Xe ba bánh tự chế trước giờ "G": Vẫn loay hoay chuyện hỗ trợ

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, từ ngày 1-1-2010, cơ quan chức năng sẽ thực hiện nghiêm việc cấm, hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh trên nhiều tuyến đường. Điều này khiến việc mưu sinh của một số người dân bị ảnh hưởng và họ buộc phải chuyển đổi phương tiện hay việc làm. Tuy nhiên, đây lại không phải là vấn đề đơn giản...

Chính sách hỗ trợ còn hạn chế

Theo Quyết định 37/2009 của UBND TP, từ đầu năm 2010, xe thô sơ ba, bốn bánh thu gom rác không được phép lưu thông trong giờ cao điểm (6-8 giờ và 16-19 giờ) trên nhiều tuyến đường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu gom rác trên địa bàn TP. Vì thế, từ đầu tháng 10-2009, nhiều quận, huyện đã có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Cụ thể, khi giao nộp mỗi xe gom rác cũ (bất kể xe lam hay ba gác tự chế) tại phường, chủ phương tiện sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Ngoài ra, các ngân hàng chính sách cũng cho các đối tượng này vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, các chính sách tích cực trên vẫn chưa làm vơi nỗi âu lo của những người trong cuộc. Tại quận Thủ Đức, lực lượng thu gom rác dân lập có đến 2/3 là người ngoại tỉnh, sống thuê nhà nay đây mai đó nên việc hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn. “Sắp tới cuối năm nhưng ở Thủ Đức chưa ai được vay khoản tiền hỗ trợ lãi suất thấp 30 triệu đồng/hộ. Lý do chính là những người này chỉ tạm trú nên không lấy đâu ra sổ hộ nghèo, hộ khẩu hoặc KT3 theo quy định” - Chủ tịch Nghiệp đoàn rác dân lập quận Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Xuân, cho hay.

Xe ba bánh tự chế trước giờ "G": Vẫn loay hoay chuyện hỗ trợ ảnh 1

Nhiều người dân chưa chuyển đổi phương tiện để thu gom rác vì gặp phải khó khăn tài chính. Ảnh: HTD

Tại quận Bình Thạnh, Ngân hàng Chính sách quận cũng cho người làm rác dân lập vay 30 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi 0,32%/năm, thời hạn vay một năm. Tuy nhiên, với những người thu nhập thấp, khoản vay trên không đủ để mua xe tải hoặc xe ép rác kín nên cũng chẳng mấy ai đến làm thủ tục.

Một vấn đề nữa là việc hỗ trợ chưa tính đến những đối tượng đã sớm thanh lý xe ba, bốn bánh tự chế để mua xe tải ngay sau khi Nghị quyết 32/2007 và số 5/2008 của Chính phủ ban hành. Theo ông Lê Dư Hoàng, Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập quận Bình Thạnh, sẽ không công bằng nếu đối tượng trên không được nhận tiền hỗ trợ. Về vấn đề này, ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, cho biết phường không đủ thẩm quyền giải quyết và sẽ xin ý kiến quận.

“Cứ nghĩ tới là rối bời”

Theo số liệu khảo sát của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm TP.HCM, trong số 3.000 người đang chạy xe tự chế ba, bốn bánh chỉ có 87 người muốn học nghề mới, 301 người có mong muốn giải quyết việc làm. Số còn lại có nhu cầu vay vốn để tự chuyển đổi nghề.

Không chỉ chuyện hỗ trợ chuyển đổi xe thu gom rác dân lập, việc hỗ trợ những người đang kiếm sống bằng các loại xe ba bánh thô sơ cũng khiến chính quyền các địa phương đau đầu. Phó Chủ tịch UBND quận 9, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, cho biết hiện quận 9 vẫn chưa thể chuyển đổi hết phương tiện tự chế trên địa bàn. “Các hộ nghèo có hộ khẩu tại quận đã được chúng tôi hỗ trợ gần hết, chỉ còn lại bảy hộ gom rác dân lập. Riêng đối tượng là người nơi khác tới địa bàn quận làm ăn thì quận không đủ thẩm quyền giải quyết” - bà Hồng cho hay.

Tình hình ở quận Thủ Đức cũng tương tự quận 9. Theo bà Trần Thị Kim, Phó phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, đến nay quận mới chỉ giải quyết cho được hơn một nửa trong số 1.000 hộ kiếm sống bằng xe tự chế ba, bốn bánh. “Phần lớn số còn lại là những hộ dân ngoại tỉnh đến làm ăn, các hộ có hộ khẩu TP tại quận khác nhưng lại đến Thủ Đức sinh sống” - bà Kim cho biết.

Bà Kim cho biết thêm, nhiều người dân chưa chuyển đổi phương tiện vì không đủ tiền. “Người chạy xe tự chế ba, bốn bánh đều nghèo nên họ không biết phải xoay xở thế nào cho cuộc mưu sinh tiếp theo với 5 triệu đồng hỗ trợ trong tay” - bà Kim chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù có được nhận tiền hỗ trợ hay không thì nhiều người mưu sinh bằng các phương tiện bị cấm, hạn chế lưu thông vẫn rất lo lắng cho tương lai. Anh Nguyễn Văn Cu, quê Tiền Giang, chạy xe ba gác chở hàng gần hai chục năm nay quanh khu vực chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) than thở: “Tôi gắn bó với nghề này đã lâu nên giờ không biết làm gì để kiếm sống. Có lẽ tôi sẽ về quê kiếm việc gì làm đỡ để nuôi gia đình rồi tính tiếp”.

Còn ông Nguyễn Hồng Trung, chạy xe ba gác trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4), cho biết ông không biết phải sử dụng tiền hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả. “Tôi nhiều tuổi rồi, lại ít chữ nên không dám nghĩ tới chuyện đi xin việc làm. Nếu TP có hỗ trợ học nghề đi chăng nữa thì chưa chắc tôi đã học nổi. Cứ nghĩ tới chuyện này là tôi rối bời” - ông Trung lo lắng.

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm