Xúc động lễ giỗ cuối năm cho các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

Hôm qua, ngày 2-2 (28 Tết âm lịch), những chiến sĩ biệt động của đơn vị Đội 5 Biệt động Sài Gòn và con cháu của nhiều thế hệ Biệt động đã cùng tề tựu về căn nhà vốn là hầm bí mật của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định - Thiếu tướng, AHLLVTND Trần Hải Phụng tại Ấp Tháp, xã Thái Mỹ, Củ Chi để cùng thăm lại căn cứ xưa. Sau đó, mọi người cùng ghé nhà của biệt động Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) tại Ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi tổ chức cúng giỗ cho các chiến sĩ thuộc Đội 5 Biệt động Sài Gòn đã hy sinh trong cuộcTổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Cùng đi với mọi người, bà Dương Thị Phiên, con gái của Biệt động Dương Văn Ten, huyện Củ Chi, TP.HCM nhớ lại lời cha: “17 chiến sĩ ở đây đánh coi như là chết hết, không ai còn sống. Ông cũng muốn con cháu biết đến những di tích của biệt động, muốn làm bia để giáo dục con cháu sau này”.

Mọi người đã có dịp trải nghiệm chui hầm bí mật để hiểu hơn những gian khó của Biệt động Sài Gòn ngày xưa trong cuộc chiến tranh giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Bà Dương Thị Phiên (mặc áo tím ở giữa), con gái Biệt động Dương Văn Ten cùng tham gia với mọi người trong dịp này. ẢNH: T.T.

Đoàn đến thăm hỏi gia đình các chiến sĩ Biệt động ngày xưa. ẢNH: T.T

Nhân dịp này, các chiến sĩ cũng ghé thăm lại các di tích của Biệt động tại nhà của Anh hùng LLVTND Trần Hải Phụng. ẢNH: T.T.

Mọi người cùng chui lại xuống hầm để cảm nhận được sự gian khổ của các chiến sĩ Biệt động. ẢNH: T.T.

Mọi người cùng tề tựu bên nhau để ôn lại kỉ niệm xưa cho đồng đội và con cháu cùng nghe. ẢNH: T.T.

Họ dành thời gian nhắc lại những kỉ niệm xưa cũ, lúc còn xông pha ngoài chiến trận, bám trận địa để đánh giặc. Họ cũng đưa cả con cháu mình đi cùng, kể cho cháu nghe về một thời gian khó, để lấy đó làm động lực để sống tốt, trở thành người có ích cho xã hội; không quên đi những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước.

Ngồi nghe các cô chú nói chuyện, một người phụ nữ ngồi ở một góc bàn cứ lấy khăn tay lau nước mắt. Nhiều năm nay, cứ đến những ngày giáp Tết âm lịch, chị Tô Thị Mai Hương lại đón chuyến xe từ Bình Dương tìm đến nơi này để tưởng nhớ cha mình là liệt sỹ biệt động Tô Hoài Thanh. Ông vốn là chỉ huy trưởng của biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy XuânMậu Thân 1968.

“Hạnh phúc nhất là mỗi năm cứ đến khoảng hai mấy Tết là được mấy cô mấy chú kêu đi đến nhà thăm rồi ngồi nói chuyện, thắp nhang cho cha. Nhìn mấy cô mấy chú là nghĩ đến cha mình”, chị Hương nói không giấu được sự xúc động.

Chị Tô Thị Mai Hương (góc ngoài cùng bên phải ảnh) xúc động khi được nhắc về cha mình. Hàng năm, chị lại đón chuyến xe từ Bình Dương tìm đến nơi này để tưởng nhớ cha mình là liệt sỹ biệt động Tô Hoài Thanh. ẢNH: T.T

Mâm cơm mà đồng đội, con cháu tự tay nấu dâng lên cho các chiến sĩ giản đơn với những món ăn ngày Tết: chén cơm trắng, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng, vài trái bắp luộc, thêm vài ổ bánh mì chấm cùng với lagu. Mọi người cũng đã tỉ mẫn chọn lựa những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ để dâng lên cho các chiến sĩ.

Bà Vũ Minh Nghĩa, Đội 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Biệt động Sài Gòn tâm tình: “Cuối năm, nấu cho các anh mâm cơm, đốt cây nhang cho các anh thì tất cả những hình ảnh của đêm đó trong đầu tôi nó vẫn còn nguyên như vậy. Khi thủ trưởng biết mình không thể cùng chiến đấu với đồng đội, anh em được nữa nhưng mệnh lệnh của thủ trưởng đã động viên chúng tôi dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải ráng bám trận địa. Đó là điều mà chúng tôi nhớ mãi và mỗi năm Tết đến cùng nhau trở về đây để thăm các anh em của mình”.

Một năm mới lại đến, nhưng tận sâu trong tâm trí của những người chiến sĩ Biệt động năm nào vẫn còn đó hình ảnh người anh em, đồng đội mình đã ngã xuống giành lấy bình yên cho đất nước; để người dân Việt mỗi năm đều được đón cái Tết mới, quây quần bên gia đình. Mâm cúng giỗ đơn giản nhưng chứa biết bao nhiêu ân tình, sự trân quý của người còn sống giành cho người đã khuất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm