Mách nước cách nhận biết đối tượng thuê xe tự lái để lừa đảo

Hiện nay, hình thức cho thuê xe tự lái tại Việt Nam thủ tục khá dễ dàng. Chỉ cần có giấy phép lái xe là có thể thuê được một chiếc xe tự lái mà không cần nhiều thủ tục khác. Từ đó, khiến cho các đối tượng thuê xe nhằm mục đích lừa đảo. 

Tháng 10 vừa qua, Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phá được đường dây lừa đảo bằng cách thuê hàng chục ô tô tự lái đem sang Campuchia để cầm cố.

Thuê xe để cầm cố, buôn bán chất cấm

Khảo sát của PV trên địa bàn TP.HCM, một số cá nhân, đơn vị cho thuê xe bị nhiều chiêu trò lừa đảo của các đối tượng thuê xe tự lái. Trong đó, một số chiêu trò như thuê xe để thực hiện buôn bán chất cấm, thuê xe để cầm cố… Một số chủ xe lãnh đủ khi cho thuê xe và nhận được giấy báo phạt nguội.

Loại hình cho thuê xe tự lái hiện rất được nhiều người quan tâm. Ảnh: TN

Ông Chu Phát Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại - Dịch vụ Phát Đạt, cho biết dù thủ tục cho thuê xe mà công ty đang thực hiện rất chặt chẽ, người thuê phải để lại hộ khẩu gốc và một chiếc xe máy có giá trị trên 15 triệu đồng làm tài sản thế chấp. Đối với người ở tỉnh khác thì phải đặt cọc tiền mặt. Người thuê xe cũng phải xuất trình giấy CMND và bằng lái xe. Ngoài ra, hợp đồng phải ghi rõ người thuê và người lái. Tuy nhiên, thời gian vừa qua công ty của ông Đạt vẫn bị một số đối tượng thuê xe nhằm mục đích buôn ma túy. Hiện nay chiếc xe này vẫn đang bị lực lượng chức năng tạm giữ để điều tra.

Tương tự như vậy, ông Võ Quốc Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng chia sẻ, trong thời gian 2 năm qua, ông đã bị 7 trường hợp bọn lừa đảo thuê xe tự lái rồi chiếm đoạt hoặc đi cầm cố. Cũng may mắn là đã tìm được và lấy lại cả 7 chiếc xe. Trong đó, có chiếc thì hơn 1 tuần, có chiếc 1 tháng, cá biệt có chiếc vừa tìm được sau hơn 1 năm 6 tháng.

Theo ông Bình, dấu hiệu của các đối tượng này thường hỏi thuê xe tự lái có thời gian trên 1 tuần đến 1 tháng. Thời gian đủ lâu để có thể chiếm đoạt, cầm cố và làm chủ xe có hợp đồng dài ngày thường mất cảnh giác. Thông thường, các đối tượng này có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân cá nhân, bằng lái và là giấy tờ thật hoặc có thể cung cấp cả giấy phép kinh doanh của công ty.

Về vấn đề định vị (GPS) trên xe, ông Bình cho rằng sau 2 đến 5 ngày, nếu phát hiện trên xe có GPS các đối tượng sẽ cắt tín hiệu. Và đặc biệt, đối tượng này chỉ đặt tiền cọc dưới 10 triệu đồng, không trả tiền thuê xe trước và thường không có tài sản cầm cố.

Cảnh giác với nhiều chiêu trò

Từ những dấu hiệu và kinh nghiệm bị lừa đảo nhiều lần, ông Bình chia sẻ các biện pháp để theo dõi các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể, chủ xe cần thường xuyên theo dõi GPS. Nếu xe còn định vị GPS, từ ngày thứ 2 trở lên trong hợp đồng mà phát hiện xe đứng yên 1 chỗ không sử dụng, hãy lần theo GPS và tìm các vị trí những bãi giữ xe xung quanh nơi phát tín hiệu. Vì khi đó xe có thể bị cầm cố. Nếu đã bị cầm cố, chủ xe cần báo công an địa phương và cung cấp các giấy tờ chứng minh chủ sở hữu xe.

Trường hợp xe đã bị ngắt định vị ngay lúc thuê thì xác định và đi tìm ngay lúc đó. Tuyệt đối không gọi điện thoại hỏi hoặc liên lạc với các đối tượng để chúng cảnh giác thêm.

Khi xe còn trong thời hạn hợp đồng cho thuê mà có nghi vấn, không nên vội vã báo công an liền vì chúng ta đã có hợp đồng cho thuê, thời gian này vẫn còn hiệu lực và bọn chúng có quyền sử dụng xe. Chỉ báo công an khi thời hiệu hợp đồng đã hết mà xe chưa trả.

Ngoài ra khi xe đã mất chủ xe thường có thói quen đăng tin tìm xe. Lúc này, cần cảnh giác một số đối tượng tiếp cận với chủ xe và ngã giá tìm xe với vài chục triệu đồng. Hay khi phát hiện xe trong bất cứ tiệm cầm đồ, bãi xe, chủ xe cần báo công an đến lấy, tuyệt đối không thỏa thuận chi tiền.

Với những thủ đoạn vậy, ông Bình cho rằng các chủ xe có nhu cầu cho thuê xe cần tìm nơi hợp tác uy tín và cùng đoàn kết lại để kinh doanh. Hiện nay, cho thuê xe tự lái rất được nhiều người quan tâm nên rất dễ bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc nhằm mục đích xấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm