Xử lý thế nào khi xe bị ngập nước?

Xe bị thủy kích

Thủy kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ. Do đặc tính không chịu nén của nước nên áp suất gây ra sẽ dẫn đến: nhẹ thì bị cong tay biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy, hư hỏng toàn bộ phần máy.

Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ - trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, ít cũng vài chục triệu đồng khi chỉ phải thay tay biên, nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện.

Đối với các dòng xe cao cấp, có thể chủ nhân sẽ phải “khóc ròng” do việc sửa chữa thay thế vừa tốn kém, vừa làm giảm đáng kể giá trị chiếc xe.

Khi trời mưa to nên để xe nơi cao, nếu phải dùng xe thì chọn các tuyến đường ít ngập. Nếu bắt buộc phải di chuyển ở các tuyến đường ngập lụt, bạn nên lưu ý một số mẹo sau:

Các lái xe khi đi qua vùng ngập nước cao, an toàn nhất là nên tắt điều hòa bao gồm cả quạt gió nhằm tránh hiện tượng rác bẩn theo nước có thể làm kẹt cánh quạt. Nếu cánh quạt bị kẹt, sẽ xảy hiện tượng đứt cầu chì quạt gió, động cơ xe sẽ không được làm mát - gặp trường hợp này phải tắt máy xe và thay cầu chì.

Khi đi qua vùng ngập nước nên tránh mở cửa kính dù trời không mưa vì có nhiều khả năng nước bắn vào xe do các xe khác chạy qua. Nếu mức nước cao hơn phần thấp nhất của sàn xe thì không được mở cửa, vì nước sẽ tràn vào gây hư hỏng hệ thống điện và nội thất. Trong trường hợp này các xe trang bị cửa sổ trời sẽ rất hữu ích.

 

Bạn cũng cần ước lượng được chiều cao gầm của chiếc “xế yêu” nằm trong khoảng nào. Thông thường dòng  sedan có chiều cao dao động khoảng 16-18cm, SUV thì từ 20-25cm. Biết chiều dài cơ sở của xe, chiều dài cơ sở ngắn thì khả năng lội nước tốt hơn, biết họng hút gió của xe nằm ở chỗ nào (thường họng hút gió là điểm ngập tối đa mà xe có thể lội được).

Đối với hệ thống điện, đặc biệt là xe cao cấp, có thể liệt kê ra hàng trăm hệ thống và cơ cấu bên trong khoang nằm ở vị trí ngang sườn xe trở xuống. Đó là ECU, hệ thống âm thanh ở các cánh cửa, hệ thống điều khiển túi khí, hệ thống điện, cơ cấu điều khiển hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, hệ thống điều khiển ghế… và hàng chục công tắc điều khiển các loại. 

Ngoài ra, đối với các xe có nội thất bằng nỉ và da thì nước là kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Nước có thể ngấm và làm nứt, hỏng các bề mặt da một cách nhanh chóng.

Kiểm tra dầu máy
Nếu dầu máy chuyển màu nước gạo tức là nước đã vào động cơ. Lúc đó, bạn tuyệt đối không nên tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên chỗ cao phòng tránh bị sóng nước do xe khác chạy làm trôi dạt và gọi Cứu hộ 116 ngay.

Đừng nên tìm cách tự sửa nếu các bạn không có chuyên môn kỹ thuật, bạn nên tháo càng sớm càng tốt dây nối với bình ác qui, gọi về hãng xe của bạn để tìm người tư vấn hoặc đơn giản hơn bạn gọi cứu hộ 116, thông báo rõ loại xe và tình trạng bị ngập để được tư vấn cách không bị thiệt hại thêm cũng như các việc cần thiết nếu xe bạn có mua bảo hiểm.

Quốc Bảo

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm