Xóm vạn đò cuối cùng trên sông Hương

Nằm cách TP Huế khoảng 10 km, nơi hạ nguồn phần hợp lưu giữa sông Hương và sông Bồ, xóm vạn chài Thủy Phú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) đã hình thành cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: NGUYỄN DO

Chúng tôi tìm đến xóm vạn đò Thủy Phú vào ngày cuối đông, thấy có người lạ, những đứa trẻ đứng thờ ra ngạc nhiên rồi chạy mất hút bên trong những chiếc đò. Ảnh: NGUYỄN DO

Hiện xóm vạn đò Thủy Phú có tổng cộng 24 hộ với 120 nhân khẩu. Hộ dân đông nhất có 11 nhân khẩu cùng sống trên chiếc đò chật hẹp. Ảnh: NGUYỄN DO

Những ngày này, thời tiết tại Thừa Thiên-Huế xuất hiện giá rét nhưng đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các em nhỏ ở đây ăn mặc rất mỏng manh vô tư nô đùa bên nhau. Ảnh: NGUYỄN DO

Cuộc sống của 24 hộ dân ở đây đều gắn liền với sông nước. Tuy nhiên, vào những năm gần đây lượng thủy sản đánh bắt giảm mạnh khiến cuộc sống người dân khó khăn với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Ảnh: NGUYỄN DO

Thường ngày, khoảng 6 giờ tối, sau khi ăn vội buổi tối cha mẹ của em Trần Văn lại lên thuyền đi thả lừ đánh cá, có bữa đến sáng hôm sau mới trở về. Các em ở nhà cùng nhau học bài rồi đi ngủ. Ảnh: NGUYỄN DO

Cuộc sống người dân ở đây thiếu thốn trăm bề, vì không có nguồn nước sạch sử dụng nên mọi sinh hoạt như tắm gội, giặt giũ đều nhờ vào nguồn nước sông đục ngầu. Ảnh: NGUYỄN DO

Ông Lê Toan (40 tuổi) nói: “Sông nước bốn mặt nhưng cái thiếu nhất của dân vạn đò lại là nước. Nước sạch nhà tui mua chỉ dùng tiết kiệm, chủ yếu nấu ăn. Tắm rửa, giặt giũ đều dùng nước sông”. Ảnh: NGUYỄN DO

Vì cuộc sống quá khó khăn nên nhiều em học sinh ở đây chỉ học xong lớp 9 là nghỉ học ở nhà hoặc vào miền Nam làm ăn để phụ giúp gia đình. Ảnh: NGUYỄN DO

Nhiều người con tại xóm vạn đò Thủy Phú lớn lên lấy vợ về thì sinh sống chung với cha mẹ ở trên đò. Mỗi chiếc đò ở đây thường có nhiều thế hệ nên mọi người luôn sống trong cảnh chật chội. Ảnh: NGUYỄN DO

Kiếp vạn đò ăn sông, ngủ đò cứ vin lấy những hộ dân ở đây từ đời này qua đời khác, nhiều người muốn buông ra nhưng nghĩ lại không biết sẽ làm gì nên đành chấp nhận. Ảnh: NGUYỄN DO

Em Trần Văn buồn bã nói: "Em đi học hay bị bạn bè trêu là trẻ xóm đò nên rất ngại. Nhưng mà cũng cố gắng học để khỏi khổ công ba mẹ lam lũ nuôi ăn học". Ảnh: NGUYỄN DO

Hộ gia đình bà Lê Thị Lồng (80 tuổi) gồm tám người thuộc ba thế hệ sinh sống chen chúc trên con đò chật hẹp, bà mong muốn Nhà nước sớm hỗ trợ lên bờ định cư để tuổi già đỡ phải bấp bênh sông nước. Ảnh: NGUYỄN DO

Ước nguyện lên bờ để ổn định cuộc sống, không chỉ là ước nguyện của người lớn mà các em nhỏ ở đây cũng đang mong ngóng từng ngày. "Em không muốn theo nghiệp cha mẹ, em muốn sau này được sống trên bờ, để không còn vất vả nữa, để đưa ba mẹ lên bờ, chứ cả đời lênh đênh trên mặt nước khổ cực rồi” - em Trần Thị Ngọc nói. Ảnh: NGUYỄN DO

Còn em Trần Văn ước: "Em mong năm nay được lên bờ sống chứ cuộc sống ở trên đò vừa chật hẹp lại vừa rình rập nguy hiểm mỗi khi mùa lũ về". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm