Vì sao chưa thể bổ nhiệm hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội?

Những trắc trở trong việc công nhận kết quả thi tuyển hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội, công chức cấp vụ của Bộ Tư pháp, một lần nữa làm dấy lên thắc mắc: Tại sao việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đang được các tỉnh thành, bộ ngành hồ hởi triển khai lại phải tạm ngừng?

Những hào hứng ban đầu

Phải nói ngay rằng chủ trương thi tuyển để tìm người vào những vị trí lãnh đạo không phải là mới. Từ năm 2007, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về cải cách hành chính đã yêu cầu: “Thực hiện việc thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo gắn với chuyên môn, nghiệp vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp”. Tiếp đó, Luật Cán bộ công chức 2008 lần đầu tiên quy định thi tuyển là một phương thức tuyển dụng công chức... Tất cả được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ mà từ lâu bị đánh giá là khép kín, thiếu công khai, minh bạch, thiếu tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ, từng tham gia chấp bút Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, chủ trương cải cách ấy sau đó không có hướng dẫn cụ thể, chưa được thể chế hóa rõ ràng. Trong khi đó, nhu cầu về đổi mới công tác cán bộ lại rất cấp bách. Vậy nên khi Thủ tướng phê duyệt đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức năm 2012 thì dựa vào đó và bám vào tinh thần nghị quyết của Đảng, các bộ, ngành, địa phương ồ ạt xây dựng đề án của riêng mình, thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng.

Là địa phương đầu tiên thí điểm, từ năm 2013 đến giữa năm 2015, Quảng Ninh đã tổ chức sáu đợt thi tuyển 14 chức danh lãnh đạo, quản lý, thu hút 67 ứng viên dự thi. Khác với quy trình bổ nhiệm truyền thống là chỉ khép kín trong số đối tượng đã được quy hoạch, các cuộc thi tuyển ở tỉnh năng động này mở rộng ra cả những thí sinh chưa phải là công chức, tại các doanh nghiệp để chọn được người thực sự có tài.

Tại Bộ GTVT, đã có những ứng viên trẻ, có năng lực, tự tin nhưng còn thiếu điều kiện theo luật (như chưa phải là chuyên viên chính) vẫn được tạo điều kiện dự thi tuyển vào chức danh cấp cục. Nếu trúng tuyển thì sau này họ sẽ phải “trả nợ” các tiêu chuẩn còn thiếu.


Trong hai ngày 31-8-2015 và 1-9-2015, Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển ba chức danh lãnh đạo. Trong ảnh: Các ứng viên đang bốc thăm số thứ tự. Ảnh: NN

Sợ vỡ quy hoạch

Tuy nhiên, việc thí điểm lại gây ra một số tranh cãi, nhất là về độ mở với thí sinh dự tuyển.

Theo ông Lê Tiến Châu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương đã khảo sát, qua hội thảo lấy ý kiến thì thấy có ba nhóm quan điểm: Một, mở tối đa, tạo điều kiện cho ứng viên cả trong và ngoài công vụ thi tuyển. Hai, chỉ áp dụng với cán bộ, công chức trong quy hoạch tại chính đơn vị có nhu cầu tuyển chọn lãnh đạo. Ba là dung hòa: Phải là cán bộ, công chức nằm trong quy hoạch cho chức danh tương đương nhưng không bó hẹp trong chính cơ quan đó mà mở ra với tất cả đơn vị cùng bộ ngành, địa phương nơi thi tuyển...

TS Đinh Duy Hòa cho rằng bản chất ở đây là có những lo ngại nguyên tắc tuyệt đối Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ bị phá vỡ. Rằng nếu mở cơ hội cho người ngoài công vụ thì sẽ vô hiệu công tác quy hoạch cán bộ...

Trước tình hình này, tháng 5-2015, Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý đã báo cáo Bộ Chính trị về việc xây dựng một đề án thí điểm thống nhất, thay vì để các tỉnh thành, bộ ngành tự xây dựng đề án thí điểm riêng như đang diễn ra. Ngày 26-5-2015, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 202, nhấn mạnh việc đổi mới “phải bảo đảm, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ”.

Đáng chú ý, Thông báo 202 “chốt” vấn đề đối tượng đăng ký dự tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng phải là cán bộ, công chức, viên chức nằm trong quy hoạch ở các chức danh tương đương, bao gồm cả cơ quan, đơn vị đang cần tuyển chọn và cả các đơn vị khác nhưng cùng bộ, ban ngành, địa phương đó. Trường hợp không nằm trong quy hoạch thì phải được cấp ủy quản lý chức danh đó đồng ý. Dự thảo đề án cũng thể hiện theo phương án này. Thông báo 202 còn yêu cầu các bộ ngành, địa phương không tổ chức thi tuyển theo đề án riêng nữa, mà đợi triển khai theo đề án chính thức của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Chức danh hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội: Chờ rà soát!

Trong lĩnh vực tư pháp, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp có giá trị rất lớn đối với công tác cán bộ. Ban hành từ năm 2005, Nghị quyết 49 đã định hướng phải “mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp, không chỉ là cán bộ trong các cơ quan tư pháp, mà còn là các luật sư”. Đây là cửa mở để tạo liên thông nguồn nhân lực giữa trong và ngoài khu vực công vụ.

Trên tinh thần ấy, đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tư pháp đã mở rộng đối tượng ứng viên, bất kể là trong hay ngoài quy hoạch, là người tại chỗ hay bên ngoài đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm và chấp nhận cả những ứng viên nằm ngoài Nhà nước, chưa phải là công chức. Đề án này được phê duyệt, triển khai từ năm 2013 và đã có một số chức danh được bổ nhiệm qua hình thức thi tuyển này.

Sau cuộc thi tuyển lãnh đạo năm 2014 diễn ra suôn sẻ, năm 2015 Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai thi tuyển lãnh đạo với ba chức danh hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Trong ba chức danh này, duy nhất vị trí hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội có một ứng viên không phải là công chức, viên chức. Đó là ông Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink.

Đề án thi tuyển của Bộ Tư pháp đã được công bố rộng rãi. Các thí sinh cũng đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Đúng lúc này thì Bộ Chính trị ra Thông báo 202. Trước tình hình đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng - Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, xin được tiếp tục triển khai thí điểm thi tuyển. Ngày 2-8-2015, Thủ tướng thông báo đồng ý nhưng yêu cầu “đảm bảo phù hợp với tinh thần kết luận của Bộ Chính trị”.

Tin rằng đề án của mình là đúng, phù hợp tinh thần cải cách, thí điểm, trong hai ngày 31-8-2015 và 1-9-2015, Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển ba chức danh lãnh đạo nêu trên. Ở chức danh hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội, ông Vinh vượt qua ba thí sinh khác, trúng tuyển nhưng mãi tới nay vẫn chưa được nhận quyết định bổ nhiệm.

Họp báo cuối năm ở Bộ Tư pháp hôm 31-12-2015, ông Lê Tiến Châu cho biết trường hợp ông Vinh đang bị vướng chủ yếu bởi Thông báo 202. “Thủ tướng đã giao Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp các cơ quan thẩm quyền rà soát một lần nữa. Nếu đề án của Bộ trái với Thông báo 202, chúng tôi sẽ hủy kết quả thi. Nếu không trái, chúng tôi sẽ trao quyết định bổ nhiệm theo kết quả thi” - ông Châu nói.

Còn “ứng viên” Lê Đình Vinh, người từng tốt nghiệp thủ khoa khoa Pháp luật kinh tế ĐH Luật Hà Nội năm 1995, TS luật Trường ĐH Tổng hợp Kyushu (Nhật Bản), cho hay vẫn đang đợi kết quả giải quyết của Bộ Tư pháp. “Tôi từng nhiều năm làm giáo viên tại ĐH Luật Hà Nội, rồi làm phó Ban Thư ký ở Bộ Tư pháp trước khi ra ngoài làm luật sư và kinh doanh. Tôi vẫn thiết tha trở lại ngôi trường cũ của mình” - ông nói.

Chia sẻ thêm với Pháp Luật TP.HCM ngày 13-1, ông Châu cho biết mấy ngày tới Bộ sẽ có thông cáo báo chí chính thức về sự việc này.

TP.HCM đang tạm dừng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý

Đầu năm 2014, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 447 về phê duyệt đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Mục tiêu nhằm tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, hạn chế việc chạy chức, chạy quyền.

Cuối tháng 4-2015, Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng trực thuộc Sở Tư pháp đối với hai chức danh phó chánh văn phòng và phó trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, tới ngày 26-6-2015, UBND TP.HCM đã có văn bản số 3584 chỉ đạo tạm dừng việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại TP. Việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại TP sẽ được thực hiện theo các quy định về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng của Thành ủy, UBND TP và Quyết định 27/2003 của Thủ tướng.

Theo UBND TP, sở dĩ phải tạm dừng vì cuối tháng 5, Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận số 202 về đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, sở, phòng. UBND TP cũng giao Sở Nội vụ TP căn cứ vào đề án này tham mưu trình UBND TP quyết định thay thế Quyết định 447.

Mới đây, trao đổi với báo giới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Văn Làm cho biết dự kiến năm 2016, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo ở TP sẽ áp dụng đại trà.

TÁ LÂM

Vì không tìm được nhân sự phù hợp, trong một thời gian dài hai thứ trưởng Bộ Tư pháp đã phải luân phiên kiêm nhiệm hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội. Gần đây nhất, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã thôi kiêm nhiệm chức danh này từ ngày 20-8-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm