Vụ án tại Trạm cân Dầu Giây: Đề nghị Bộ Công an vào cuộc

Vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả” tại Trạm cân Dầu Giây được Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vào tháng 3-2010. Theo Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai, thiệt hại do vụ án này gây ra đến 189 tỉ đồng.

Viện kiểm sát: Văn bản Sở Tài chính không phải là kết luận giám định

Trước đó, theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, hành vi của các đối tượng trong vụ án này có dấu hiệu phạm nhiều tội, có tổ chức. Cụ thể là có dấu hiệu về các tội nhận hối lộ, cố ý làm trái. Trong quá trình thực hiện dự án “hiện đại hóa, khôi phục và đưa vào hoạt động thí điểm trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây” đã có nhiều vi phạm về quy trình, thủ tục so với quy định của Nhà nước. Chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng một số hạng mục, thiết bị đã bị hư hỏng do thiết kế không đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Riêng sai sót trong thiết kế dự án Trạm cân Dầu Giây đã gây thiệt hại trên 193 triệu đồng.

Trong quá trình vận hành, Trạm cân Dầu Giây bỏ qua không xử lý vi phạm đối với các phương tiện quá khổ - quá tải, gây thiệt hại trên 189 tỉ đồng. Cụ thể, theo văn bản của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai trả lời cơ quan điều tra, tại Trạm cân Dầu Giây từ ngày 1-3-2009 đến 31-10-2010, số lượng xe quá tải cân động không vào cân tĩnh làm thất thoát ngân sách hơn 117 tỉ đồng; việc thiết bị không nhận dạng được xe, biển số xe dẫn đến gây thiệt hại cho ngân sách 71 tỉ đồng.

Sau khi VKS không phê chuẩn quyết định khởi tố đối với chín bị can theo đề nghị, Công an tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Tỉnh ủy Đồng Nai và cho rằng VKS hủy các quyết định khởi tố các bị can là “không có căn cứ pháp luật”.

Vụ án tại Trạm cân Dầu Giây: Đề nghị Bộ Công an vào cuộc ảnh 1

Trạm cân Dầu Giây. Ảnh: TRUNG DUNG

Trong khi đó, ông Hồ Văn Năm, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai, cho biết: Giám định của Sở Tài chính không phải là kết luận giám định, vì vậy nó không thể là căn cứ pháp lý xác định thiệt hại nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can. Vì thế VKSND tỉnh ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố chín bị can của cơ quan điều tra.

Xe quá tải qua trạm: Thiết bị báo hiệu bị… mù?

57.000 là số lượt xe có dấu hiệu quá tải tại cân động khi qua trạm nhưng không được CSGT kiểm tra, xử lý từ ngày 1-3-2009 đến 31-10-2010.

Theo giải trình của Khu Quản lý đường bộ VII với cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai

Ngày 29-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Đặng Thế Trung, Phó phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, cho biết: Theo báo cáo của tổ CSGT tại trạm cân, do thiết bị trục trặc dẫn đến nhiều lỗi trong quá trình phát hiện xe quá tải và được lưu vào biên bản từng ca công tác. Trong đó có những lỗi như: Khi phát hiện xe quá tải qua trạm, cân động truyền vào máy trung tâm xử lý rồi mới truyền ra bảng báo điện tử để CSGT biết xe vi phạm để kiểm tra, xử lý. Nhưng thiết bị trục trặc, máy trung tâm không truyền ra hoặc có truyền ra nhưng bảng điện tử không hiện số xe mà chỉ nổi lên các gạch nên CSGT không biết xe nào quá tải mà chặn dừng, kiểm tra. Ngoài ra có những lỗi rất ngớ ngẩn như khi có xe khách, xe du lịch qua trạm thì máy lại báo là xe tải.

Theo quy chế phối hợp, nhiệm vụ của lực lượng CSGT tỉnh Đồng Nai biệt phái tại trạm cân có nhiệm vụ buộc các xe có dấu hiệu vi phạm khi qua cân động (đã có thiết bị thông báo nhưng không chấp hành) vào vị trí kiểm tra; thông báo, phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra. Theo các tài liệu còn lưu tại Phòng CSGT Đồng Nai, nhiều trường hợp lỗi quá tải rất rõ, có thể nhận thấy bằng mắt thường nhưng khi đi xe qua cân động, thiết bị không phát hiện nên không yêu cầu xe vào kiểm tra tại cân tĩnh, CSGT thấy bằng mắt thường và đuổi theo yêu cầu quay lại kiểm tra thì phát hiện xe chở quá tải.

Đại tá Võ Văn Sáng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Sau khi nhận báo cáo của Phòng CSGT, chúng tôi thẩm tra lại và đề nghị cung cấp số liệu hằng tuần để xác định thiết bị hư bao nhiêu ngày, giao ban hằng tuần, hằng tháng có đề cập vấn đề này không. Cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu cung cấp những tư liệu xác định do xe quá tải qua trạm hay thiết bị bị lỗi báo không chính xác”.

Tỉnh đề nghị trung ương vào cuộc

Về vấn đề này, ông Võ Văn Một, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ý kiến: Đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lớn. Số tiền thiệt hại cần được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền kết luận chính xác, khoa học, trên cơ sở đó mới xác định được trách nhiệm của từng người có liên quan trong vụ án. Công an tỉnh báo cáo lãnh đạo bộ, ngành liên quan để hỗ trợ điều tra của tỉnh đạt kết quả. Trường hợp giữa công an tỉnh và VKSND tỉnh chưa thống nhất quan điểm xử lý, đề nghị công an tỉnh và VKSND tỉnh báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và VKSND Tối cao xin chủ trương, đường lối xử lý vụ án.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm