Vụ côn đồ đánh dân tại Tiên Lãng: DN tự tiện “cưỡng chế”

Ngày 22-4, UBND TP Hải Phòng cho biết đã chỉ đạo Công an TP điều tra làm rõ vụ hàng chục côn đồ hành hung người dân tại khu đất dự án nhà máy giày xuất khẩu của Công ty Hoa Thành (xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng) hôm 21-4.

Được biết dự án xây dựng nhà máy giày xuất khẩu đã có từ chín năm nay nhưng bị vướng phần giải tỏa mặt bằng vì người dân liên tục khiếu nại, cho rằng giá đền bù quá thấp. Anh Vũ Văn Thân, ngụ thôn Trâm Khê, cho biết do khiếu nại việc thu hồi đất tại dự án nên gia đình anh đã từng bị kẻ xấu đổ xăng vào nhà đốt. Anh Thân và một số hộ dân còn bị kẻ xấu dán “cáo thị” với các nội dung hãy “liệu hồn” và “không lấy tiền đừng trách chúng tôi”… Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Hoa Thành còn tự ý ra thông báo yêu cầu người dân ngừng sản xuất, thu dọn cây cối, hoa màu trả mặt bằng cho doanh nghiệp này trước ngày 4-4. “Quá thời hạn trên, nếu hộ dân nào không thu dọn, công ty sẽ tổ chức thu dọn để tiến hành xây dựng nhà máy, mọi thiệt hại chủ đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm” - thông báo viết.

Vụ côn đồ đánh dân tại Tiên Lãng: DN tự tiện “cưỡng chế” ảnh 1

Hiện trường vụ xô xát hôm 21-4. Ảnh: CTV

Sau khi Công ty Cổ phần Hoa Thành tự ra thông báo trên, ngày 11-4, huyện Tiên Lãng đã ra văn bản báo cáo TP, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay việc tự ý thi công, chờ giải quyết dứt điểm kiến nghị của dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tiến hành thi công nên đã xảy ra vụ xô xát hôm 21-4.

Trưa 21-4, khi có hơn 50 người lạ mặt xăm trổ đầy người cùng hàng chục người mặc đồng phục vệ sĩ xuất hiện phá dỡ lều lán của người dân tại khu đất dự án, nhiều người dân thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng đã chạy tới ngăn cản và xảy ra xô xát. Phải hơn 30 phút sau khi Công an huyện Tiên Lãng xuất hiện, cuộc hỗn chiến mới kết thúc. Hậu quả, 11 người dân thôn Trâm Khê bị thương, trong đó có hai người bị thương khá nặng.

Chiều 21-4, tại UBND xã Đại Thắng, ông Hà Như Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Thành, phủ nhận việc thuê côn đồ đàn áp người dân. Theo ông, hôm đó chỉ có một số vệ sĩ do công ty xây dựng thuê bảo vệ hiện trường. Tuy nhiên, ông Nam đã không thể lý giải vì sao hàng chục tay giang hồ xuất hiện tấn công người dân.

Được biết diện tích đất cần thu hồi phục vụ việc xây dựng nhà máy tại khu vực trên là hơn 88.000 m2. Theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được TP Hải Phòng phê duyệt, người dân chỉ được bồi thường hơn 8,5 triệu đồng/sào (khoảng 23.000 đồng/m2). Đến năm 2005, còn 9/153 hộ không nhận bồi thường. Tuy nhiên, đa số người dân khiếu nại vì cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ quá thấp. Sau nhiều lần khiếu nại nhưng không có kết quả, người dân đã tái chiếm để canh tác hoa màu suốt từ đó tới nay.

Ông Phạm Hữu Thư, Chánh Văn phòng UBND TP, xác nhận tháng 12-2011, UBND huyện Tiên Lãng đã huy động lực lượng mang theo máy móc tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, cuộc cưỡng chế đã thất bại do gặp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân.

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm