Xuất khẩu lao động: Trên trải thảm, dưới rải đinh

"Hiện nay cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận người dân để tư vấn và tuyên truyền họ đi xuất khẩu lao động nhằm thoát nghèo đang gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc từ cấp dưới...". Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và Chuyên gia Thanh Hóa (LEESCO), khẳng định như vậy tại hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 8-3.

Theo ông Minh: “DN chúng tôi có đơn hàng đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước phê duyệt tới một số địa phương để tiếp cận người lao động. Nhưng khi đến cấp huyện thì kẹt cứng, đặc biệt các huyện ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên... họ bảo cái này phải chờ họp Thường vụ cho ý kiến mà Thường vụ không biết mấy tháng họp một lần. Nên có lúc chúng tôi nằm ở huyện ba tháng vẫn không xuống nổi với người dân… Đây là những giấy phép con hết sức phiền phức".

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc LEESCO, phát biểu thẳng thắn về vấn đề nhức nhối tại các huyện. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ngắt lời: “Tại sao lại phải có công văn, công văn của ai và ai quy định cái này?”. Ông Minh khẳng định: “Báo cáo với Bộ trưởng, cái này là luật bất thành văn. Ở đây DN đều phải kết nối với địa phương, tôi tin rằng đơn vị nào ở đây cũng chịu tình cảnh tương tự…” - ông Minh đáp.

Ông Minh nêu có trường hợp khi DN đến xin thì chủ tịch huyện còn nói: “Chúng tôi nhiều năm nay không có xuất khẩu lao động cũng chẳng chết ai cả”. Đôi khi chờ lâu, DN tự tin có văn bản giới thiệu của tỉnh nên cho nhân viên xuống gặp người dân nhưng vừa bước vào thôn thì bị công an bắt về đồn. Tôi cho rằng vấn đề này rất nhức nhối, có thể nói cái này là trên thì rải thảm dưới rải đinh…” - ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho rằng nguyên nhân các huyện gây khó cho các DN một phần là do tư duy của huyện cứng nhắc, chưa nghĩ đến lợi ích của người dân và giúp dân thoát nghèo. Bên cạnh đó một số huyện thì dùng "chiêu trò" nhằm hạn chế các DN mới, mục đích chỉ cho các DN sân sau của địa phương hoạt động...

Vì vậy, ông Minh kiến nghị các cơ quan chức năng cần tháo gỡ khó khăn trên. Theo đó, DN chỉ cần có giấy phép của Cục Quản lý lao động ngoài nước là có thể về địa phương chứ không cần xin phép thêm tỉnh, huyện nào.

Hội nghị lắng nghe những ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: VIẾT LONG

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định hiện nay không có quy định nào bắt buộc các DN phải đi xin các huyện như vậy: “Tuy nhiên, sắp tới Bộ sẽ có công văn gửi đến các tỉnh yêu cầu chấn chỉnh vấn đề này” - ông Dung kết luận.

 

Nhiều doanh nghiệp thu tiền cao của người lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết tháng 12-2016, toàn quốc có 277 DN có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 15 DN nhà nước, 207 công ty cổ phần và 55 công ty TNHH).

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thừa nhận hiện nay tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các DN cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục. Đặc biệt, có những trường hợp văn phòng đại diện, văn phòng giao dịch không chỉ thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tiếp nhận hồ sơ của người lao động mà còn đứng ra tổ chức tuyển chọn, thu tiền của người lao động.

“Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn lao động không đúng đối tượng; không tổ chức đào tạo hoặc đào tạo không đầy đủ; đào tạo nhưng không tổ chức đưa đi mà chuyển nguồn lao động cho DN khác có hợp đồng tổ chức đưa đi; tình trạng tuyển lao động thông qua trung gian, môi giới vẫn còn tồn tại…” - ông Diệp nói.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm