CHUYỆN TỪ NGƯỜI THẦY DẠY LÁI KHÔNG CHUYÊN

Có nên tập lái trước rồi mới đến trường dạy lái xe học lấy bằng lái? (Bài 1)

Người được dạy lái trước thì cho rằng họ thật tự tin khi ngồi trên xe tập lái của nhà trường, chính sự thoải mái đã giúp họ tiếp thu tốt những gì thầy dạy lái chỉ vẽ. Ngược lại, những người thầy dạy lái ở trường thì lại cho rằng: “Thật là khổ khi gặp những học viên học lái trước với người thầy không chuyên, họ bị tạo thói quen không tốt như đùn tay lái hoặc phương pháp đi ga, chuyển số không phù hợp. Và khi thói quen ấy đã định hình rồi thì việc truyền đạt đúng phương pháp của chúng tôi đã trở nên khó khăn hơn”.

Trong diễn đàn ấy, gây chú ý cho người đọc là ý kiến của những người thầy dạy lái không chuyên, họ đã nói lên những góc khuất của vấn đề này. Có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên bài viết này tôi cố tình bỏ ngỏ những ý kiến đó để kể cho bạn đọc những câu chuyện dạy lái xe không chuyên của mình.

Tôi là người dạy lái xe không chuyên, điều này không hề thậm xưng vì không riêng tôi mà tất cả lái xe thời bao cấp, khi đã được nhà nước giao cho làm chủ chiếc xe thì ngoài việc đảm bảo sản phẩm vận chuyển, còn có nhiệm vụ đào tào lại những tài xế mới ra trường đến nhận công tác tại đơn vị mình theo kiểu tre già măng mọc. Ngoài ra sau này trong cuộc sống, cũng có những chuyện vì tình cảm mà mình vui vẻ nhận lời dạy lái cho một ai đó.

Còn những người nhờ mình dạy lái, tôi hiểu, với họ chẳng qua là một việc bất đắc dĩ. Học trò tôi (xin phép được gọi như vậy) thật đa dạng. Có người có tấm bằng lái rồi muốn tay lái vững vàng, tự tin ôm lái để kiếm sống. Cũng có người chưa học lái bao giờ, muốn học hỏi những điều cơ bản, làm quen tay lái trước rồi khi có điều kiện sẽ đến trường học lái sau. Hoặc có người trước xuất ngoại muốn đỡ tốn thời gian, mất tiền bạc khi đến xứ người học lấy tấm bằng lái. Và một dạng đặc biệt khác là người có bằng lái thật hẳn hoi, nhưng chưa một lần… ngồi vào ghế lái!

Giáo cụ dạy lái của tôi là một… tờ báo. Suốt thời gian hướng dẫn cho học trò, tôi liên tục giả bộ dán mắt vào nó. Tuy không đọc được chữ nào nhưng lại là một giáo cụ tối cần thiết nhằm tạo niềm tin cho học trò: “Một khi thầy đã tin tưởng ngồi đọc báo là đã an tâm tay lái mình lắm rồi”. Phải thôi, bạn hãy tưởng tượng nếu mình làm một việc gì đó mà có người chằm chằm cầm tay chỉ việc thì sao? Luống cuống là cái chắc. Huống chi là tập lái xe, giữa chân thắng và chân ga cách nhau chưa đầy một tấc thì việc nhầm lẫn là hoàn toàn có thể, (trong lúc xe dạy lái của mình thì không có hệ thống điều khiển phụ). Nhưng bạn cũng thử ngồi bên cạnh một tài xế có tay lái lọng cọng, lúc nào cũng sợ ríu người, mướt mát mồ hôi khi thấy dòng người xe cộ nườm nượp cứ như muốn đâm sầm vào xe mình? Đúng là một trò chơi cảm giác mạnh! Nhưng tôi phải dấu nỗi sợ vào trong và giả làm mặt tỉnh bơ để khích lệ tay lái học trò mình, chính điều này đã giúp tôi đào tạo có kết quả tốt.

Tuy nhiên trong hàng chục học trò của tôi cũng có vài trường hợp cá biệt. Một bận, cũng tờ báo trên tay tôi mở cửa xe lên ngồi bên cạnh ghế lái và bảo học trò mình: “Khởi động xe đi em, đi đâu thì tùy thích”.  Sau tiếng máy nổ là tiếng vô số cái “sậc”, xe bị giật mạnh rồi tắt máy. Mắt vẫn không rời tờ báo, tôi khích lệ: “Không sao, xe lạ bao giờ cũng vậy, nổ máy lại đi”. Lần nữa, rồi lần nữa... và liên tục “sậc”… “sậc”.  Anh ta không sao khởi động được xe, buộc lòng tôi phải hỏi: “Em học lái trường nào vậy?”. Bây giờ anh ta mới thật thà khai báo: “Dạ thật tình em chưa được học lái ở đâu cả”! Trố mắt không tin tôi hỏi lại: “Không học mà có bằng lái à?”. “Dạ, người ta tặng em rồi bảo khi nào có điều kiện đến học lái sau”. Tôi mường tượng và hiểu ra vấn đề, ở cương vị công việc đang đảm nhiệm của anh chàng này thì cũng có thể lắm chứ. Thế là tôi đành phải thay lại “giáo án”, dạy cho anh ta như những người chưa biết a, b, c… gì về lái.

(Còn tiếp)

Trần Kiêm Hạ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm