Vụ thuốc động kinh chữa bá bệnh (*)

Viên thuốc mà biết nói năng

Liên quan đến việc cấp nhầm 2.800 viên thuốc chống động kinh “levetiracetam” cho khoảng 150 bệnh nhân không bị bệnh này tại BV huyện Bình Chánh, BS Hồ Trúc Lệ - Giám đốc bệnh viện giải thích: “Việc cấp nhầm là do trình dược viên giải thích chưa rõ, trưởng khoa Dược, bác sĩ nhầm với thuốc tăng tuần hoàn não (!?), sau này mới biết đó là thuốc chống động kinh”.

Nhầm ngớ ngẩn đến khó tin

Theo BS Lệ, sau hơn nửa tháng cấp rộng rãi loại thuốc này, ngày 7-12, bệnh viện tiến hành bình xét đơn thuốc và phát hiện 2.800 viên thuốc đã được cấp trong vòng nửa tháng. Việc đầu tiên là bệnh viện đặt ngay vấn đề kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân, yêu cầu bác sĩ kê toa giải trình.

“Trong giải trình, các bác sĩ đều nghĩ đây là thuốc tăng tuần hoàn não nhưng trách nhiệm lớn trong việc này là của trưởng khoa Dược, đồng thời là phó chủ tịch hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện. Theo giải trình của trưởng khoa Dược, sau khi nghe trình dược viên giới thiệu, người này đã họp hội đồng kỹ thuật và thống nhất chọn Levetral vì tưởng cái gốc thuốc “racetam” là “piracetam” (một loại thuốc bổ não). Từ cái nhầm của trưởng khoa Dược, các bác sĩ kê toa cũng nhầm theo”.

Việc cấp phát nhầm thuốc chủ yếu tại phòng khám bệnh mạn tính của BV huyện Bình Chánh. Ảnh: TK

Mừng... vì chưa có kết cục... bi thảm!

BS Lệ giải thích thêm: “Mục đích chính của thuốc chống động kinh làm cho bệnh nhân ngủ, không lên cơn co giật… Tôi đã yêu cầu bác sĩ ngừng cho toa, còn nếu cho thì phải ghi rõ triệu chứng của bệnh nhân, bởi việc chẩn đoán và điều trị phải song song với nhau. Qua các trường hợp thăm khám sau khi phát hiện việc cấp thuốc sai, bệnh viện thấy việc cấp nhầm thuốc không để lại hậu quả nghiêm trọng, không làm cho bệnh nhân có kết cục bi thảm mà chỉ có tác dụng phụ là chóng mặt, hoa mắt… trong chuyên môn cho phép”!

Lại... cắt thi đua

Về việc xử lý sai sót này, giám đốc BV  huyện Bình Chánh cho biết đã yêu cầu những người có liên quan làm bản kiểm điểm. Trưởng khoa Dược nhận khuyết điểm vì thông tin thuốc không chính xác, bị cắt thi đua trong tháng. Các bác sĩ kê đơn sai bị hạ một bậc thi đua của tháng.

“Về phía công ty cung cấp thuốc, đơn vị này đã trúng thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện, trong thời gian chờ Sở Y tế phê duyệt, bệnh viện thiếu thuốc nên trưởng khoa Dược đứng ra mượn thuốc trước, chờ Sở Y tế duyệt xong thì sẽ ký hợp đồng chính thức với công ty. Sau khi phát hiện nhầm lẫn, phía công ty đã “cam kết sẽ chịu trách nhiệm” nên bệnh viện không thanh toán tiền của 2.800 viên Levetral. Riêng đối với những trường hợp bệnh nhân nào còn thuốc, phía bệnh viện đã đến thu hồi và đổi thuốc bổ giá tương đương. Số thuốc bổ này trưởng khoa Dược phải tự bỏ tiền túi ra mua” - BS Lệ cho biết.

BS Tống Quốc Đăng Khoa - Phó Giám đốc BV huyện Bình Chánh, chủ tịch hội đồng thuốc và điều trị cho biết: “Khi phát hiện, ban giám đốc đã đến nhà bệnh nhân để đo huyết áp, khám tổng quát xem những bệnh nhân có bị tác dụng phụ gì ảnh hưởng sức khỏe hay không nhưng không thấy có tác dụng phụ gì được ghi nhận. Cô bác nào còn thuốc thì ban giám đốc xin nhận thuốc đó về và thay thế bằng thuốc bổ”.

Đây là sự cố rất nghiêm trọng

Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin vụ cấp nhầm thuốc, ngày 21-1, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo phòng Nghiệp vụ y yêu cầu BV huyện Bình Chánh báo cáo các nội dung cụ thể về số người được phát thuốc; số lượng thuốc phát ra và thu hồi về; hậu quả của việc dùng thuốc nhầm cũng như việc xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan… Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo phòng Nghiệp vụ y và Quản lý dược xem xét về dược lý, tác dụng của thuốc trên bệnh nhân uống nhầm…

Vụ việc này đã được bệnh viện thông báo cho Sở từ tháng 12-2013 và ngày 20-1, Sở đã yêu cầu BV huyện Bình Chánh báo cáo nhưng bệnh viện chưa trả lời kịp vì bận họp cuối năm.

Theo đánh giá của một cán bộ Sở Y tế, việc cấp phát thuốc nhầm ở BV huyện Bình Chánh là sự cố rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận. Nó thuộc lỗi từ thông tin về thuốc đến người kê toa, đánh giá, kiểm tra toa trước khi phát thuốc. May là chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

DUY TÍNH

Khi phát hiện BV  huyện Bình Chánh cấp nhầm 2.800 viên thuốc chống động kinh cho bệnh nhân, BHXH đã không thanh toán số thuốc này vì điều trị không đúng chỉ định. Đây là sai về chuyên môn, BHXH đã thông báo đến Sở Y tế.

BS LƯU THỊ THANH HUYỀN, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM

 TUYẾT KHUÊ

(*) Xin xem từ số ra ngày thứ Ba 21-1-2014.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm