Vụ dự trữ thuốc Tamiflu: Các công ty dược phản đối kết luận thanh tra

Sáng qua (10-9), ba công ty dược có liên quan trong vụ mua bán thuốc Tamiflu đã gửi hồ sơ và đơn kiến nghị khẩn cấp lên Chính phủ, kiến nghị xem xét hai vấn đề trong dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đơn kiến nghị đồng đứng tên Công ty CP Dược phẩm Phú Yên (Pymepharco), Công ty TNHH Liên doanh Stada Việt Nam, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm.

Báo Pháp Luật TP.HCM thông tin về ý kiến của các công ty này nhằm rộng đường dư luận.

“2,8 triệu USD là tiền bồi thường hợp đồng”

Các công ty cho rằng mình đã “thua lỗ nặng nề” khi thực hiện hợp đồng sản xuất thuốc Tamiflu với Bộ Y tế. Bởi lẽ khi Bộ Y tế có yêu cầu khẩn cấp về thuốc thì các doanh nghiệp đã tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Khi tìm được nhà cung cấp, các công ty này đã ký hợp đồng, đặt cọc mỗi doanh nghiệp 2 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng thuốc yêu cầu cứ bị thay đổi liên tục, từ 5 triệu viên nâng lên 10 triệu viên rồi lại hạ xuống còn 7,5 triệu viên và cuối cùng ký hợp đồng chính thức chỉ là 5 triệu viên. Giá mà Bộ Y tế đưa ra là 27.765,5 đồng/viên. Các công ty cho rằng với giá bán như thế này là lỗ nặng nề nhưng nếu không thực hiện thì sẽ không mua nguyên liệu và sẽ mất 2 triệu USD tiền cọc. Vì vậy mà các công ty phải thực hiện hợp đồng.

Trước tình hình thua lỗ, các công ty đã vận dụng tối đa các điều khoản trong hợp đồng để thương lượng với nhà cung cấp nhằm giảm thiệt hại và cuối cùng vận dụng được điều khoản về cung ứng nguyên liệu. Trong hợp đồng, Stada IE đảm bảo mỗi ký nguyên liệu sẽ có thể giúp sản xuất trên 10.100 viên nang sản phẩm và Stada IE chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sản xuất không cho ra số lượng tối thiểu trên. Do sản lượng thực tế thấp hơn so với cam kết nên Stada IE đã đền bù thiệt hại. Cụ thể, Imexpharm được đền bù 986.000 USD (tương đương 15,7 tỉ đồng), Stada Việt Nam được đền bù 930.000 USD (tương đương 14,8 tỉ đồng) và Pymepharco được đền bù 930.000 USD (tương đương 14,8 tỉ đồng). Tổng cộng 2,846 triệu USD.

Các công ty cho rằng khoản tiền này phải được xem là tiền do doanh nghiệp đã thương thảo được để giảm lỗ cho đơn vị mình nên rất không hợp lý khi Thanh tra Chính phủ xem đây là “tiền giảm giá nguyên liệu” và yêu cầu nộp cho ngân sách. Vì vậy, các công ty kiến nghị Chính phủ xem xét đúng bản chất khoản tiền trên và không buộc hoàn số tiền này cho ngân sách theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ.

Vụ dự trữ thuốc Tamiflu: Các công ty dược phản đối kết luận thanh tra ảnh 1

Một dây chuyền sản xuất thuốc Tamiflu. Ảnh minh họa

“Không thể mua thuốc từ Roche”

Các công ty này cũng gửi các bản phân tích dựa trên các biên bản họp với Bộ Y tế và các thư của trưởng văn phòng đại diện Roche tại TP.HCM. Các công ty này cho rằng Việt Nam không thể mua nguyên liệu thuốc của Công ty Roche. Thứ nhất, từ tháng 11-2005 đến tháng 8-2006, Roche chỉ có thể cung cấp cho Việt Nam mỗi tháng một thùng nguyên liệu đã trộn sẵn, có khả năng điều trị cho khoảng 7.000 bệnh nhân. Đến tháng 6-2008, Roche mới có thể cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc (hoạt chất oseltamivir phosphat) cho Việt Nam.

Các công ty này cũng cho rằng tuy Roche có kế hoạch ổn định giá nhập khẩu thuốc Tamiflu viên nang thành phẩm vào Việt Nam ở giá 2,265 USD/viên, giao 2 triệu viên vào đầu tháng 2-2006 và giao 8 triệu viên vào tháng 6-2006 và 15 triệu viên vào tháng 12-2006 nhưng không đáp ứng được yêu cầu về thời gian và số lượng thuốc của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo trước tháng 4-2006 phải đảm bảo có thuốc dự trữ.

“Không thể hình sự hóa”

Trong đơn kiến nghị, các công ty này cho rằng hợp đồng mua bán thuốc Tamiflu giữa doanh nghiệp và Bộ Y tế là hợp đồng kinh tế. Theo quy định của Luật Thương mại thì bên mua có quyền khiếu nại, kiện tụng trong vòng hai năm nếu thấy quyền lợi bị xâm phạm. Trong khi đó, bên mua đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện hợp đồng này ba lần (năm 2006, 2008, 2009) và không hề có phản ánh khiếu nại nào. Hợp đồng cũng đã thanh lý từ tháng 5-2007. Vì vậy, các công ty kiến nghị phải giải quyết theo pháp luật và thông lệ về giải quyết tranh chấp của hợp đồng kinh tế.

Mối liên quan giá mua nguyên liệu - giá bán thuốc

Trong một số văn bản giữa Bộ Y tế - Bộ Tài chính có các nội dung sau:

“Giá nguyên liệu làm căn cứ tính giá thuốc là giá đàm phán và ký hợp đồng mua nguyên liệu của bốn công ty dược phẩm.”

“Giao cho các vụ, cục chức năng của hai bộ… kiểm tra hợp đồng mua nguyên liệu của các đơn vị này để thẩm định phương án giá thành sản xuất viên nang với mức giá thống nhất của các đơn vị tham gia sản xuất nhưng không được cao hơn 1,82 USD/viên. Bộ Y tế ưu tiên mua hết số thuốc có giá thấp nhất, sau đó mới mua đến các đơn vị có giá cao hơn. Nếu sau tháng 6-2006 tiếp tục sản xuất thì Bộ Y tế cần tổ chức đấu thầu theo quy định.”

“Trường hợp doanh nghiệp đàm phán với nhà cung cấp giảm được giá nguyên liệu thì liên bộ sẽ xem xét điều chỉnh giá thành sản xuất.”

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm