Nằm lòng cách xử lý kính lái bị bám hơi nước

Tại Việt Nam, các tài xế thường hay gặp phải hiện tượng kính lái ô tô bị mờ khi lái xe trong trời mưa hay đi qua những khu vực thời tiết lạnh, độ ẩm cao. Đặc biệt là các khu vực vùng núi như Đà Lạt, Sapa, Hà Giang…

Kính lái mờ rất khó quan sát

Theo kinh nghiệm của các tài xế khi gặp hiện tượng kính lái bị mờ do hơi nước hay sương lạnh thường có thói quen dùng khăn để lau.

Gặp thời tiết lạnh thường khiến kính lái ô tô đọng nước và bị mờ. (Ảnh minh họa)

Anh Lê Văn Tường (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Tháng trước tôi có một chuyến đi Đà Lạt cùng gia đình bằng xe cá nhân. Lúc đó thời tiết Đà Lạt khá lạnh, khi bắt đầu đi vào đường đèo liền xuất hiện hơi nước làm tôi rất khó quan sát. Tôi đã phải vừa lái xe vừa lau kính liên tục để nhìn đường”.

Tương tự như vậy, một số tài xế khác cũng chia sẻ khi đi vào các vùng có nhiệt độ thấp thường gặp hiện tượng kính lái bị mờ. Đặc biệt, đối với tài xế mới chưa gặp tình huống này thường rất “luống cuống” để xử lý tình huống.

Bên cạnh đó, trường hợp đèn xe không đủ độ sáng để tài xế quan sát cũng làm tăng thêm độ nguy hiểm khi lái xe.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng (Công ty TNHH Kỹ thuật De Vi) cho biết, nguyên nhân của hiện tượng này là do sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và khoang nội thất cùng với hoạt động của hệ thống điều hòa, hơi ấm tỏa ra từ người ngồi trong xe làm xuất hiện hơi nước ngưng tụ trên bề mặt kính. Điều này làm cản trở tầm nhìn của tài xế, gây khó khăn cho việc điều khiển xe.

“Khi độ ẩm cao, hơi lạnh từ máy lạnh thổi vào kính làm cho kính bị lạnh. Do đó hơi ấm trong không khí đọng lại làm mờ kính”- ông Đồng nói.

Xe ô tô có nhiều tính năng hỗ trợ

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng: “Nếu trời lạnh thì tài xế nên bật chế độ sưởi, nếu thời tiết nóng thì bật máy lạnh, chế độ lấy không khí bên ngoài”.

Trên xe ô tô thường có nhiều tính năng hỗ trợ làm khô kính lái không bị mờ. Ảnh: TN

Thực tế, các nhà sản xuất xe ô tô cũng đã lường trước được những hiện tượng này. Theo đó, trên xe thường được trang bị một số tính năng hỗ trợ.

Cụ thể, tài xế có thể sử dụng tính năng sấy kính, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hoặc cân bằng nhiệt độ trong và ngoài xe. Trong đó, hệ thống sấy kính thường được trang bị cho hầu hết các dòng xe đời mới hiện nay. Do đó, người dùng nên kích hoạt chức năng sấy kính thông qua nút bấm thường được tích hợp trên bảng điều khiển trung tâm.

Khi được kích hoạt, đèn báo trên nút điều khiển sẽ bật sáng để người lái nhận biết chức năng sấy kính đang hoạt động. Tuy nhiên các tài xế cũng cần lưu ý, khi bật chức năng này nên đóng kính các cửa sổ trên xe, vì khi một cửa bị mở, hệ thống sấy kính sẽ hoạt động không hiệu quả và khó loại bỏ hơi nước trên kính xe.

Đối với hệ thống điều hòa trên xe, tài xế cũng cần lưu ý không nên dùng điều hòa nóng để xử lí hơi nước trên kính bởi tình trạng ngưng tụ hơi nước trên kính chắn gió là do sự chênh lệch nhiệt độ bên trong xe và môi trường. Hãy sử dụng điều hòa lạnh và chế độ đường gió hợp lý.

Tài xế nên lựa chọn chế độ đường gió thổi lên kính chắn gió (nút điều khiển chế độ đường gió có ngay trên hệ thống điều hòa của xe), sử dụng cấp gió và nhiệt độ hợp lí bởi nếu để quá lạnh, rất dễ bị khiến kính bị động nước ở bên ngoài.

Cuối cùng là việc cân bằng nhiệt độ trong và ngoài xe. Cụ thể, tài xế có thể hé kính xuống khoảng 10-15 cm giúp cân bằng nhiệt độ, tránh bị đọng nước ở kính lái. Hoặc bằng phương pháp bật quạt gió và để chế độ lấy gió ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm