Vụ 20.000 viên thuốc: Lỗ hổng trong tiếp nhận viện trợ

Chiều 10-5, BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, cho biết ông khá căng thẳng vì những thông tin về vụ tiêu hủy thuốc Tasigna trong thời gian vừa qua.

Bệnh viện luôn "cầm dao đằng lưỡi"

BS Dũng khẳng định BV Truyền máu Huyết học TP.HCM không vô cảm khi nhìn thấy hàng ngàn viên thuốc quý Tasigna trị ung thư máu bị đem đi tiêu hủy. Mỗi một viên thuốc này có giá trị gần 700.000 đồng chứ không phải ít.

BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM.

Từ trước đến nay, trong việc tiếp nhận các gói viện trợ thì bệnh viện chỉ đóng vai người quản lý chứ không thể có vai trò quyết định trong việc xử lý số thuốc nhận được. Đó là thỏa thuận theo yêu cầu của nhà viện trợ.

Do đó, dù Sở Y tế TP.HCM chỉ rõ “Khi ký hợp đồng phải xác định rõ chủ sở hữu của lô hàng này là của bệnh viện hay của công ty dược Novartis" thì bệnh viện cũng không thay đổi được.

Và cũng trong trường hợp này, khi ký thỏa thuận với nhà tài trợ mà hợp đồng không xác định bệnh viện có quyền sở hữu với lô thuốc này thì cũng giống như bệnh viện buộc vào thế cầm dao đằng lưỡi. Nhưng nếu không nhận thì thiệt cho người bệnh.

Đắng lòng chuyện nhận viện trợ

Câu chuyện phải tiêu hủy hàng chục ngàn viên thuốc quý trong sự bất lực của các y bác sĩ và của các bệnh nhân đã cho thấy câu chuyện cho và nhận không phải lúc nào cũng mang lại những nụ cười ngọt ngào. 

Thuốc hết hạn một phần vì BV Truyền máu Huyết học TP.HCM không dự trù chính xác số lượng bệnh nhân tham gia chương trình, mà nguyên nhân do nhà viện trợ đưa ra những thỏa thuận khi tham gia vào chương trình viện trợ này. Do đó, bệnh nhân phải có đủ tài chính mới tiếp tục tham gia, còn bệnh nhân khó khăn phải bỏ cuộc.

Và chính Sở Y tế TP.HCM cũng lưu ý “Nếu bệnh viện thấy bệnh nhân cần thuốc Tasigna 200 mg thì tìm nguồn viện trợ khác theo đúng nghĩa viện trợ nhân đạo, không bao hàm việc đồng chi trả như Công ty Novartis đã làm”.

Công ty dược chấp nhận bỏ thuốc chứ không cho bệnh nhân

Theo báo cáo của BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, khởi đầu Công ty Novartis đề nghị tỉ lệ đồng chi trả cho bệnh nhân lên đến 10% (tương đương 100 triệu đồng/người/năm). Sau đó, bệnh viện phải thương lượng liên tục nên công ty dược Novartis mới giảm xuống còn 4% (tương đương 42 triệu đồng/năm).

Thế nhưng phải sau hơn một tháng kể từ ngày thuốc về được kho của bệnh viện thì mới có bệnh nhân đầu tiên đủ tiền mua (vào ngày 27-9-2014), trong khi số người dự trù cho lượng thuốc nhập về là khoảng 50 người.

Rất nhiều người nghèo phải đi bán vé số để có tiền mua thuốc điều trị ung thư. Ảnh: PNO

BS Phù Chí Dũng tiết lộ thủ tục bắt buộc để được tham gia chương trình này là do tổ chức Max Foundation (Mỹ) quy định và cũng là đơn vị có quyền xét duyệt bệnh nhân có được tham gia vào chương trình Tasigna Copay hay không. 

“Khi đó, bệnh viện đã chủ động đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình viện trợ đến các bệnh viện khác trong toàn quốc. Hoặc thông báo cho các nơi khác chuyển bệnh nhân đến (có biên bản cuộc họp vào ngày 6-10-2014).

Tuy nhiên, Công ty Novartis đã không đồng ý chuyển số thuốc này đến đơn vị khác theo luật của công ty mẹ (có biên bản cuộc họp vào ngày 30-10-2014). Công ty Novartis cũng chấp nhận phương án hủy thuốc nếu thuốc hết hạn dùng (mọi thiệt hại thuộc về công ty)” - theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM.

Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM lưu ý đã cảnh báo: “Bệnh viện phải rút kinh nghiệm không nhận các thuốc viện trợ có hạn sử dụng ngắn”. Bởi hiện nay quy trình thủ tục rườm rà, thuốc lại mau hết hạn và lúc đó bệnh viện chịu hết trách nhiệm. Sở Y tế TP.HCM khẳng định: “Trách nhiệm này thuộc về công ty và bệnh viện”.

Hiến tặng thuốc đã sản xuất

Nếu lần lại thời điểm nhận thư hiến tặng thuốc thì có gì đó hơi kỳ kỳ. Ngày sản xuất là tháng 6-2013 và hạn sử dụng là tháng 5-2015. Nhưng mãi đến ngày 15-7-2013, BV Truyền máu Huyết học TP.HCM mới nhận được thư hiến tặng thuốc Tasigna cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. 

Trả lời báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này, BS Phù Chí Dũng cho biết ông cũng không hiểu vì sao Công ty Novartis lại cung cấp cho bệnh viện lô thuốc có thời hạn sản xuất trước thời điểm bắt đầu xin thủ tục nhận viện trợ.

Thông thường ngay sau khi bệnh viện hoàn tất hồ sơ thủ tục xin nhận viện trợ và bắt đầu gửi văn bản về dự trù thuốc thì phía nhà tài trợ mới sản xuất thuốc. Trong trường hợp này, tháng 8 là thời điểm BV Truyền máu Huyết học TP.HCM gửi văn bản cho Novartis về dự trù thuốc thì thông thường là đến tháng 11 nhà tài trợ sẽ cung cấp lô thuốc mới nhất với hạn dùng bắt đầu từ tháng 11-2013 chứ không phải là lô thuốc đã sản xuất từ tháng 6-2013.

Vì thông thường thời gian để sản xuất thuốc là khoảng ba tháng. Khi phát hiện điều bất thường đó, BS Phù Chí Dũng cũng cho biết bệnh viện không có đề nghị nhà tài trợ thay đổi lô thuốc khác vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng của những bệnh nhân bị kháng thuốc đang chờ những viên Tasigna được tài trợ nhân đạo để chữa trị.

Một chuyên gia về dược cho rằng thuốc Tasigna là thuốc đặc trị ung thư máu với số tiền không nhỏ. Nhưng khi hết hạn đem đi tiêu hủy thì giá trị của nó không bằng bèo hay tép và không bằng tình người.

Theo HIẾU NGUYỄN/PNO

 

Ngày 9-5, Sở Y tế TP.HCM gửi văn bản báo cáo chính thức sự việc gần 20.000 viên thuốc Tasigna trị ung thư máu buộc phải hủy bỏ vì quá hạn sử dụng. Tổng trị giá của lô thuốc này lên đến trên 3,8 tỉ đồng. Trong văn bản này, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chỉ đạo giám đốc BV Truyền máu Huyết học tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến các thiếu sót được nêu tại kết luận thanh tra.

BV Truyền máu Huyết học đã tổ chức kiểm điểm trong nội bộ đơn vị vào ngày 25-4-2017 và sau đó vào ngày 27-4 đã có báo cáo gửi Sở Y tế. Sau khi bệnh viện tổ chức kiểm điểm, ngày 8-5, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm giám đốc bệnh viện và trách nhiệm của chính Sở Y tế.

Nhưng quan trọng hơn hết, qua chính kết luận của Sở Y tế, người ta thấy rõ năng lực quản lý bệnh viện đang còn quá non nớt mà nguyên nhân chính có lẽ đơn giản như câu nói quen thuộc: Bác sĩ giỏi chuyên môn chứ không thể giỏi quản lý được.

Trong trường hợp này, BV Truyền máu Huyết học TP.HCM đã ở “chiếu dưới” khi thực hiện các thỏa thuận với công ty dược Novartis, nhà tài trợ lô thuốc điều trị ung thư máu Tasigna.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.