Vương Trọng và những vần thơ chuyển tải nỗi lòng

"Thơ sinh ra không phải để người đời chơi chữ" - Vương Trọng từng không dưới một lần thể hiện sự dị ứng của mình trước loại thơ mà anh cho là "hũ nút", là "đánh đố" người đọc. Nếu tôi không nhầm thì anh chính là tác giả của câu ví von hiện vẫn được truyền tụng trong làng thơ: Sợ nước trong người ta nhìn thấy đáy nên những kẻ "cạn lòng" mới thích khuấy ngầu lên.

Vương Trọng và những vần thơ chuyển tải nỗi lòng ảnh 1

Nhà thơ Vương Trọng. 

Tất nhiên, có nhiều cách để hình thành nên một bài thơ hay. Và thơ hay cũng có nhiều kiểu hay: Có cái hay của ý tưởng độc đáo, tình tiết cảm động; lại có cái hay của cấu tứ mới lạ, nhạc điệu du dương… Vậy nên, nói "chơi chữ" là nói cách của những kẻ bất tài, lười biếng, muốn núp bóng sự "cách tân thơ" để lòe người đọc, còn thì nói chung, với phần đông người làm thơ, họ luôn phải vất vả đánh vật với từng con chữ để mong tìm ra cách diễn đạt tối ưu nhất nhằm đem tới những ấn tượng mới lạ nơi người đọc. Nghe nói, để có được câu "Củi một cành khô lạc mấy dòng" (bài "Tràng giang"), Huy Cận phải làm tới 5 câu khác nhau. Còn bài "Bến Lú - sông Tương" của Chế Lan Viên, mặc dù chỉ vẻn vẹn 4 câu - song theo nhà văn Vũ Thị Thường cho hay "bài này tác giả làm 5 dạng khác nhau, dạng nào cũng bị xóa đi, coi như chưa ổn".

Với Vương Trọng, thơ hay trước nhất là ở ý, ở tứ. Và bài thơ giá trị là bài thơ mà khi đọc lên, "nhiều khi người ta không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận". Có nghĩa, ngôn ngữ chỉ là phương tiện giúp tác giả chuyển tải những suy nghĩ, tình cảm của mình về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, con người. Nó như chiếc xe mà cấu trúc câu thơ như thể con đường. Xe càng chắc chắn bao nhiêu, đường càng bớt gồ ghề, quanh co bao nhiêu, thì những suy nghĩ, tình cảm của tác giả càng được chuyển tải đến độc giả nhanh bấy nhiêu. Đó là lý do khiến đọc Vương Trọng, ta sẽ thấy câu thơ hầu như bao giờ cũng được diễn đạt theo lối hành văn thông dụng và được sắp xếp theo một cấu trúc ổn định. Rất hiếm những câu có cách cấu trúc đột biến, và có ý tưởng mù mờ, không rõ nghĩa.

Vương Trọng là người thông minh. Khả năng liên tưởng của anh khá nhạy. Từ sợi tóc hai màu đen - trắng trên đầu, anh liên hệ tới hai nửa sáng - chiều và thảng thốt nhận ra đó chính là cái mốc đánh dấu việc mình đã đi qua buổi "trưa - cuộc - đời" (bài "Sợi tóc hai màu"). Một tối uống rượu cần ở Nhà Rông, trước vồng ngực để trần của các nàng thiếu nữ Tây Nguyên, anh đã có một liên tưởng: "Vồng ngực em thắp lửa/ Cho nhà Rông làm đèn" (bài "Nhà Rông"). Nhìn cảnh lá tre co cụm lại chống đỡ cái nắng trưa đổ lửa, anh viết: "Tre cuộn tròn lá nắng/ Héo mất rồi bóng râm" (bài "Đôi nét miền Trung"). Người ta thường nói nắng héo cỏ héo cây, chứ nào có ai nói nắng héo đến cả… bóng râm? Quả là một liên tưởng giàu sáng tạo.

Thông minh thường đi liền với hóm hỉnh. Đọc thơ Vương Trọng, ta thường bắt gặp nụ cười dí dỏm của tác giả. Đây - làm "Lời trái đất", anh viết: "Tôi vốn nhỏ và ngày thêm bé nhỏ/ Khi số người đông thêm, đầu óc to thêm/ Từng giật mình hai ngàn năm trước/ Khi Ácsimét đòi nhấc bổng tôi lên/ Cũng may điểm tựa, cánh tay đòn ông chưa tìm thấy được/ Tôi còn quay theo quỹ đạo tự nhiên…". Đây - một nghịch lý anh bắt gặp nhân một lần đến thăm Bảo tàng Nguyễn Du: "Kim Trọng hào hoa hài văn/ Từ Hải oai phong hài võ/ Giác Duyên nhẹ nhàng hài cỏ/ Hài hoa theo Kiều lưu lạc mười lăm năm…/ Chỉ riêng em, người giới thiệu bảo tàng/ Đi hết Truyện Kiều bằng hai bàn chân đất" (bài "Trong nhà Bảo tàng Nguyễn Du").

Đây - cảnh trong và sau bữa cơm mà người vợ của nhà thơ (được anh phong cho danh hiệu "Hoa hậu của nhà") thường xuyên gặp phải: "Mâm dọn ra, chồng và con như khách/ Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu/ Vừa xong bữa cả nhà đi sạch/ Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo" (bài "Hoa hậu của nhà"). Và đây nữa - tác giả "thay lời mình" nói với các bà vợ hay ghen: "Chồng mình tài giỏi, hào hoa/ Mới em kia thích, mới bà nọ mê/ Hay gì kẻ ghét, người chê/ Thích chi thui thủi đi về một thân" (bài "Thơ vui tặng các bà vợ hay ghen"). Trong thực tế, tôi đã chứng kiến những câu thơ vui hóm trong hai bài thơ "Hoa hậu cả nhà" và "Thơ vui tặng các bà vợ hay ghen" của Vương Trọng thi thoảng vẫn được thiên hạ "quảng bá" trong các cuộc vui, như thể đó là thơ… dân gian.   

Vương Trọng là một nhà thơ giàu năng lực đồng cảm, sẻ chia... Năm 1988, phát biểu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh từng than phiền về mình và thế hệ mình: "Có một thời, nhà thơ đi đóng hết vai người này đến vai người nọ, riêng vai mình thì nhà thơ không đóng…", trong khi thực tế, đọc thơ Vương Trọng (trước đó và sau này), ta thấy anh đã "nhập vai" khá thành công nhiều nhân vật (cả trong lịch sử, trong truyền thuyết và trong văn học, như nàng Vọng Phu, công chúa Mỵ Châu, Thị Mầu, Chí Phèo, nhà thơ Nguyễn Bính…). Từ việc "nhập vai" ấy, người đọc thêm hiểu tình cảm, suy nghĩ, cốt cách của anh. Bức "chân dung thơ" của Vương Trọng qua đó cũng đậm hơn, hoàn chỉnh hơn. Như vậy, vấn đề không phải là nhà thơ có "đóng vai" ai hay không, mà là vấn đề anh chọn lựa cách tiếp cận cuộc sống ra sao để có những trang viết phù hợp với thể tạng của mình.

Càng về sau này, các ý kiến của Vương Trọng càng… mạnh bạo. Anh không chỉ lên tiếng về các vấn đề văn hóa, xã hội (như ở bài thơ nổi tiếng "Bên mộ cụ Nguyễn Du"), mà còn rốt ráo bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trong những vấn đề liên quan đến tình yêu, là đề tài mà trước đây, với tư cách một nhà thơ mặc áo lính, anh ít có điều kiện bộc lộ một cách cởi mở. Tuy nhiên, vốn là người yêu ghét rạch ròi, lại có phần hơi… cực đoan, đã có những lúc anh thể hiện quan điểm của mình một cách thái quá, đẩy sự việc đi khá xa so với bản chất của nó và bởi vậy mà không phải lúc nào cũng tìm được sự đồng điệu nơi người đọc. Nàng Thúy Vân so với nàng Thúy Kiều thế nào, cụ Nguyễn Du nói rồi và nhiều người cũng biết rồi. Song phê phán "típ" người này theo kiểu Vương Trọng, rằng là "ăn no ngủ kỹ", "chẳng yêu đương cũng lấy được chồng"… thì e hơi nặng và thực tình cũng chưa phải là thỏa đáng lắm đâu. Cũng quá đà như vậy là cách anh phê một cô gái có ảnh in trên bìa lịch treo tường chỉ bởi cô cười trên ảnh… suốt ngày và bức ảnh ấy được treo ở… "khắp đó đây".

Như đã nói, Vương Trọng thích thứ thơ "chuyển tải nỗi lòng", thứ thơ "đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh". Vương Trọng đã viết được những bài như vậy. Trong số này, nổi bật nhất có lẽ vẫn là bộ ba gồm các bài: "Chị", "Với đứa con ngoài giá thú", "Hai chị em". Ba bài này có thể được xem là những bức tranh liên hoàn đề cập tới mặt trái của tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc.

"Hẹn một ngày chờ đợi mấy ngàn ngày/ Anh đi biệt phương trời không trở lại" (bài "Chị"). Đây là một nguyên nhân phổ biến tạo nên sự cơ nhỡ của người con gái thời chiến trận. Sự cô đơn mà chị phải gánh chịu thật đáng sợ: "Đêm thắp đèn cho bóng nữa thành đôi". Kể ra, sống trong cảnh đối nghịch: "Nhà hàng xóm thừa ồn ào tiếng trẻ/ Chị thiếu từng bát đũa va nhau" người ta cũng cảm thấy tủi. Song có con rồi để mà bị thiên hạ "ghét bỏ" như trong "Với đứa con ngoài giá thú" thì lại càng cay đắng. Vương Trọng đã bênh vực người phụ nữ "làm mẹ mà chưa từng làm vợ" ấy. Không hề thuyết lý, tác giả chỉ bình lặng giới thiệu với người đọc, qua đó hình ảnh nhân vật hiện lên khiến ta phải xót thương và quý trọng.

Bài "Hai chị em" lại giới thiệu toàn cảnh một gia đình vợ chồng con cái đề huề mà vẫn đi đến chỗ tan vỡ. Viết về những đề tài này, giọng thơ Vương Trọng thấm thía, vừa có sức an ủi lại vừa có sức lay động.

Thơ Vương Trọng thường hướng đến người thực việc thực, đến những vấn đề cụ thể. Nó nặng về cấu tứ, ít tung tẩy, biến hóa trong cách diễn đạt. Bởi vậy, đọc Vương Trọng, ta có cảm nhận đó là một tiếng thơ nghiêng về sự thông minh hơn là… tài hoa. Hơn nữa, do quá nệ vào nội dung phản ảnh nên ở một số chỗ, thơ Vương Trọng thiếu cái ảo, cái gợi cảm cần thiết. Ấy là chưa kể, với những bài thơ có cốt truyện, thì ở những chỗ nối ý, chuyển đoạn - kiểu như từ đường dọc bất ngờ chuyển sang đường ngang - nếu không xử lý tốt, tay lái rất dễ mất thăng bằng. Thực tế, Vương Trọng đã không ít lần bị "sa lầy" ở những chỗ này, với việc để xuất hiện những câu dẫn chuyện nôm na, kiểu như: "Và Đạm Tiên hiện ra/ Nhập vào đời Kiều, nhập vào đời ta" (bài "Đạm Tiên"); "Và bất ngờ, An Dương Vương quay lại" (bài "Mỵ Châu"); "Thầm nghĩ vậy nhưng nàng không hề hỏi/ Khi chàng trai đối diện, trụi trần" (bài Tiên Dung")… Bài "Hai chị em" là một bài thơ có những tình tiết cảm động, những phát hiện tinh tế, song vẫn khiến người đọc có cảm giác như đó là một… truyện ngắn rút gọn. Bài "Chị" có "cải thiện tình hình" hơn. Riêng "Với đứa con ngoài giá thú" là tránh được nhược điểm này. Đọc những câu:

Thôi nhắc chi những năm dài trống trải
Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu
Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải
Pháo cưới người như đốt để trêu nhau

hay:

Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ
Mình mẹ lo khi trái gió, trở trời
Ngoài giá thú sao ngoài lòng thương cảm
Để người đời ghét bỏ mẹ con tôi

người ta thấy đúng là có những vấn đề, những trạng huống tình cảm "chỉ có thể giải quyết được bằng thơ".

 
Theo Nguyễn Trường Văn (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm