Văn hóa xếp hàng

Các bến xe ở Hà Nội, Sài Gòn chật cứng người chen lấn mua vé, chẳng ai thèm xếp hàng. Người ta gần như đạp lên nhau để cố mua được cái vé xe. Tôi rùng mình khi nhớ lại các lễ hội mùa xuân ở miền Bắc, như lễ phát ấn đền Trần, hội cướp phết hay lễ hội đền bà Chúa Kho... Gần nhất là giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, cảnh hàng triệu người chen lấn, giẫm đạp, chen vào đền dâng lễ vật mới thật khủng khiếp.

Cũng may là lực lượng an ninh kịp can thiệp, không để xảy ra kiếp nạn giẫm đạp chết hàng ngàn tín đồ Hồi giáo hằng năm hành hương về thánh địa Mecca, Ả Rập Saudi hay các tín đồ đạo Hindu chen lấn, giẫm đạp đến thánh đường hành lễ ở Ấn Độ.

Chợt nhớ lại chuyện xếp hàng của thời bao cấp. Gì cũng xếp hàng. Mua lương thực: xếp hàng. Có khi xếp hàng năm, bảy tiếng đồng hồ để mua mấy ký khoai mì tươi là chuyện thường.

Mua vé xem phim: xếp hàng. Nếu phim hay thì rồng rắn xếp hàng từ trưa để mua vé xem suất chiều tối. Mua vé xem bóng đá: xếp hàng. Trận đấu 17 giờ nhưng mới 12 giờ đã phải xếp hàng mua vé. Uống ly bia tươi: Xếp hàng.

Tôi nhớ lần đầu ra Hà Nội khoảng năm 1980, thấy người ta xếp hàng uống bia tươi, tôi tấp vào xếp chắc chừng thứ ba mấy, bốn mươi. Nhích từng bước mãi gần một giờ sau mới tới lượt, uống được cốc bia quá ngon, quá đã không bao giờ quên. Muốn uống thêm ly nữa nhưng người sau thúc vào lưng: Muốn uống nữa hả? Quay lại đằng sau xếp hàng tiếp. Thôi uống một ly đứng đã rã chân rồi!

Mua cái vé xe về quê thăm cha bệnh phải xếp hàng từ 4-5 giờ sáng cũng không mua được vé, bởi mỗi ngày có mỗi chuyến, xe chừng bốn, năm mươi ghế, mà phòng vé chỉ bán ra vài ba chục vé, phần còn lại để dành cho các “quan hệ đối ngoại” của lãnh đạo bến xe và dĩ nhiên các nhân viên bán vé chuyền ra chợ đen bán giá gấp đôi, gấp ba.

Muốn mua được vé đi ngay chỉ có cách mua vé chợ đen hoặc phải mua... cái cục gạch để giữa hàng giữ chỗ. Những kẻ bụi đời hay nhiều người thất nghiệp tranh thủ ra trước từ đầu hôm, để một cục gạch giữ chỗ rồi họ trải chiếc chiếu gần đó nằm ngủ, ai cần mua chỗ thì họ “nhường”, có khi giá cục gạch bằng giá cái vé xe! Nhưng họ vẫn có luật hè phố bất thành văn là mỗi người nằm đó chỉ có thể để một cục gạch thôi.

Kể vài mẩu chuyện xếp hàng thời bao cấp không phải để luyến tiếc cái thời khốn khổ ấy, mà là nhớ đến văn hóa xếp hàng ấy. Hiện nay đời sống tương đối đầy đủ, người ta chẳng cần phải xếp hàng để mua sắm. Thậm chí nằm nhà mua hàng trực tuyến, hàng sẽ được giao tận nơi. Nhiều người đã quên mất văn hóa xếp hàng. Nhiều người trẻ không biết xếp hàng, ngay cả tại nhiều lễ hội văn hóa, tôn giáo.

Mấy hôm trước, tôi tình cờ đọc thấy trên mạng chuyện một trường trung học ở Đồng Nai ra đề thi văn nói đến chuyện một du học sinh người Nhật đến Việt Nam học Việt Nam học đã phát biểu, đại ý: Dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, tiếc là nhiều người Việt bây giờ không biết xếp hàng. Đề thi hỏi học sinh nghĩ gì. Câu hỏi tưởng dễ nhưng khó trả lời, ngay cả với người lớn.

Tuy anh sinh viên Nhật này không nói ra nhưng có lẽ anh ngụ ý: Không biết xếp hàng đồng nghĩa với thiếu văn hóa, theo quan niệm của người Nhật. Với người Nhật, ngay cả động đất, sóng thần như hồi năm 2011 hay hai trận động đất nhỏ vừa rồi ở Nhật, dù mất hết nhà cửa, gia sản, dù giữa giá rét nhưng những nạn nhân vẫn không chen lấn. Họ im lặng xếp hàng, chờ đến lượt mình nhận lương thực cứu trợ. Đó là nét văn hóa của người Nhật ít có dân tộc nào có được.

Chỉ mong những người Việt trẻ hôm nay rút được bài học gì đó từ những nạn nhân động đất vừa nói, suy ngẫm và thấm thía câu nhận xét của anh du học sinh người Nhật nói trên.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.