Khám sức khỏe để học lái xe sẽ khó hơn!

Ngoài việc đưa ra các tiêu chuẩn về sức khỏe của người lái xe nghiêm ngặt hơn (Pháp Luật TP.HCM ngày 21-9), Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT vừa ban hành cũng quy định về việc khám sức khỏe và cơ sở y tế được phép khám cũng chặt chẽ hơn.

Phải tự khai bệnh trước khi được khám

Theo quy định hiện hành, người muốn học hoặc lái xe các hạng (khi đi khám sức khỏe định kỳ) sau khi nhận mẫu giấy chứng nhận sức khỏe chỉ phải tự ghi tên họ, ngày, tháng, năm sinh, cơ quan, quê quán… Còn việc khám theo tám chuyên khoa, một khâu lâm sàng và kết luận đủ sức khỏe học, lái xe hay không là do đoàn y tế và bác sĩ trưởng đoàn thực hiện.

Nay theo Thông tư liên tịch 24/2015 (có hiệu lực từ ngày 10-10) thì trước khi được khám, người đi khám phải khai rõ tiền sử bệnh của gia đình, tên bệnh cụ thể (như trong gia đình có ai bị mắc các bệnh truyền nhiễm, tim mạch, đái tháo đường, lao, hen, động kinh, rối loạn tâm thần… hay không). Theo bác sĩ NVL, cộng tác ở một phòng khám sức khỏe lái xe, việc buộc khai tiền sử bệnh của người nhà như trên là quá kỹ nhưng cần thiết. Dựa vào sự “khai báo thành thật” trên, bác sĩ có thể phán đoán và khám kỹ hơn những người có người thân mắc các bệnh có khả năng di truyền cao như tim mạch, động kinh, tâm thần. “Vì chặt chẽ như trên nên rất có thể sẽ có nhiều người khai không thật, gạch chéo vào ô “không” cho xong chuyện” - bác sĩ NVL dự báo.

Sau phần tự khai bệnh của người nhà, người đi khám sức khỏe để học, lái xe phải khai khi được bác sĩ hỏi (sau đó đánh dấu trên giấy) về tiền sử, bệnh sử của chính mình như có bệnh thần kinh hay bị thương ở đầu không? Có bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp không? Có bị bệnh tâm thần không…? Riêng phụ nữ đang mang thai cũng phải khai báo rõ với bác sĩ. Theo bác sĩ NVL, ở phần tự khai với bác sĩ này, nếu bác sĩ là người có trách nhiệm, cẩn trọng hỏi tới hỏi lui thì người đi khám khó mà giấu bệnh được. “Nếu bác sĩ hỏi qua quýt, đánh dấu đại thì đến phần khám lâm sàng, cận lâm sàng các bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ phát hiện ra người đi khám có bệnh gì ngay!” - bác sĩ NVL nói.

Tới đây khám và kết luận về mắt cho người đi học lái xe phải là bác sĩ từ chuyên khoa I trở lên. Ảnh: L.ĐỨC

Bác sĩ non tay thì đừng hỏi sức khỏe bác tài

Thông tư liên tịch 24/2015 quy định người học hoặc lái xe khi đi khám sức khỏe phải qua đủ tám chuyên khoa lâm sàng (phụ nữ có thêm khoa thai sản) là: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và chuyên khoa nội tiết. Ở khâu khám cận lâm sàng có các xét nghiệm bắt buộc về ma túy, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở và các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ (huyết học, sinh hóa, X-quang hoặc các xét nghiệm khác…).

Thông tư liên tịch 24/2015 và các quy định khác của Bộ Y tế quy định người thực hiện khám lâm sàng và người kết luận phải là bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ y khoa trở lên. Như vậy, cũng theo bác sĩ NVL, chỉ riêng phần khám lâm sàng ở tám chuyên khoa nêu trên thì phải có ý kiến kết luận và chữ ký của tám bác sĩ chuyên khoa từ cấp I trở lên. “Theo quy định mới, các bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và có thời gian khám, chữa bệnh chưa đủ 54 tháng sẽ không được khám sức khỏe cho người học hoặc người lái xe. Nói chung, bác sĩ non tay nghề thì đừng có hỏi thăm sức khỏe mấy bác tài, người chuẩn bị làm tài xế!” - bác sĩ NVL kết luận.

Phí khám sức khỏe sẽ cao hơn học phí

Theo một bác sĩ ở Sở Y tế TP.HCM, do các quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về khám và bác sĩ được quyền khám sức khỏe nêu trên nên tới đây người đi khám sức khỏe để học hoặc lái xe phải đến khám ở 95 cơ sở y tế công lập, tư nhân, phòng khám đa khoa hoặc phòng khám của các bộ, ngành được Sở công nhận, công bố. Các tổ, đoàn y tế (thường chỉ 3-5 người, trong đó có 1-2 bác sĩ nhưng khám “bằng mắt” tất cả 8-10 chuyên khoa) của các cơ sở y tế đến “cắm” ở các trung tâm, trường dạy lái xe như lâu nay sẽ không còn vì không đủ điều kiện về con người và trang thiết bị để khám sức khỏe.

“Quy định khám sức khỏe ở các cơ sở y tế sẽ tránh được việc khám qua loa hoặc nhân nhượng nhau giữa tổ, đoàn y tế với trường dạy lái xe!” - ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Dạy, sát hạch lái xe Hoàng Gia, nói.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT, do phải đi khám ở các cơ sở y tế và khám ở nhiều chuyên khoa, khâu nên chi phí khám sức khỏe có thể cao hơn cả học phí học lái xe. “Hiện người học lấy bằng A1 chỉ phải đóng học phí 390.000 đồng, phí khám sức khỏe 40.000-50.000 đồng. Nhưng tới đây phí khám sức khỏe có thể lên tới cả triệu đồng, chỉ riêng khâu xét nghiệm máu đã là 400.000-500.000 đồng/lần. Nếu xét nghiệm lần hai để có kết quả chính xác có bị nghiện ma túy, nghiện rượu hay không thì phải mất cả triệu đồng” - ông Nhân nói.

Chống giấy khám sức khỏe giả

Theo ông Võ Trọng Nhân, khi Thông tư liên tịch 24/2015 có hiệu lực thì sẽ có người ngại đi khám ở các cơ sở y tế (vì tốn tiền, mất thời gian hoặc muốn giấu bệnh) nên sẽ nhờ các cò mồi làm giả giấy khám sức khỏe. Để chống lại việc này, Phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sẽ có chương trình làm việc với 95 cơ sở y tế được Sở Y tế công bố để nắm rõ chữ viết, chữ ký của từng bác sĩ chuyên khoa cấp I. Cạnh đó, cán bộ các trường dạy lái xe, trung tâm sát hạch sẽ được tập huấn kỹ về quy trình khám sức khỏe mới, kỹ năng phát hiện những loại giấy giả…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm