Xất bất xang bang vì chuyên gia tư vấn dỏm

Chị A. (quê Kiên Giang) cho biết cách đây một năm, gia đình chị gặp khủng hoảng vì chồng chị ngoại tình. Chị đọc thấy quảng cáo về một lớp học “Nghệ thuật quyến rũ”, được tư vấn là giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến tình dục gia đình. Dù gia đình khó khăn nhưng như người sắp chết vớ được cọc, chị bán luôn chiếc xe máy để có tiền đóng cho lớp học với mức học phí 30 triệu đồng.

Hú hồn vì được gặp… chuyên gia thật

Học xong, chị vẫn mù mờ cho trường hợp của mình nên xin gặp riêng “chuyên gia” để được trò chuyện và tư vấn tấm lý. “Chuyên gia” ra giá 5 triệu đồng/giờ tham vấn. Vét sạch tiền để đóng cho chuyên gia, chị được nghe thuyết giảng rất nhiều về tình dục nhưng… vẫn không tìm thấy lối ra. Mâu thuẫn của vợ chồng chị không thể giải quyết bằng các bài học về tình dục.

Trong lúc tuyệt vọng, chị A. được người quen giới thiệu đến ThS tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, chuyên gia tư vấn tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Sau khi được chia sẻ, giúp tháo gỡ các gút mắc, chị A. nói: “Chị Thúy phân tích cho em thấy được vấn đề, thấy được hướng đi, em thoát khỏi trạng thái mù mờ, rối ren. Giá mà em được gặp chị sớm hơn thì đã không mất nhiều tiền vô ích, nhà em lại rất khó khăn…”.

Cách đây hai tuần, chị B. tìm đến một tờ báo trong tình trạng bị trầm cảm và rất khủng hoảng. Tờ báo này đã giới thiệu chị B. đến gặp ThS Phạm Thị Thúy. Qua hai buổi tham vấn, chị B. đã ổn định tinh thần, tìm được giải pháp cho chính mình. Chị B. chia sẻ chị tìm đến báo là “phương án cuối cùng”, bởi chị không có nhiều tiền. Một số chuyên gia tư vấn tâm lý quảng cáo rất nổi trên Facebook yêu cầu mức phí quá cao, dù chị trình bày chị đang rất muốn tự tử và trong túi chỉ có 2 triệu đồng, họ vẫn từ chối.

ThS tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy trong một buổi tập huấn nghiệp vụ. Ảnh: NVCC

Loạn quảng cáo, loạn chuyên gia

Hiện nay có khá nhiều lớp học tâm lý, lớp học về tình dục được quảng cáo rất kêu trên mạng xã hội. Trong đó, rất nhiều người tự giới thiệu là “chuyên gia hàng đầu”, tiến sĩ tâm lý đào tạo từ nước ngoài.

Gần đây, một người được các học viên giới thiệu là “thạc sĩ tâm lý tình dục số một Việt Nam” tên ĐTS cũng đang rầm rộ mở các lớp “đào tạo chuyên gia tâm lý, tình dục học cho Việt Nam”. Trong một bài viết trên Facebook, ĐTS viết: “100 triệu người dân Việt Nam cần rất nhiều chuyên gia tâm lý, người kinh doanh, phát triển các mô hình sinh thái, dịch vụ liên quan đến đời sống tình dục để giúp họ. Start up với tình dục là một lựa chọn mới để phát triển sự nghiệp. Đây là cơ hội tốt cho những ai nắm bắt được và dám can đảm dấn thân vào một thị trường mới mẻ”. Theo lời quảng cáo, sau năm ngày tham gia lớp đào tạo do “chuyên gia” ĐTS giảng dạy, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giảng viên đào tạo tình dục học.

Bao giờ các cơ quan chức năng sẽ quản lý?

Các ngành nghề liên quan đến chuyên ngành tâm lý hiện còn khá mới mẻ ở Việt Nam và chưa có một cơ quan nào có chức năng cấp giấy phép hành nghề tham vấn tâm lý. Trừ môi trường học đường, các giáo viên tư vấn tâm lý buộc phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về bằng cấp, trình độ, còn lại thì thị trường tranh tối tranh sáng, nhiều người được một số công ty đào tạo kỹ năng thổi phồng thành chuyên gia dễ dàng.

Chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em và gia đình Lê Khanh, Hội Tâm lý TP.HCM, trăn trở: “Ở nước ngoài, chỉ cần quảng cáo sai sự thật hoặc có yếu tố trục lợi, người hành nghề tư vấn tâm lý có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn. Trong khi đó ở Việt Nam, các vấn đề này, từ bằng cấp đến đạo đức đều chưa được quản lý, giám sát”.

ThS Phạm Thị Thúy, đồng thời là tiến sĩ ngành xã hội học, nêu quan điểm: “Từ chuyên gia đang rất bị lạm dụng, một khóa học vài ngày chỉ có thể trang bị cho các bạn một lượng kiến thức sơ sài, không bao giờ đủ để có kỹ năng nghiên cứu cũng như kiến thức khoa học. Có người làm nghiên cứu cả đời mà vẫn chưa dám nhận mình là chuyên gia. Họ đưa ra những danh xưng rất kêu, quảng cáo quá sự thật, khách hàng không biết đâu mà lần”. ThS Thúy nói: “Mạo danh khoa học, tự xưng chuyên gia, đánh vào sự thiếu hiểu biết của khách hàng trục lợi là vừa thiếu hiểu biết, vừa vô đạo đức”.

Hội tâm lý chưa được giao quyền

Tôi đề nghị giao quyền cho một hội hoặc cơ quan có chức năng kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ hành nghề cho những ai làm tham vấn tâm lý, công việc liên quan đến tâm lý và đào tạo. Đây phải là các ngành nghề đòi hỏi khắt khe về các điều kiện để không gây hại cho xã hội.

Trong khi chưa có quy định, người có nhu cầu được tư vấn tâm lý cần tìm đến các đơn vị có uy tín, trực thuộc Hội Tâm lý Việt Nam hoặc các bác sĩ chuyên khoa. Thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm