiều xe hai bánh đi bên cạnh sẽ không thấy ôtô bật đèn tín hiệu, đặc biệt là các dòng xe không tích hợp đèn xi-nhan trên gương ngoài, hoặc có thấy nhưng không kịp tránh. Người lái ôtô thì nhiều khi chỉ liếc gương chiếu hậu, mà quên mất rằng có những phương tiện khác đi ngay bên cạnh nhưng không nhìn thấy qua gương.
 

Theo Autocar Vietnam

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm