Cuộc đời sau tay lái: Kỳ 3: Giấc ngủ trắng trên đường

Lúc vào nghề tôi chọn cho mình một thần tượng lái xe để noi gương. Người ấy là chú Sang, chú đã dìu dắt tôi trong thời gian mới ra trường. Là một tài xế thời Trường Sơn chuyển ngành, phong thái lái xe của chú điềm đạm, nhàn nhã, chưa bao giờ tôi thấy chú hấp tấp khi đã ngồi sau tay lái. Trên vai chú luôn có một chiếc khăn lông, trời nóng thì dấp nước thỉnh thoảng lau mặt cho tỉnh táo, trời lạnh thì quấn quanh cổ giữ ấm. Mệt thì dừng xe, xuống đất, rít hơi thuốc lào, uống ngụm nước chè xanh rồi thong thả lên xe. Cứ thế chú đều ga cho xe bon bon trên đường. Thong thả vậy mà năm nào chú cũng đạt danh hiệu lái xe năng suất cao, an toàn, lương thưởng vượt cả khung quy định.

Đến ngày chú nghỉ hưu, đang đợi nhận quyết định thì gặp lúc đội vận tải khẩn trương triển khai chiến dịch vận chuyển xi-măng từ Nhà máy Bỉm Sơn (Thanh Hóa) về các công trường thủy lợi vượt lũ. Đội đã tranh thủ tổ chức liên hoan chia tay sớm kẻo vào mùa chiến dịch không làm được sợ chú buồn. Trong số đầu xe tham gia chiến dịch ấy có một tài xế vì sức khỏe không lên đường được, đơn vị đã đề nghị chú thay thế vài chuyến hàng. Không ai ngờ đó là chuyến xe đầy định mệnh. Và chú, thay vì được về quê an dưỡng tuổi già, lại phải gửi phần đời còn lại của mình nơi trại giam chỉ vì vài giây rơi vào một “giấc ngủ trắng”!

Hôm đó miền Trung đang vào vụ gặt, con trăng 18 muộn màng soi tỏ quốc lộ 1A, trước mặt chú hai bên đường nhiều nông dân dậy sớm đang tranh thủ phơi rơm rạ trước khi gà gáy sáng. Chỉ còn non mười cây số đường nữa là xe sẽ về tổng kho Hương Thủy, có lẽ vì thế mà chú chạy gắng đến đó nghỉ ngơi luôn thể. Xe đang đi êm như ru giữa không gian yên tĩnh, chú bỗng hoảng hồn sực tỉnh vì một cú thúc vôlăng vào ngực đau đến lịm người. Ngồi trên cabin định thần lại, trước mắt chú không phải con đường mà là một ruộng lúa đã trơ gốc rạ. Ôm ngực cố gắng bước xuống xe, vừa bò lên con lộ thì chú đã tối sầm mặt mày bởi thấy một lão nông nằm sóng soài, bên cạnh là dụng cụ dùng phơi rơm rạ bị giập nát.

Nghe tin chú Sang gây tai nạn cả đơn vị bàng hoàng, sửng sốt. Có người không tin đó là sự thật. Tôi đến thăm chú trong những ngày bị tạm giam, người thầy tự tin ngày nào giờ đây nhìn học trò với ánh mắt ngại ngùng, gầy sọp vì suy sụp tinh thần. Chú quá đau đớn vì nhiều lẽ: Cả đời lái xe đã giữ gìn an toàn đến về hưu, chạy cố vài chuyến nữa thôi, không ngờ tai họa ập đến chỉ vì một khoảnh khắc không tuân thủ nguyên tắc mà mình luôn căn dặn, bày vẽ cho lớp trẻ mới vào nghề. Bằng danh hiệu lái xe an toàn bao năm chú cẩn thận xếp vào hành lý giờ trở thành hư ảo. Tiền của dành dụm dự định đem về quê sửa nhà, bù đắp cho người vợ đã sống vò võ một mình xa chồng nuôi con đã tan nhanh như sương mai gặp nắng rồi!

Quan trọng hơn là sự giày vò lương tâm, là nỗi ám ảnh cảnh nạn nhân nằm dưới đất. Hôm ấy con chó thấy chủ lâm nạn cứ quấn quýt tru lên từng hồi thật thảm thiết. Tiếng tru của một con vật biết thương tiếc biệt ly chủ đêm đêm làm chú tỉnh giấc không sao chợp mắt được! Còn nữa, bên cạnh nạn nhân là những nông dân chất phác, ngất lên xỉu xuống kêu khóc khản giọng, không thiết mùa màng đang cần thu hoạch nhanh chóng trước lũ .

*          *          *

Còn tôi, gần 20 năm sau ngày người thầy mình bị nạn cũng bị nếm trải mùi vị của “giấc ngủ trắng”. Nó đến trong một hành trình xuyên Việt.

Hôm ấy, trên chiếc xe Toyota Zace tính cả tôi lái nữa là tám người. Ai cũng rệu rã sau khi đã thực hiện một hành trình dài ngày theo đường Hồ Chí Minh ra Bắc rồi giờ đang trên quốc lộ 1A trực chỉ vào Nam.

Gần 12 giờ trưa, xe bắt đầu ra khỏi ngoại thành TP Đà Nẵng. Theo ý mọi người, cố chạy tới quán cơm gà Bà Luận ở Tam Kỳ ăn và nghỉ trưa luôn thể. Cả xe đang vào giấc ngủ trưa với tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Thanh Tâm réo rắt phát ra từ loa xe. Đường vắng, tiếng lốp xe rì rào bon êm cùng với tiếng ngáy đều đều của người trên xe đã làm tôi có hiện tượng buồn ngủ. Thay vì tấp vào lề nghỉ ngơi mươi lăm phút, hoặc xuống xe rửa mặt cho tỉnh táo thì tôi lại gắng chạy tiếp vì nghĩ chừng năm, bảy cây số nữa là đến nơi rồi. tha hồ mà nghỉ ngơi...

Cơn buồn ngủ hiện rõ dần, tôi dùng tay bấm mạnh vào huyệt nhân trung (giữa mũi và miệng) mình thật đau. Tỉnh táo được một lúc rồi giấc ngủ lại ập đến mạnh hơn khiến tôi phải đưa tay che miệng, cố giấu mọi người một cái ngáp dài. Tôi lại tiếp tục chống chọi bằng cách liên tục dùng tay bóp mạnh vào nách, bứt tóc, nhéo đùi thật đau, biện pháp ấy có vẻ... ổn hơn. Vậy là tôi tiếp tục cho xe chạy, lòng thầm động viên một chút nữa thôi là sắp đến nơi rồi...

Xe vào nội thị Tam Kỳ, trước mặt tôi từng đoàn học sinh nhộn nhịp, tung tăng đạp xe đến trường vào giờ học chiều. Cứ thế tôi ôm vôlăng cho xe bon êm... Bỗng tôi giật thót người bởi nghe tiếng anh Nam Đồng (nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) ngồi ghế trước la hoảng lên: “Á...”. Theo phản xạ tôi lách tránh. Cú lách nhẹ nhàng tránh được một đám học trò đang dàn hàng ngang đạp xe choán cả mặt đường. Sự việc xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ khiến tôi chưa kịp cảm nhận mình vừa trải qua phút giây nguy hiểm. Tôi nghi ngờ hỏi lại anh Nam Đồng: “Tại sao anh lại la hoảng lên thế?”. Anh nói vừa tỉnh dậy thì thấy tay lái tôi đơ ra, không cho xe tránh tụi nhỏ mà cứ lao thẳng vào chúng.

Lúc này tôi mới bắt đầu run, tự hỏi nếu anh ấy không thức dậy kịp thời để thức tỉnh tôi, thì chuyện gì sẽ xảy ra với mấy cô, cậu học trò? Những tà áo trắng hồn nhiên kia, chắc chắn sẽ nằm dài trên đường…! Thì ra giấc ngủ trắng là vậy. Đó hình ảnh cuối cùng trên đường được lưu giữ trong tâm thức tôi như cảnh phim “đứng hình” khi máy chiếu dừng lại. Lúc đó não trạng không còn tiếp nhận sự việc tiếp diễn trên đường nữa! Sở dĩ lúc nãy tôi cho xe chạy thẳng vì không cảm nhận được khoảng cách thay đổi giữa xe mình với các em nữ sinh kia!

Cơ hội may mắn đến lạnh người, tôi sực tỉnh hoàn toàn. Đó là bài học lớn mà mãi về sau, không khi nào tôi chạy gắng khi có hiện tượng buồn ngủ!

 Trần Kiêm Hạ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm