Xuất ngoại đánh bạc - Bài 4: Phóng viên bị bắt giam ở casino

Người nợ casino không tiền trả, quỵt nợ đều được bảo vệ “chăm sóc” cho đến khi người thân lòi ra tiền chuộc. Chúng tôi cũng đã bị bắt vì phạm lệnh cấm của casino.

Thế lực xuyên biên giới

Ở casino Kôngpông Rồ, người chơi đá gà chỉ cần nói miệng số tiền cá độ, không cần phải đưa ra tiền đặt cược trước nhưng khi đã có kết quả thì phải chung đủ số. Nếu người chơi thiếu tiền, không ngại. Chủ sòng nhận thế chấp ôtô đang đậu trên đất Việt Nam. Nhiều đại gia cháy túi phải để lại xe, người của casino đưa khách đến tận thị trấn Mộc Hóa, xuất tiền thuê ôtô cho khách về nhà. Chủ casino Kôngpông Rồ nhận thế chấp giấy chứng minh nhân dân cho con bạc “mở sổ” vay tiền. Người của casino sẽ đến tận nhà con bạc trên đất Việt Nam đòi nợ. Đừng dại dột quỵt nợ casino. V. ở Tân Thạnh đá gà thua không tiền chung độ, trốn về tới Mộc Hóa vẫn bị người của casino bắt lại đánh cho tơi tả, đưa trở lại Campuchia, khi người nhà anh mang tiền sang chuộc mới được thả ra. LQT, một đạo diễn sân khấu, một tay lừa lừng lẫy trong giới nghệ sĩ TP.HCM từng bị giam ở casino hàng tháng trời vì món nợ 6.000 USD, dù trổ hết các ngón nghề cũng không thoát được.

Xuất ngoại đánh bạc - Bài 4: Phóng viên bị bắt giam ở casino ảnh 1

Casino Kôngpông Rồ, bảo vệ có quyền bắt người. Ảnh: H.LỘC

Đùa với lửa

Vào casino hai lần nhưng tôi vẫn chưa chụp được hoạt động bên trong sòng bạc do casino cấm chụp ảnh và nhóm bảo vệ quản lý rất chặt chẽ. Một lần nữa chúng tôi mạo hiểm thâm nhập sòng bạc. Lần này tôi đi công khai, qua cửa khẩu Bình Hiệp. Tôi cầm chiếc bóp đựng tiền như một đại gia, bên trong kẹp máy quay phim mini. Dù hết sức thận trọng nhưng tôi vừa quay mấy vòng thì bị túm cổ. Bảo vệ tước máy quay phim, dẫn tôi đẩy vào một căn phòng rộng chừng 20 m2, bên trong có bốn cảnh sát hoàng gia bặm trợn mặc đồng phục màu xanh, tay lăm lăm khẩu AK báng xếp.

Một bảo vệ thắt lưng giắt súng ngắn bước vào ra hiệu bảo tôi ngồi xuống. Anh ta đưa ra chiếc máy quay phim vừa tước của tôi, hỏi: “Ông quay phim để làm gì?”. Tôi bảo để đem về quê coi chơi. Gã rút thẻ nhớ trong máy quay ra bẻ gãy làm đôi và đập nát vụn chiếc máy quay. Thêm một bảo vệ khác mặc quân phục, súng giắt thắt lưng bước vô lục soát khắp người tôi, moi tất cả những gì tôi mang theo, trừ chiếc máy quay phim thứ hai tôi đã kịp nhét vào mặt sau dây thắt lưng. Hình ảnh trong sòng bạc và ảnh minh họa hôm nay có được là nhờ chiếc máy quay thứ hai này.

Xuất ngoại đánh bạc - Bài 4: Phóng viên bị bắt giam ở casino ảnh 2

Việc quản lý người qua lại biên giới còn lỏng lẻo

Trước khi đi, tôi đã bấm số điện thoại của hai vị đại tá biên phòng và trưởng Công an huyện Mộc Hóa vào chế độ số vừa gọi. Khi trong phòng còn lại một bảo vệ canh giữ. Tôi gọi cho một vị đại tá thông báo tôi đã bị bắt giữ. Chỉ nói được bao nhiêu đó tôi đã bị tước điện thoại.

Cuộc tác nghiệp bất đắt dĩ

Cuối cùng tôi bị đẩy vào một nhà kho khoảng 16 m2, chứa nước lọc đóng chai và... dùi cui. Một bảo vệ bồng AK đứng canh giữ.

Để giết thời gian trong cảnh giam cầm và nhân tiện khai thác thêm thông tin, tôi mời người bảo vệ hút thuốc và bắt chuyện. Anh ta tên là Khal, quê ở tận Siêm Riệp. Hai năm qua, Khal đã thuyên chuyển bảo vệ qua bảy sòng bạc. “Bảy sòng bạc đều của một chủ à?” - tôi gợi chuyện. Anh ta gật đầu. Tôi đưa anh ta tờ 20 USD còn sót lại trong túi, bảo anh ta khóa cửa lại đi uống cà phê. Anh ta nhận tiền nhưng lắc đầu bảo: “Ông trốn mất, ông chủ giết tôi liền”. Qua câu chuyện với Khal, được biết hiện casino Kôngpông Rồ được đầu tư mở rộng. “Cả thảy 18 hạng mục, cả massage và sex... Sẽ tuyển 200 cô gái Việt Nam (!). Tất cả đều phục vụ cho người nước ngoài” - Khal nói tiếng Việt rành rọt.

Xuất ngoại đánh bạc - Bài 4: Phóng viên bị bắt giam ở casino ảnh 3

Người dân làm ăn qua lại hợp pháp ở cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp

Tại casino này, vài tháng trước phó tỉnh trưởng Svây Riêng ghé vào casino, vừa tới cửa đã bị đuổi ra. “Casino cấm người Campuchia vào, phó tỉnh trưởng là người Campuchia cũng không ngoại lệ”.

Tôi chợt nghĩ, trên đất bạn, ngay casino cũng có luật lệ riêng nghiêm nhặt đến như vậy. Còn với nước ta, vì sao những cánh cổng biên giới mở toang để cho người dân vô tư qua lại đánh bạc, sắp tới đây còn có 200 cô gái được tuyển dụng phục vụ nhu cầu tình dục cho người nước ngoài. Quy chế quản lý biên giới của ta ra sao?

Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Bình:

Đưa người qua lại biên giới trái phép là vi phạm pháp luật

Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2005/NĐ-CP (ngày 14-3-2005) về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó, công dân Việt Nam cư trú tại khu vực biên giới phải được quản lý của lực lượng biên phòng. Khi sang khu vực biên giới nước láng giềng phải đi qua cửa khẩu và phải có giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới, giấy chứng nhận do UBND hoặc công an xã, phường, thị trấn cấp. Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu phải có hộ chiếu hợp lệ hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và phải có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực.

Người cư trú trong khu vực biên giới nước láng giềng khi sang khu vực biên giới Việt Nam phải có giấy thông hành hoặc giấy chứng minh biên giới theo quy định của hiệp định về quy chế biên giới ký kết giữa Việt Nam và nước láng giềng. Mọi công dân cư trú trong khu vực biên giới đi về giữa hai nước bằng các con đường không qua cửa khẩu là qua lại biên giới trái phép, sẽ bị xử phạt hành chính mỗi trường hợp từ 200.000 đến 500.000 đồng. Công dân không cư trú trong khu vực biên giới, qua lại khu vực biên giới không qua cửa khẩu là hành vi xuất nhập cảnh trái phép, sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Những người làm nhiệm vụ bảo vệ đường biên, khu vực biên giới để cho người dân qua lại trái phép trong khu vực đường biên không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ mà còn vi phạm việc chấp hành pháp luật về bảo vệ biên giới.

ĐẶNG HUỲNH LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm