Xóm chạy thận ở Đà Nẵng lay lắt giữa mùa dịch

Xóm chạy thận nằm tại ngõ 144 đường Hải Phòng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) là nơi cư trú của 23 bệnh nhân suy thận, những người phải gắn bó cả đời với chiếc máy chạy thận vô tri.

Từng bị xua đuổi, không cho thuê

Cách đây khoảng 3 tháng, những bệnh nhân này sống ở khu nhà được lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho bệnh nhân Quảng Nam lưu trú miễn phí. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, bệnh viện buộc phải thu hồi lại nhà để làm nơi cách ly. Những bệnh nhân chạy thận đành phải ra ngoài tìm phòng trọ mới.

Nhiều năm chạy thận, tay ông Phúc (60 tuổi) mọc những khối u lớn dị dạng. Ảnh: BÙI TOÀN.

Mang căn bệnh suy thận trong người, việc chạy thận phải diễn ra đều đặn 1 tuần 3 lần. Các bệnh nhân sống chung cùng với những khối u dài trên cơ thể, di chứng từ quá trình điều trị.

Hơn 10 năm chạy thận, chị Nguyễn Thị Hà (32 tuổi, quê huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) bộc bạch, trước khi ở xóm chạy thận này, chị đã có nhiều ngày lang thang ở bệnh viện.

“Tôi đi xin thuê phòng ở rất nhiều xóm trọ gần đây mà chẳng ai cho thuê cả. Được anh chị y bác sĩ giới thiệu cho dãy trọ này nên tôi đã liên hệ. Ban đầu, chủ trọ nơi đây thấy tôi bệnh tật nên hơi sợ. Nhưng sau khi thuyết phục, họ đã chịu cho thuê”, chị Hà tâm sự.

Xóm chạy thận gồm 5 căn phòng, mỗi phòng rộng vỏn vẹn 15 m2. Bên cạnh những chiếc giường có sẵn, bệnh nhân còn “chế’ thêm những tấm nệm để đủ cho 4-5 người ở trong một phòng. Phòng chật chội và nóng hầm hập.

Đa phần, những bệnh nhân chạy thận đều có hoàn cảnh khó khăn. Một người bệnh không thể chi trả tiền phòng 4 triệu đồng/tháng. Nên họ liên hệ với nhau cùng ở ghép để tiết kiệm chi phí.

Sống nhờ mạnh thường quân

Qua năm thứ 9 chăm con gái chạy thận ở Đà Nẵng, bà Võ Thị Hồng Nhung (50 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, từ khi chuyển sang chỗ ở mới, cuộc sống khó khăn nay càng ngặt nghèo hơn. Hai mẹ con không biết bấu víu vào đâu.

Chị Nguyễn Thị Hà, 32 tuổi (áo hồng) đã qua 12 năm chạy thận nay sống ngặt nghèo trong xóm chạy thận giữa mùa dịch. Ảnh: BÙI TOÀN.

“Vì dịch nên TP giãn cách xã hội. Những chuyến xe khách không còn hoạt động khiến tôi không thể về quê để lấy thêm đồ tiếp tế. Cũng may nhờ có những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hỗ trợ, không thì chúng tôi chẳng biết sống sao”, bà Nhung kể.

Cũng tuần 3 buổi chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng, ông Trần Hữu Phúc (60 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẽ, dù đã chuyển qua xóm trọ mới, nhưng ông vẫn nhận được những suất cơm, gạo và nhiều nhu yếu phẩm miễn phí từ mạnh thường quân.

“Trước đây, vợ tôi thường xuyên túc trực để chăm sóc cho tôi tại bệnh viện. Nhưng từ khi con trai tôi bị tâm thần, bà ấy phải về quê để chăm lo ruộng vườn, kiếm tiền trả viện phí cho tôi và con trai. Cũng may có sự quan tâm tận tình của các nhà hảo tâm nên tôi và con mới cầm cự đến ngày hôm nay”, ông Phúc xúc động.

23 bệnh nhân trong xóm chạy thận, có nhiều người chỉ ở một mình xoay sở. Trước lúc có dịch, sau khi đi chạy thân, các bệnh nhân còn làm thêm công việc khác để có thêm thu nhập sống qua ngày trong bệnh viện. Nhưng sau lệnh cách ly xã hội mọi thứ đều trông chờ vào lòng hảo tâm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm