Vụ người Trung Quốc nuôi cá trái phép: Phú Yên đã cấp phép sai

Sáng 5-6, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên kiểm tra ba khu bè nuôi cá của các DNTN Vĩnh Tín, Mỹ Ngọc và Công ty TNHH Thuận Hoàng tại Vũng Rô có người Trung Quốc nuôi cá.

Không có thị thực cũng được cấp phép

Tại khu bè của DNTN Vĩnh Tín (quy mô hơn 2 ha mặt nước), chủ doanh nghiệp Lâm Mỹ Khanh thừa nhận người điều hành, hướng dẫn kỹ thuật việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là ông Cheng Tsao-Chiang (sinh năm 1947, quốc tịch Trung Quốc). Bà Khanh cho rằng ông Cheng là chồng bà và vừa rời Phú Yên vào TP.HCM. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của công an cho thấy ông Cheng không có thị thực, giữa ông và bà Khanh không có giấy đăng ký kết hôn. Thế nhưng ngày 6-9-2010, UBND tỉnh Phú Yên vẫn cấp phép cho ông này đến Vũng Rô để hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú, tôm (thời hạn đến 29-6-2012) trên cơ sở tờ trình của DNTN Vĩnh Tín!

Có giấy phép trên, ông Cheng Tsao-Chiang ung dung đến Vũng Rô nuôi cá mà chẳng hề đăng ký về lưu trú, lao động tại Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên nên các cơ quan này không hay biết.

Còn bà Bùi Thị Bích Ly, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hoàng, cũng thừa nhận khu bè có thuê một người Trung Quốc hướng dẫn kỹ thuật. Bà cho biết hiện người này không ở trên khu bè, đi đâu bà không rõ. Trước đó, ngày 1-6, làm việc với PV, bà Ly thừa nhận công ty đã nhận làm giúp giấy tờ cho hai người Trung Quốc đến Vũng Rô nuôi thủy sản.

Vụ người Trung Quốc nuôi cá trái phép: Phú Yên đã cấp phép sai ảnh 1

Ngày 5-6, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên kiểm tra khu bè cá ở Vũng Rô do người Trung Quốc tổ chức sản xuất, kinh doanh nhưng núp bóng người Việt. Ảnh: TẤN LỘC

Theo Đồn biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Rô, từ năm 2006 đến nay có ba người Trung Quốc thường xuyên làm việc tại khu bè của DNTN Vĩnh Tín. Trước đây, tại khu bè của DNTN Mỹ Ngọc cũng có ba người Trung Quốc hướng dẫn kỹ thuật nhưng nay đã rời khỏi nơi này. Trong báo cáo, Đồn biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Rô không biết khu bè của Công ty TNHH Thuận Hoàng cũng thường xuyên có người Trung Quốc làm việc.

Ông Nguyễn Xuân Ngân, cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, thành viên đoàn kiểm tra, nói: “Theo quy định, người nước ngoài muốn làm việc tại Phú Yên đều phải đăng ký qua Sở LĐ-TB&XH trước khi các cơ quan chức năng khác xem xét cấp phép. Đến nay chúng tôi chưa hề nhận bất cứ hồ sơ của người nước ngoài nào đăng ký làm việc tại Vũng Rô nên tất cả giấy phép cấp cho người Trung Quốc đến Vũng Rô làm việc thời gian qua đều sai quy định”.

Nuôi trong vùng không cho phép

Đoàn còn phát hiện tất cả các khu bè nuôi cá bằng lồng của người Trung Quốc núp bóng các doanh nghiệp Việt đều không có giấy phép. Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hoàng nói: “Khu vực mặt nước công ty tôi đang nuôi cá là thuê của Tỉnh đội Phú Yên”. Tuy nhiên, bà không đưa ra giấy tờ gì liên quan.

Không có giấy phép nên từ năm 2007 đến nay, các doanh nghiệp trên cũng không phải đóng một khoản gì cho việc sử dụng mặt nước. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng đoàn kiểm tra, nói: “Theo quy hoạch, khu vực Vũng Rô không được nuôi thủy sản do nằm trong quy hoạch cho cảng, nhà máy lọc dầu. Do đó, toàn bộ 162 bè nuôi hải sản tại khu vực này đều sai phạm”.

Qua kiểm tra cũng cho thấy hầu hết nguồn giống hải sản nuôi tại các khu bè có người Trung Quốc đều nhập thẳng từ Trung Quốc vào mà không qua kiểm dịch. Theo Đồn biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Rô, từ năm 2007 đến nay, tàu Việt Điện Bạch 8366 của Trung Quốc đã 39 lần vào Vũng Rô chở hơn 623 tấn cá các loại. Đại diện các doanh nghiệp trên cũng cho biết: Mỗi khi vào Vũng Rô, tàu Việt Điện Bạch 8366 cập trực tiếp tại các khu bè rồi chở thẳng cá sang Trung Quốc.

Ngày 4-6, trong công văn yêu cầu các cơ quan kiểm tra, UBND tỉnh Phú Yên khẳng định: Người Trung Quốc đến Vũng Rô - một trong những vùng nhạy cảm - làm chuyên gia nhưng thực chất là sinh sống và nuôi cá. Thực tế tỉnh lại cấp phép cho họ đến Vũng Rô làm việc. Chiều 5-6, trả lời câu hỏi “Vì sao khu vực Vũng Rô không được nuôi thủy sản nhưng UBND tỉnh lại cấp phép cho nhiều người Trung Quốc đến đây hướng dẫn nuôi thủy sản?”, ông Hồ Văn Tiến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra và trả lời sau”.

Công an Khánh Hòa đã xử phạt bảy người Trung Quốc hoạt động trái phép và không phép trên vịnh Cam Ranh. Cụ thể, năm người bị phạt 15 triệu đồng/người và hai người bị phạt 3,5 triệu đồng/người. Hiện đã có năm người về nước, hai người còn lại sẽ về nước sau khi thời hạn hộ chiếu hết hạn vào ngày 9-6.

Đại tá Hồ Thanh Tùng, Trưởng phòng Trinh sát Bộ đội biên phòng Khánh Hòa, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 23 người Trung Quốc đang hoạt động nuôi trồng và thu mua hải sản trái phép trên các vùng biển, bến cảng. Trong đó có bốn người Trung Quốc vừa mới bị biên phòng phát hiện tại vùng biển Nha Trang.

Bộ đội biên phòng cũng đang kiến nghị tỉnh chỉ đạo BQL Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) rút giấy phép vừa gia hạn cho ba lao động người Đài Loan đang làm việc nuôi trồng hải sản tại doanh nghiệp Quách Kiều (huyện Vạn Ninh) vì doanh nghiệp này hoạt động trái phép từ 2007 đến nay.

LÊ XUÂN

Khi để xảy ra việc người nước ngoài vào làm ăn, sản xuất tại các khu vực nhạy cảm, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền, bộ đội biên phòng và công an.

Trong vụ việc này, chúng ta phải xác định rõ địa điểm chính xác của những khu lồng bè, ranh giới bảo vệ cảng và từ những bè cá của người Trung Quốc này có thể quan sát quân cảng Cam Ranh hay không cũng như tình hình cư trú của người nước ngoài. Nếu người nước ngoài đã lập gia đình tại Việt Nam thì bản chất của mối quan hệ đó thế nào. Ngoài ra, để tránh những trường hợp tương tự như Cam Ranh, Vũng Rô... thì rất nên tổng kiểm tra người nước ngoài nuôi trồng thủy sản ở khu vực biên giới, biển đảo trên toàn quốc.

Hiện Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội chưa có kế hoạch giám sát về việc này nhưng chúng tôi sẽ họp bàn. Với tư cách là thành viên của ủy ban, tôi sẽ đề nghị xem xét lại toàn bộ việc đầu tư ở khu vực biên giới, biển đảo…

Ông TRẦN ĐÌNH NHÃ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm