Ford Ranger Raptor có giảm giá khi có giải đáp về thuế tiêu thụ đặc biệt?

Vừa qua, Tổng cục Hải quan có văn bản tới Cục hải quan các tỉnh, TP hướng dẫn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng. 

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan thì Tổng cục nhận được báo cáo của một số đơn vị hải quan và doanh nghiệp có vướng mắc việc áp dụng thuế suất thuế TTĐB xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe ô tô pick up). Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Về chính sách thuế TTĐB, tại điểm d khoản 1 Điều 2 Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 quy định đối tượng chịu thuế TTĐB là: “d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng”.

Theo khoản 2 Điều 2 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi bổ sung các Luật Thuế thì khoản 4 Mục I Biểu thuế TTĐB quy định tại Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

4a) Xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống, trừ loại quy định tại các điểm 4đ (Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng),4e (Xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh họcvà 4g (Xe ô tô chạy bằng điệncủa Biểu thuế quy định tại Điều này:

4 d) Xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng, trừ loại quy định tại các Điểm 4đ, 4e và 4g của Biểu thuế quy định tại Điều này:

- Loại có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống có thuế suất là 15%

- Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 có thuế suất là 20%.

– Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 có thuế suất là 25%.”.

Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 108/2015 quy định: “1. Đối với xe ô tô loại thiết kế vừa chở người vừa chở hàng quy định tại các điểm 4d, 4g Biểu thuế TTĐB là loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng theo tiêu chuẩn quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định”.

Căn cứ quy định nêu trên, Luật thuế TTĐB không sử dụng thuật ngữ “xe ô tô con” cho đối tượng chịu thuế TTĐB hay đối tượng không chịu thuế TTĐB. Vì vậy, theo Tổng cục Hải quan trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng sẽ áp dụng mức thuế TTĐB từ 15-25% (theo mục 4d Điều 7 Luật Thuế TTĐB). Trong khi đó, nếu áp dụng theo thuế của xe ô tô chở người là từ 45-60%.

Điều kiện, xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng phải theo quy định tại Luật thuế TTĐB số 27/2008 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 106/2016, đáp ứng tiêu chí xe ô tô loại thiết kế vừa chở người vừa chở hàng do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. 

Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản trả lời với Công ty TNHH Ford Việt Nam, mặt hàng xe ô tô Pick up, hiệu Ford Ranger Raptor, mã hiệu aNLP98F, tổng trọng lượng theo thiết kế 2970kg, tải trọng 270kg, động cơ 2.0L Diesel, loại bốn bánh chủ động, nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, loại phương tiện được xác định là ô tô con (Pick up) theo Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu số 18KOT/233785 ngày 5-10-2018 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, phù hợp phân loại thuộc nhóm 87.03, mã số 8703.32.72.

“Tuy nhiên, văn bản không hướng dẫn về thuế TTĐB đối với loại xe này. Do vậy, trường hợp các đơn vị hải quan căn cứ vào nội dung công văn trên để tính và thu thuế TTĐB đối với xe ô tô Pick up theo mức thuế của xe ô tô chở người là chưa phù hợp”- văn bản của Tổng cục nêu rõ. 

Liên hệ với Ford Việt Nam, đại diện đơn vị này cho biết: "Hiện tại Ford Ranger Raptor đang chịu thuế TTĐB là 40%, xe có hệ thống treo và tải trọng phần chở hàng không đáp ứng điều kiện cho loại xe vừa chở người vừa chở hàng giống như Ford Ranger".

Vị này cho biết thêm, Ford Ranger hiện nay được áp dụng theo quy định đối với thuế TTĐB dành cho xe vừa chở người vừa chở hàng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm