Vỏ hộp sữa giấy tái chế thành tấm lợp sinh thái

Đây là sáng kiến của nhóm đoàn viên Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đang triển khai thí điểm tại 70 trường học trên địa bàn TP.

Chia sẻ tại tọa đàm Đời của nhựa, tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước, Phó Bí thư Đoàn Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM Châu Ngọc Cẩm Vân, cho biết nhóm môi trường mang tên "NHC-Hành trình giải cứu rác chết" bắt đầu triển khai mô hình này từ tháng 9-2018.

Học sinh tiểu học hứng thú thu gom vỏ hộp sữa. (Ảnh: Nhóm NHC-Hành trình giải cứu rác chết cung cấp)

Học sinh được hướng dẫn sau khi uống hết sữa thì xếp dẹt các vỏ hộp sữa giấy, decal dán kín lỗ cắm ống hút để hạn chế sữa dư thừa phân hủy. Sau đó giáo viên cắt, rửa, phơi khô vỏ hộp và sau cùng là công đoạn tái chế thành các vật dụng hữu ích.

Vỏ hộp sữa được thu gom, cắt rửa, vệ sinh sạch sẽ. (Ảnh: Nhóm NHC-Hành trình giải cứu rác chết cung cấp).

"Ban đầu, chúng tôi lo lắng hoạt động này sẽ vấp phải sự phản đối của nhà trường do tăng thêm việc làm cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các trường và phụ huynh rất hưởng ứng bởi hoạt động vừa có tác dụng giáo dục cho học sinh, vừa giảm được lượng rác thải cho môi trường.

Không chỉ phân loại rác tại trường, nhiều em học sinh còn thực hành tại nhà. Một số em còn đi gom của cả hàng xóm", bà Vân cho biết.

Sau đó được tái chế thành tấm lợp sinh học, hộp quà... (Ảnh: Nhóm NHC-Hành trình giải cứu rác chết cung cấp).

Từ 30 trường thí điểm ban đầu, đến nay tại TP.HCM đã có khoảng 70 trường tự nguyện đăng ký tham gia. Rất nhiều bạn trẻ khác cũng tình nguyện xây dựng các trạm tiếp nhận thu gom vỏ hộp sữa giấy tại cộng đồng.

"Với hơn 50.000 học sinh tại hơn 100 trường học và hàng ngàn người rất quan tâm tới môi trường, đến nay đã rút được hơn 550.000 vỏ hộp sữa giấy ra khỏi rác", bà Vân cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm