Phạt vi phạm giao thông cao, dân bỏ xe

Góp ý về việc sửa đổi quy định xử phạt vi phạm giao thông, ngày 30-9, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cân nhắc việc tăng mức phạt tiền quá cao sẽ dẫn đến một số bất cập.

Phạt cao có thể hành dân

Theo đó, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền tăng cao quá so với quy định hiện hành là không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Mức phạt tăng mạnh cũng không phù hợp với mức sống trung bình của người dân. Theo Bộ Công an, việc tăng mức phạt tiền quá cao sẽ dẫn đến việc khi phát hiện vi phạm, lực lượng CSGT phải chuyển vụ việc lên cấp trên để ra quyết định xử phạt.

Hệ lụy dẫn đến không chỉ việc xử phạt khó khăn mà còn gây phiền hà cho người dân. Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM dẫn chứng khi phát hiện xe vi phạm chở quá tải trên 150% thì theo dự thảo, Trưởng phòng PC67 sẽ không được phép ra quyết định xử phạt. “Mức phạt theo đề xuất đối với hành vi trên là 60 triệu đồng (đối với tổ chức), trong khi theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trưởng phòng chỉ phạt đến mức tối đa là 25 triệu đồng” - vị này nói.

Do đó, vụ việc sẽ phải chuyển lên giám đốc Công an TP hoặc cục trưởng Cục CSGT hoặc chủ tịch UBND TP. “Khi mức phạt bị đẩy lên cao thì người vi phạm sẽ cương quyết buộc người thi hành công vụ phải chứng minh hành vi vi phạm. Từ các yêu cầu này, các đội CSGT, thậm chí cấp phòng phải giải trình về đề xuất mức phạt. Chưa hết, thời gian từ lúc lập biên bản đến lúc có quyết định xử phạt sẽ kéo dài, không chỉ là trong vòng bảy ngày (hoặc 30 ngày khi có khiếu nại)… Quy trình chứng minh, giải trình, thủ tục đòi hỏi phải đầy đủ và thời gian ra quyết định xử phạt ở mức cao sẽ kéo dài nên CSGT sẽ rất ngán. Sự chậm trễ còn dẫn đến người dân phải chờ đợi kéo dài để có được quyết định xử phạt” - vị này nói.

Sắp tới, người lái xe máy có nồng độ cồn vượt quy định có thể sẽ bị phạt 1,5 triệu đồng, thay vì hiện chỉ phạt 750.000 đồng. Ảnh: LƯU ĐỨC

Không bỏ phạt alô khi lái ô tô?

Bộ Công an cũng nhận định thực tiễn trong thời gian qua có những trường hợp khi phát hiện vi phạm, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, tạm giữ phương tiện vi phạm nhưng mức tiền phạt cao hơn giá trị của phương tiện nên người vi phạm bỏ xe, không đóng phạt. Tuy vậy, Bộ Công an cũng đề nghị Bộ GTVT (đơn vị chủ trì soạn thảo, trình dự thảo quy định xử phạt mới) rà soát toàn bộ dự thảo nghị định để điều chỉnh mức phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như chạy quá tốc độ, uống rượu bia quá nồng độ quy định vẫn điều khiển xe; tránh, vượt sai quy định; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển hoặc người kiểm soát giao thông…

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, đồng tình với đề nghị tăng mức phạt đối với một số lỗi cố ý của người lái xe. “Những vi phạm này chiếm tỉ lệ cao trong các vụ tai nạn giao thông (70%-80% số vụ tai nạn). Do vậy, Ban An toàn giao thông TP đã đề xuất tăng mức phạt tiền lên 200% so với hiện hành” - ông Tường nói với PV vào chiều 2-10.

Một trong các đề nghị khác của Bộ Công an là bỏ quy định xử phạt với người điều khiển ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe. Lý do, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không cấm người điều khiển ô tô sử dụng điện thoại di động. Mặt khác, trong thực tiễn việc xử phạt hành vi này khó khả thi. Tuy vậy, trao đổi với Pháp Luật TP.HCMchiều 2-10, một cán bộ của Bộ GTVT là thành viên ban soạn thảo dự thảo nghị định vẫn bảo lưu quy định này. “Luật Giao thông đường bộ đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đưa quy định này vào. Ngoài ra, Việt Nam vừa gia nhập Công ước Quốc tế Viên 1968 về giao thông đường bộ nên dự thảo nghị định có “đi trước” cũng phù hợp” - vị này nói.

Không ít địa phương có “xe vua”

Ngày 2-10, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trật tự an toàn giao thông chín tháng đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết trong các tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương đều giảm so với cùng kỳ. Tuy vậy, trong chín tháng đầu năm 2015, cả nước có gần 16.460 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.500 người, bị thương 14.930 người.

Cũng theo ông Thăng, ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM đã được cải thiện, đặc biệt không có ùn tắc nghiêm trọng. Nhưng do lượng xe đông đúc nên ùn ứ kéo dài vẫn diễn ra tại các tuyến đường.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng tai nạn giao thông đã giảm ba tiêu chí nhưng tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt lại tăng cao. Ngoài ra, tình trạng xe quá tải vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các vùng có nhiều mỏ vật liệu. Từ đó, nhiều đại biểu đề nghị lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và xử nghiêm các vi phạm.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc kiểm soát xe quá tải ở một số địa phương vẫn lơ là, đặc biệt còn tình trạng một số lực lượng chức năng thiếu trách nhiệm, tiêu cực trong khi thực hiện nhiệm vụ. Hiện tượng “xe vua” không chỉ xảy ra ở một số địa phương như lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá trong thời gian qua mà xảy ra ở không ít địa phương trên cả nước. Thực tế hiện nay vẫn còn đâu đấy chuyện bảo kê, bao che cho hoạt động xe quá tải.

Để giải quyết tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc “xe vua”. “Bộ Công an mở chiến dịch kiểm tra “xe vua”, “xe logo”, xe biển số 80B giả từ đó xác định rõ liên quan đến người nào, cơ quan nào thì xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”. Tại hội nghị này, chúng ta tuyên chiến rõ ràng để không còn “xe vua”” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

VIẾT LONG

Trong chín tháng đầu năm 2015, công an cả nước đã phạt khoảng 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông đường bộ với tổng số tiền phạt gần 2.013 tỉ đồng. Cơ quan chức năng cũng tạm giữ 29.560 ô tô, 377.420 xe máy và tước 260.884 giấy phép lái xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm