Văn học hôm nay chưa thỏa lòng người đọc trẻ

Buổi tọa đàm được NXB Trẻ tổ chức nhằm giải quyết các khúc mắc: Các bạn trẻ viết như thế nào? Bạn đọc trẻ thích đọc gì? Và người viết cần gì ở sự đỡ đầu của một NXB?

Thôi thúc viết về những phận đời

Các tác giả văn học tuổi 20 qua các thời kỳ đã trao đổi với độc giả những trăn trở trong cuộc sống, khát vọng viết như một nhu cầu tự thân.

Một trong những tác giả được đánh giá có những trang văn góc cạnh, ám ảnh người đọc là Võ Diệu Thanh. Chị chia sẻ: Những khía cạnh đau lòng, nghiệt ngã của cuộc sống là điều thôi thúc chị cầm bút nhất. “Là người mẹ, thực sự tôi cũng cảm thấy sợ khi viết ra những thân phận trẻ con có cuộc sống nghiệt ngã. Tôi sợ hãi khi liên tưởng nhân vật trong trang viết với con mình. Nhưng các nhân vật đó có thật ngoài đời, ám ảnh tôi, hối thúc tôi viết. Chúng như những cơn ác mộng. Tôi viết ra để người đọc nhìn thấy cơn ác mộng đó mà không phải trải qua nó” - Võ Diệu Thanh lý giải về sự gai góc trong văn của cô.

Là một thủy thủ với những chuyến hải trình bất tận trên biển, tác giả đoạt giải nhất của Văn học tuổi 20 lần 4 - Trương Anh Quốc cho biết biển là mảnh đất màu mỡ cho anh tiếp tục khai thác. Mượn bối cảnh của biển, Trương Anh Quốc kể nhiều câu chuyện nhỏ về những con người sống lênh đênh trên biển và mối liên kết của họ với các số phận khác ở một vùng núi, một làng quê nghèo hay một đô thị lớn ở đất liền. Do đó dù chủ đề của Trương Anh Quốc là biển và câu chuyện diễn ra trong vỏn vẹn một chiếc tàu, độc giả vẫn không bị giới hạn trong không gian hạn hẹp. Trương Anh Quốc vẫn chuyển tải được cuộc sống của thế giới rộng lớn trong tác phẩm của anh.

Còn tác giả Lê Bảo Nhi thì cho biết chị đau đáu với mảng đề tài những phận người nghèo khổ sống và mưu sinh trên đường phố. Bởi đó cũng là cuộc sống thật thời ấu thơ của chị, phải lăn lóc, kiếm sống ở bến xe…

 

Nhà văn Hải Miên chia sẻ thói quen đọc sách từ nhỏ đã ươm mầm viết lách cho chị. Ảnh: TRÀ GIANG

Thiếu sự bứt phá

Buổi tọa đàm cũng đặt ra câu hỏi độc giả tuổi 20 mong muốn được đọc gì từ nhà văn. Bạn đọc Nguyễn Như Quỳnh, nhân viên văn phòng, cho biết muốn đọc các cuốn sách mới lạ, thử thách người đọc và để lại sự ám ảnh cho người đọc. Như Quỳnh cũng thẳng thắn nhận xét hiếm khi đọc văn học trong nước vì có quá ít tác phẩm đáp ứng được yêu cầu này.

Tương tự, bạn đọc Thanh Hoa, sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM, mong muốn có những tác phẩm để lại giá trị nhân văn hay thể hiện một quan niệm sống của riêng tác giả. Còn bạn đọc Hồng Hải muốn đọc những tác phẩm nhẹ nhàng, tươi sáng, hài hước qua đó có thể rút ra những bài học, những kinh nghiệm sống có ích.

Có mặt tại buổi tọa đàm, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nhận xét văn học trẻ hiếm hoi các cây bút bứt phá. “Sự bứt phá là thử thách lớn của các cây viết trẻ. Các tác phẩm đều đều nhau, không nổi bật. Cái nhìn của nhiều tác giả quẩn quanh trong cái tôi, mô tả nội tâm, thân phận của chính mình mà chưa nhìn ra thân phận của những người khác trong cuộc sống. Thêm một hạn chế là các cây viết trẻ chưa có cách kể chuyện thú vị và cũng không có câu chuyện thú vị để kể” - nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đánh giá.

TRÀ GIANG

 

13 ứng viên sáng giá

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5 vừa khép lại. Trong khi chờ kết quả, ban tổ chức đã chọn 13 tác phẩm phát hành gồm: Urem, người đang mơ (Phạm Bá Diệp); Anh đã đợi em từng ngày (Nguyễn Thị Thanh Bình); Ở trọ Sài Gòn (Nguyễn Hoàng Vũ); Hạt hòa bình (Minh Moon); Ngôi nhà không cửa sổ (Khiêm Nhu); Những người bạn của mặt trời (Lanka); Rưng rưng lòng (Tịch); Bình yên tạm bợ (Trần Lãng Diệp); Thị trấn của chúng ta (Nguyễn Dương Quỳnh); Chộn rộn xứ người (Mai Thanh Nga); Nhiệt đới buồn (Phương Rong); Sống (Đường); Những đêm không ngủ ở Toronto (Nguyễn Thu Hoài).

Tháng 3-2014, NXB Trẻ cũng tái bản các tác phẩm đoạt giải qua bốn lần thi theo hình thức mới: ghép lại thành tuyển tập, trình bày sinh động. Các các phẩm được ghép lại theo ý tưởng chung, tựa tuyển tập do NXB đặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm