Mất tiền vì nắp capo rơi vào ô tô phía sau

Tình huống: Khi xe A đang di chuyển trên cao tốc thì bất ngờ bị nắp capo của xe phía trước bay lên, rơi trúng xe A, dẫn đến hư hỏng. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Luật sư Khưu Thanh Tâm (Công ty Luật TNHH Giải Pháp Việt) trả lời: Trong trường hợp này, đã có thiệt hại xảy ra nên căn cứ vào chế định bồi thường thiệt hại được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS). Theo đó, ai gây thiệt hại thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 584 BLDS 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 điều này”.

Với tình huống đã nêu, capo xe rơi và gây hư hỏng cho xe phía sau, như vậy thiệt hại này là do tài sản gây ra, cụ thể là xe ô tô. Đối tượng gây thiệt hại ở đây là một vật và thuộc nhóm “Nguồn nguy hiểm cao độ” được quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS 2015: “1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật”.

Đồng thời, tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 601 BLDS 2015, quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này:

“2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (ở đây là xe ô tô đã gây thiệt hại do rơi capo). Bởi lẽ, chủ sở hữu là người trực tiếp nắm giữ, sử dụng và định đoạt nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu có trách nhiệm phải bảo quản, sử dụng, vận hành và phải tuân theo các quy định của pháp luật về việc bảo quản, sử dụng, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ.

Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng chiếc ô tô gây thiệt hại này (ví dụ cho thuê) thì người này có trách nhiệm bồi thường. Trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu sử dụng có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, khi chiếc ô tô bị chiếm hữu trái pháp luật và trong lúc đó ô tô gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật này phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp cũng có lỗi trong trường hợp này thì phải liên đới bồi thường.

Như vậy, yếu tố lỗi không xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này. Cả khi chủ sở hữu không có lỗi cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường vì đây là tài sản do mình sở hữu, sử dụng và quản lý. Trừ trường hợp tình thế cấp thiết, bất khả kháng hoặc do lỗi hoàn toàn cố ý của người bị thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm