Vụ "Vay tín dụng đen" ở Quảng Bình: Dân “tố” tiếp nhiều trường hợp đau lòng

Khi bài viết “Vay tín dụng đen nộp tiền nông thôn mới” (Pháp Luật TP.HCMngày 25-7) đến tay bạn đọc, nhiều bà con ở xã Tân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) tiếp tục thông tin ở xã này còn có những trường hợp bị thu tiền làm đường bê tông hết sức kỳ quặc.

Không nộp là bị réo lên loa

Trước những thông tin đó, chúng tôi tức tốc về lại Tân Thủy. Những chuyện đau lòng cứ thế được người dân gạt nước mắt kể.

Như trường hợp của ông Trần Quang Toán ở làng Tân Bằng, điều trị tâm thần từ 30 năm nay (có sổ điều trị bệnh tâm thần) nhưng vì ông đứng tên là chủ hộ có năm nhân khẩu nên vẫn bị đưa vào danh sách phải đóng. Bà Ngô Thị Phách - vợ ông cho biết: “Thôn xóm cứ thế áp tới nộp. Tui xin giảm hoặc miễn cho ông Toán vì tâm thần nhưng trên xã nói không được, còn sống là lo nộp”. Bà Phách tiếp: “Tui đang đi vay tiền thì loa thôn oang oang ngày ba lần, réo tên nhà tui miết. Cứ nghe tiếng loa là ớn lạnh tóc gáy, chú ơi!”.

Tương tự, nhà ông Trần Kim Thịnh (ở làng Tân Thịnh) có bảy nhân khẩu, gia cảnh khó khăn. Ông là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Đứa con thứ Trần Kim Tâm, 33 tuổi bị thần kinh bẩm sinh, cứ đi lang thang đầu đường cuối xóm, ai cho gì ăn nấy, không cho thì về nhà lục lọi nồi niêu để ăn. Bà Đinh Thị Lan - vợ ông Thịnh  nói: “Tui nói con tui chả biết chi mà mần, chả biết chi mà lao động, phải hưởng trợ cấp của Nhà nước về nạn nhân chất độc da cam nên các anh thương tình miễn cho cháu. Trưởng thôn, cán bộ xã về xác minh xong chẳng đồng ý. Cứ rứa mà nộp 1,7 triệu đồng”. Bà Lan cũng cho hay gia đình bà chưa có tiền nên nộp chậm thì cũng bị thôn bắc loa gọi tên tới lui. “Tủi quá, tui phải chạy vạy khắp xóm làng vay tiền mà nộp để khỏi bị réo lên loa” - bà Lan nỗi niềm.

Ông Trần Quang Toán bị tâm thần 30 năm vẫn bị thôn liệt vào danh sách nộp tiền làm đường như người thường, xin giảm cũng không cho... (Ảnh dưới: Sổ điều trị tâm thần ngoại trú của ông Toán). Ảnh trong bài: MINH QUÊ

Hay như ở làng Tân Hòa, vợ chồng ông Phan Quốc Trị - bà Lê Thị Hậu tàn tật, cả hai vợ chồng phải di chuyển bằng xe lăn. Là con của liệt sĩ thời chống Pháp nhưng khi làm đường, thôn thông báo hai vợ chồng ông còn nợ hai suất tiền với 340.000 đồng. “Tui vay trả được một nửa, còn một nửa tui nói cho tui mần mướn xong có là trả. Thế mà trong năm 2013, vợ chồng tui được hỗ trợ 100.000 đồng vì bị ảnh hưởng bởi bão từ một chương trình từ thiện lại bị cấn trừ nợ tiền đường. Buồn lắm, chú ạ!” - ông Trị cho biết.

Đe nẹt dân vì dám “tố” với báo chí?

Thông tin từ một số người dân cho hay họ đã bị “đe nẹt” vì cung cấp thông tin cho báo chí. Như trường hợp của anh Dương Văn Điệp ở thôn Tân Lỵ (kể về hoàn cảnh vợ mất, một mình nuôi con trong túp nhà cuối xóm với cảnh nghèo vô cùng, một đoàn từ thiện tặng hai cha con anh 280.000 đồng ăn tết năm 2013 liền bị trưởng thôn giữ hết) bị trưởng thôn Dương Đăng Ái hạch sách vì sao lại kể những chuyện đó cho báo chí biết. Anh Điệp kể: “Ông Ái nói: “Mi được hộ nghèo là do tau, mi đừng to mỏ!”. Tui nói lại phận tui nghèo là do số phận, răng (sao) do anh được. Nghèo được Nhà nước trợ cấp là vì Nhà nước nhân văn, thương dân chứ mớ chi của anh”. Anh Điệp cũng cho biết thêm, lãnh đạo thôn cấm anh không được nói hoàn cảnh gia đình cho bất cứ ai về tìm hiểu. “Tui không chấp nhận như rứa (thế) được, trưởng thôn mà cấm dân nói là răng?” - anh Điệp bức xúc.

Vợ chồng ông Trị đi xe lăn cũng bị thu và cấn trừ tiền từ thiện. 

Bà Nguyễn Thị Thoái (cùng thôn, người phát hiện việc gian dối làm đường từ 590 m thành 1.000 m) cũng bức xúc nói: “Trưởng thôn, bí thư chi bộ cấm không được nói khó khăn, cấm không được nói nộp tiền bạc làm đường nặng nề. Nói rứa răng được? Thôn mần răng dân biết hết, ai ép dân như thế nào thôn biết hết. Cấm là cấm răng được?”. Bà Thoái cũng cho biết thêm: “Với trường hợp hộ bà Phạm Thị Lướt phải vay mượn tín dụng đen để nộp cả suất mẹ già bị bệnh thập tử nhất sinh, nộp xong mẹ bà Lướt mất. Trước khi nộp, có xin thôn giảm cho bà mà không cho. Bà Lướt kể với nhà báo xong thì chừ thôn không cho gặp bất cứ ai vì sợ bà Lướt nói về hoàn cảnh của mình”.

Trường hợp cháu Dương Văn Thiện (bị lơ ngơ và quậy phá vô thức, thôn bắt nộp như người bình thường), thôn cũng cấm người nhà không để cho ai chụp ảnh. “Mẹ cháu chết, chừ ở với cha, khi thì về nhà ngoại, nhà cô, nhà dì. Gia đình có lên xin thôn miễn cho cháu nhưng trưởng thôn nói “Hắn có trợ cấp nhà nước thì lo mà nộp”. Thử hỏi mỗi tháng cháu chỉ có mấy trăm ngàn, cũng chỉ đủ cho cháu ăn chứ cháu làm được tiền thì nộp rồi” - một người thân của cháu Thiện nói.

Trong quá trình trở lại Tân Thủy, tìm hiểu ở 12 thôn tại đây, thực ra không phải trưởng thôn nào cũng ép dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi diễn ra cuộc vận động dân góp tiền làm đường, đã có trưởng thôn góp ý nên miễn hoặc giảm cho các đối tượng khó khăn, chất độc da cam, tâm thần, già cả neo đơn... thì bị xã đe nẹt ngay nên không dám “hó hé”.

Khi trao đổi vấn đề dọa dân, ông Nguyễn Văn Hiệu, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, cho biết sẽ chỉ đạo chấm dứt ngay chuyện này. Ông Trần Văn Lương, Phó Chủ tịch xã Tân Thủy, cũng hứa chỉ đạo rốt ráo sự việc này để bà con nhân dân yên tâm sinh hoạt bình thường.

MINH QUÊ

Mong thôn, xã làm đúng chỉ đạo của chủ tịch huyện

Chúng tôi cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân quê nghèo. Với xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cũng mong muốn góp công, góp sức, góp của nhưng cách làm của một số lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn làm sức dân kiệt đi thì người dân phải đấu tranh. Chủ tịch huyện Nguyễn Quang Năm đã có chỉ đạo rất sát là giảm, miễn với người khó khăn, đối tượng chính sách, rứa mà xã, thôn vẫn bắt người tâm thần ra nộp, bắt người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ra nộp thì không nhân văn chút nào cả.

NGUYỄN THỊ THOÁI (thôn Tân Lỵ, xã Tân Thủy)

Cách làm cá nhân, duy ý chí gây tổn thương

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã nhà Tân Thủy bị mất hình ảnh không phải do người dân chậm nộp, cũng không phải do người dân kể với báo chí về cách thức nộp cào bằng, mà do cách làm mang tính cá nhân chủ nghĩa của một số cán bộ cơ sở. Điều này đã làm cho phong trào vốn do dân làm chủ thể trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Thế thì phải xem xét lại tư cách một số cán bộ cốt cán của xã.

Ông LÊ GIA HẠNH, một cán bộ hưu trí ở thôn Tân Bằng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm