Sai lầm khi hiểu nhầm gây tai nạn có quyền rời hiện trường

Câu hỏi: Khi gây tai nạn, tài xế có quyền rời khỏi hiện trường và ra báo cáo cơ quan chức năng sau đó vì hiện nay nhiều người cho rằng nếu ở lại dễ bị người dân vây đánh. Trường hợp này luật có cho phép hay không, hay tài xế bị phạm tội bỏ trốn?

Theo Luật sư Khưu Thanh Tâm (Công ty Luật TNHH Giải Pháp Việt): “Khi gây ra tai nạn giao thông, thực tế đã cho thấy có rất nhiều trường hợp lái xe chọn cách bỏ chạy khỏi hiện trường. Trong trường hợp này, chúng ta cần nhìn nhận sự việc dưới góc độ tâm lý thì đây là biểu hiện của trạng thái tinh thần hoảng loạn khi gặp những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, dưới góc độ của pháp luật thì thông thường các trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là do quá sợ hãi và muốn trốn tránh trách nhiệm pháp lý từ hành vi gây tai nạn của mình, mặt khác nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích.”

Theo luật sư, Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định tại Khoản 5, Điều 4 về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ: “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là một hành vi bị ngăn cấm.

Trong những trường hợp này, pháp luật cho phép người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn được phép rời khỏi hiện trường nhưng việc rời khỏi chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất, còn việc bỏ trốn khỏi hiện trường và trốn tránh luôn cả trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật (Theo Điều 38 Luật giao thông đường bộ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông).

Bên cạnh đó, Luật sư Tâm nhấn mạnh về hậu quả pháp lý quy định như thế nào nếu người điều khiển phương tiện giao thông sau khi gây tai nạn mà rời khỏi hiện trường và bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Căn cứ tại điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì việc xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được quy định như sau:

“6.Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.”

Như vậy, đây là căn cứ để xử phạt hành chính cho hành vi của người tài xế nếu rời khỏi hiện trường nhưng sau đó bỏ trốn và không trình báo với cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo Luật sư Tâm, nếu việc gây tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về giao thông đường bộ, đến mức gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác mà đủ căn cứ để xử lý hình sự thì việc bỏ trốn khỏi hiện trường và không trình báo với cơ quan công an được xác định là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội danh này theo khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình sự

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm