Sử dụng lốp dự phòng như thế nào để không lãng phí?

Lốp xe là bộ phận quan trọng đối với một chiếc ô tô, nếu không biết cách kiểm tra thường xuyên sẽ dễ dẫn đến hư hỏng hoặc nổ lốp. Thông thường, khi mua một chiếc ô tô mới, các hãng sẽ tặng kèm lốp ô tô dự phòng cho khách hàng. Nhưng nhiều người lại không biết cách tận dụng chiếc lốp này, vì họ cho rằng nó không chất lượng bằng những chiếc lốp chính. Hoặc chỉ khi xảy ra sự cố, cần lắm mới sử dụng đến nó.

Anh Quang Trung (quận Tân Bình) thắc mắc: “Khi mua xe, tôi cũng được tặng kèm theo chiếc lốp dự phòng nhưng chưa có cơ hội nào để dùng tới, lốp dự phòng chưa chạm đất. Không biết để trong cốp 2-3 năm có bị hư hỏng gì không?”.

Lốp dự phòng rất tiện dụng và hữu ích. Ảnh: Internet

Lốp xe dự phòng thường được làm từ cao su, nên cách sử dụng của nó cũng tương tự như lốp xe chính bình thường.

Khi lốp xe để lâu không được sử dụng, cao su sẽ nhanh bị lão hóa, mất tính đàn hồi tạo ra do ma sát khi chạy trên đường. Cách sử dụng tốt nhất là thỉnh thoảng lấy lốp xe dự phòng thay đổi để đảm bảo chiếc vỏ dự phòng này được sử dụng định kỳ.

Theo khuyến cáo của hầu hết các nhà sản xuất lốp, vỏ xe dù chạy ít chưa bị mòn cũng cần phải thay sau sáu năm; vỏ xe còn mới tinh không dùng đến vẫn phải bỏ sau 10 năm. Đó là lý do vì sao trên vỏ xe bắt buộc phải in tuần thứ tự/năm sản xuất để khách hàng biết mà có sự chuẩn bị phù hợp.

Nhiều người đi đường dài bị xịt lốp và phải sử dụng lốp dự phòng để thay thế nhưng họ thay vì sử dụng lốp dự phòng như phao cứu sinh thì lại sử dụng quãng đường dài hơn quy định của nhà sản xuất.

Vì lốp dự phòng được sử dụng không thường xuyên nên các nhà sản xuất ô tô đã sử dụng lốp hẹp, nhỏ gọn để tiết kiệm không gian và trọng lượng. Tất nhiên, lốp dự phòng là một phao cứu sinh khi lốp xe chính bị thủng nhưng sử dụng chiếc lốp xe tạm thời này dài hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ gây ra một loạt các vấn đề.

Đầu tiên, lốp dự phòng không bền như lốp bình thường. Sức mạnh thực sự của lốp xe xuất phát từ lớp thép và polyester bên dưới lớp cao su. Thông thường, lốp dự phòng có các lớp này ít hơn lốp xe chính. Một lốp dự phòng vì cần tiết kiệm không gian nên chỉ có một nửa số lớp thép và polyester so với lốp thường. Điều này hạn chế rất nhiều khả năng chống thủng và khả năng vào cua.

Anh Trần Vũ, chủ cửa hàng sửa chữa ô tô trên đường An Dương Vương, quận 5, khuyên rằng: “Tới khoảng 20.000 km chúng ta nên đảo chéo bốn bánh: Lốp sau phụ lên trước tài, lốp sau tài lên trước phụ, tương tự lốp trước tài xuống sau phụ và lốp trước phụ xuống sau tài”.

Tuy nhiên, theo anh Vũ, thay vì đưa lốp sau phụ lên trước tài thì sẽ lấy lốp này chuyển sang dự phòng, lốp dự phòng mới tinh nên đưa vào trước tài luôn. Kể từ thời điểm này thì lốp dự phòng sẽ được thay đổi mỗi khi vá những lốp kia hoặc thay đổi theo định kỳ, tốt nhất là nên được sử dụng thường xuyên.

Chạy tiếp cho đến lúc chuẩn bị thay vỏ, chọn hai trong năm vỏ (kể luôn lốp dự phòng) còn độ bền tốt nhất đưa vào lốp cho hàng sau, mua ba vỏ mới đưa vào trước và làm dự phòng. Đến đây nếu xe vẫn còn chạy tốt thì lại đảo, lại mua vỏ tiếp.

Lốp dự phòng có thể mang theo dưới gầm ô tô. Ảnh: Internet

Thông thường, kích thước của lốp dự phòng thường nhỏ hơn các lốp chính. Bởi vì các nhà sản xuất mong muốn đem lại sự tiện dụng cho người dùng, có thể để cốp xe, phía sau đuôi xe hoặc dưới gầm xe.

Tuy nhiên, vẫn có một số loại xe có lốp dự phòng cùng kích thước với lốp chính, nhằm đảm bảo xe vẫn có thể liên tục hành trình mà không bị gián đoạn khi lốp chính gặp sự cố. Công nghệ phát triển khiến thế giới sinh ra nhiều loại lốp khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm